Khi NSND Vương Duy Biên (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam) báo tin nhà văn Tùng Điển phiêu du miền mây trắng, tôi sững sờ. Vậy là bao nhiêu trang viết của anh đành phải dang dở.
Ai đã từng tiếp xúc với anh đều nhận thấy một vẻ đẹp toát lên từ phong thái lịch lãm, khiêm nhường, cả trong khuôn mặt hồn hậu, mái tóc phiêu bồng, ánh mắt cười... đến giọng nói trầm ấm, thủ thỉ, ân tình. Anh thân thiện, gần gũi với đông đảo văn nghệ sĩ cả nước. Tôi gặp anh trong nhiều cuộc họp từ cơ quan trung ương đến các hội VHNT địa phương. Sự khiêm nhu, nhỏ nhẹ, trình bày các vấn đề khúc chiết, rõ ràng, luôn khuyến khích, động viên, nên văn nghệ sĩ cả nước đều trân trọng, yêu quý, tin cậy.
Người văn lịch lãm, tinh tế
Tùng Điển được nuôi dưỡng trong môi trường có cha làm nghề giáo và một tủ sách đồ sộ Đông Tây kim cổ. Thông minh, học giỏi, tài năng văn chương bộc lộ từ nhỏ. Không gì hạnh phúc hơn ở tuổi 19 (1966), Tùng Điển đã trở thành hội viên sáng lập của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và còn được nhà văn Tô Hoài cùng đại hội tin cậy giới thiệu vào Ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT Hà Nội.
Năm 1970, tốt nghiệp Đại học Thông tin liên lạc (thuộc Tổng cục Bưu điện) loại ưu, anh được giữ lại làm giảng viên của trường. Thầy giáo dạy toán yêu văn tưởng yên vị với giảng đường đại học, nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”, thầy trò cùng hưởng ứng phong trào “Gác bút nghiên lên đường chiến đấu”.
Bước vào môi trường mới, anh có điều kiện xáp mặt với hiện thực hào hùng của dân tộc. Sau khi “giặc nước đuổi xong rồi”, anh không trở về trường cũ, mà hiện thực hóa niềm đam mê văn chương, chữ nghĩa ở cơ quan văn nghệ đến trọn đời. Anh trải qua nhiều vị trí công tác đều liên quan đến nghề viết. Trước tiên, anh làm biên tập viên ở NXB Thanh niên, rồi chuyển sang NXB Kim Đồng. Đánh dấu sự xê dịch mới vào năm 1988 khi đầu quân cho tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam, thời nhà văn Nguyễn Đình Thi làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Tổng biên tập.
Tham gia biên tập từ số đầu tiên tạp chí Tác phẩm mới, Tùng Điển trưởng thành qua từng vị trí công tác, làm Thư ký tòa soạn, rồi đến Phó Tổng biên tập. Một bước ngoặt xê dịch mới vào năm 1999 khi anh được Nguyễn Đình Thi tin cậy giao nhiệm vụ làm giám đốc, quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Kể từ đó, Tùng Điển gắn bó với cơ quan Liên hiệp; trước khi nghỉ hưu, anh là Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Làm lãnh đạo văn nghệ có thâm niên, anh có cách xử lý tình huống hết sức bình tĩnh, khéo léo, bộc lộ chính kiến rõ ràng, thấu tình, đạt lý. Ấy vậy mà cũng có lần anh đã từng nổi nóng về một cuốn sách nào đó vì nội dung ám chỉ thô thiển, lố bịch, không thể chấp nhận được... Nhà văn chỉ nói đến đó và tôi cũng tò mò muốn biết tác giả cuốn sách đó, nhưng cũng không dám gặng hỏi thêm. Điều bí mật anh đã mang theo đi. Thái độ bộc trực của anh rất mực tinh tế, uyển chuyển.
Được giao trọng trách trưởng ban Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tùng Điển luôn bảo vệ, ủng hộ những công trình sáng tạo của văn nghệ sĩ viết về ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em. Anh vẫn nói, mục tiêu của đề án là thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam; quảng bá di sản VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam với bạn bè thế giới; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; bổ sung nguồn tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu... Mỗi lần gặp, anh vẫn tươi cười, ân cần chúc mừng tôi và các văn nghệ sĩ đã được hỗ trợ in sách từ đề án này...
Giải thưởng Giải thưởng của Hội VHNT Hà Nội cho tiểu thuyết Mạch ngầm (1976). Giải thưởng Văn học công nhân cho tập truyện ngắn Những ô cửa màu nâu (1976). Giải thưởng Văn học Hà Nội 5 năm lần thứ Nhất cho tập truyện ngắn Những ô cửa màu nâu (1980). Giải C của Hội VHNT Hà Nội cho tiểu thuyết Khoảng trống (1983). Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 4 (năm 2017). |
Gia tài văn chương
Tài năng văn chương của Tùng Điển đã được bộc lộ từ sớm. Một số truyện ngắn của cậu học trò phổ thông đã được đăng báo Văn nghệ, đọc trên các đài phát thanh.
Nhìn lý lịch trích ngang mới thấy anh “có số làm quan”, cả đời bận bịu với công tác quản lý mặt trận văn nghệ. Hẳn phải rất khéo, anh mới có thể sắp xếp thời gian dành cho văn chương. Tùng Điển viết không nhiều, nhưng là nhà văn giàu nội lực. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Sở trường của anh là văn xuôi. Kể từ tập truyện ngắn đầu tiên Những ô cửa màu nâu xuất bản năm 1975, đến nay, gia tài mới chừng mươi cuốn sách.
Về thể tiểu thuyết, anh là tác giả của Mạch ngầm (1976), Khoảng trống (1983), Người cũ (2018); tập truyện vừa, truyện ngắn: Những đứa con thành phố (1979), Bức ký họa (1985), Ngọn đèn như quả hồng chín (1987), Bãi vắng (2002)… Trong đó, một số tác phẩm của anh đã đến với quốc tế, như tập truyện ngắn Bức ký họa được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, truyện Mắt xích dịch và in ở Nga, truyện Bãi vắng được dịch sang tiếng Anh...
Đọc tác phẩm của Tùng Điển điều dễ nhận thấy anh viết khá duyên, bộc lộ khả năng sở trường văn xuôi; tự định hình cho mình một phong cách riêng. “Văn là người”, anh thể hiện chất văn đẹp, ngôn ngữ trong sáng, chân chất, giản dị; kết cấu gọn, chắc, mạch lạc; tuyến nhân vật được xây dựng hợp lý, đa tính cách, tạo sức gợi lớn... Nói như nhà văn Kim Chuông: “Văn của Tùng Điển giàu có chất văn. Văn hướng về phía lọc sàng, nghiềm ngẫm hiện thực để tìm được sức vang động nhiều hơn nơi phía sau hiện thực”.
Đơn cử như tập Ngọn đèn như quả hồng chín, viết xoay quanh một ca cấp cứu. Ở đó xuất hiện một số nhân vật như người đạp xích lô, bệnh nhân, thầy thuốc... trong không gian bệnh viện... Chỉ vài nét sơ lược, nhà văn đã dựng lên hình ảnh Hà Nội thời bao cấp với bao thân phận, kiếp người. Hình ảnh chiếc xích lô với ngọn đèn bé nhỏ như một quả hồng chín cháy sáng giữa phố phường Hà Nội trong một đêm Đông giá buốt như một biểu tượng đẹp của lòng tin, hy vọng, nhân văn.
Tiểu thuyết Mạch ngầm kết cấu 3 phần, gồm Cửa rừng, Công trường và Tạm biệt, được nhà văn cô nén cái bên ngoài để gửi vào bên trong chiều sâu nội tâm những suy tư, chiêm nghiệm, phát hiện...
Tiểu thuyết Người cũ sau gần 3 năm trời xoay xỏa, đau đáu, vật vã, “giành giật” với thời gian cơ học của chính mình, soi trong tâm tưởng của chính mình mới được “ra lò” vào tháng 7/2018. Lấy tiêu đề Người cũ, nhưng nội dung trong đó đặt ra nhiều vấn đề khá mới về chuyện cũ và... người cũ đan xen chuyện thật và ảo.
- Ra mắt 2 cuốn sách của các nhà văn, nhà báo về đại dịch Covid-19
- Hội Nhà văn Việt Nam gặp mặt các nhà văn hải ngoại sống tại 12 nước trên thế giới
- Các nhà văn nói về “PR trong văn học”
Với hơn trăm trang, Người cũ gồm Sân 51, Những người chân đất, Hai người lính Tây và Người thiên cổ. Trong phần Sân 51 (có lẽ là trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), những “người cũ” chính là những văn nghệ sĩ nổi tiếng gắn bó với nơi này như Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương... Bên cạnh đó là chuyện tâm linh dưới gốc cây si già, chuyện cây cứu người, chuyện hai cụ rùa... Hấp dẫn nhất phải kể đến phần Người thiên cổ. Tác giả viết như chắt ra trong ký ức ăm ắp về vùng quê Tự Khoát (Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) với bao số phận thăng trầm, trong đó tiêu biểu là cha con cô Ngưu. Nhà văn đã phát huy tối đa yếu tố địa văn hóa để lý giải những cái tên gắn bó với đất đai quê hương...
Qua tác phẩm của anh, chân dung tự họa hiện lên qua cách giới thiệu rất khéo: “Quê tôi cách Hà Nội chỉ một vài bước chân, nhưng bao nhiêu năm nay người quê tôi vẫn vậy... Hơn thế, những nét đẹp về bản sắc văn hóa, đã trở thành tình cảm, thành nếp sống của người Hà Nội như: Bánh cuốn Thanh Trì, cá rô Đầm Sét, cá chép Yên Duyên, chim sâm cầm đầm Linh Đàm, bánh khúc Tự Khoát...” (Người cũ); “Làng tôi, cách trung tâm Hà Nội một cánh đồng rộng mênh mang, nhìn hút mắt. Sông Tô Lịch, ngày ấy, nước trong leo lẻo, men theo phía Nam thành phố, chảy qua làng tôi...” (Hai người lính Tây)...
Nhà văn Tùng Điển tên khai sinh là Trần Quang Điển, sinh ngày 1/1/1947 tại làng Ngũ Hiệp (nay là xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông mất lúc 9h ngày 10/7/2022 (nhằm ngày 12/6 năm Nhâm Dần), gửi lại dương thế 76 năm, với bao dự định viết còn dang dở. Lễ viếng được tổ chức vào hồi 12h00 ngày 14/7/2022 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 13h30 cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên. |
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng
Tags