(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/1/2021 nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo qua đời, thọ 104 tuổi. Cây đại thụ của làng âm nhạc tài tử Nam Bộ về cõi vĩnh hằng mang theo tiếng đàn mà giáo sư Nguyễn Thuyết Phong gọi là “tinh tế, điêu luyện, xuất thần và thậm chí… ma mị”.
Là người được vinh dự nhận giải thưởng Đào Tấn, được vinh danh là “bảo vật quốc gia sống” (national living treasure), được Chính phủ Pháp tặng Huy chương Nghệ thuật và văn học (Ordre des Arts et des Lettres)… nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn là người sáng lập - trưởng ban cổ nhạc Nam phần, ngành Quốc nhạc của trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn năm 1956 (nay là Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện TP.HCM).
Đàn tranh cải tiến của Nguyễn Vĩnh Bảo
Những đóng góp của ông đối với âm nhạc cổ truyền miền Nam khó có thể kể hết, nhưng đối với nhạc giới tài tử, mọi người đều thân thương gọi ông bằng “thầy” và đều ít nhất một lần được nghe tiếng đàn “thâm trầm, sâu lắng mà bay bướm, uyển chuyển, đậm đà, cảm xúc” của ông…
Sinh ra trong gia đình Nho học, cụ thân sinh (ông Nguyễn Hàm Ninh) là một Đông y sĩ, đồng thời là người am hiểu về nhạc tài tử, hát bội, thông thạo nhiều loại đờn: tranh, kìm, cò, gáo… nên nhạc sư Nguyễn Vĩnh bảo đã sớm được học nhạc và biết chơi đờn từ 6 tuổi. Năm 1955, nhạc sư được mời dạy đờn tranh tại trường âm nhạc và tham gia vào việc thành lập trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn năm 1956.
Từ những năm 1950, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã nghiên cứu cải tiến cây đàn tranh 16 dây lên 17 dây, sau đó là 19 dây, 21 dây. Trong nhiều lần tâm sự, ông kể: “Ban đầu, có người còn nói cây đàn tranh 17 dây của tui giống như có cái ngón tay thừa, chẳng để làm gì…”.
Thế nhưng, những người học đàn, ai cũng hiểu sợi dây thêm đó có thể thay cho cả một bát độ (quãng tám) phía dưới, thay cho nhiều dây thuộc âm khu trầm. Một sợi dây thêm trên cây đờn đó có thể giúp người đờn chuyển dây (chuyển hò) dễ dàng, có thể đờn bài vọng cổ giọng đào (dây đào - hò 3) rồi chuyển sang dây hò tư, về lại hò nhất mà khỏi phải chuyển nhạn, so dây.
Không chỉ thuận tiện cho diễn tấu, cây đàn của ông còn là một gợi ý cho những sáng tác mới sau này, nhiều tác phẩm có âm vực rộng hơn 4 quãng tám đã ra đời và thậm chí, có nhiều tác phẩm độc tấu đàn tranh do nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Đời, nghệ sĩ đàn tranh Lê Thị Kim Hiền… sáng tác trên cây đàn tranh 24, 25, 26 dây.
- Vĩnh biệt nhạc sư Vĩnh Bảo (Kỳ 2): 'Ngón đàn Vĩnh Bảo, tiếng đời thiết tha'
- Vĩnh biệt Nhạc sư Vĩnh Bảo: 'Người lính' bảo vệ nhạc dân tộc
- Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo trả lời về kết luận liên quan đến vụ AVG
Ông còn cải tiến sao cho cây đàn tranh có tiếng vang dày dặn, trong, rõ và âm ba ngân nga đủ để người diễn tấu nhấn nhá, luyến láy, biến hóa theo ý riêng. “Đàn tranh Vĩnh Bảo” gần như một bảo vật mà bất cứ nghệ sĩ chơi đàn tranh nào cũng muốn được sở hữu.
Ông kể về buổi ban đầu cải tiến - đóng đàn tranh: “… Trong cái đàn piano có mấy cái étude foie, nó là mấy miếng nỉ chụp lên dây đàn để giảm tiếng vang. Tui nghĩ cái thằng này người ta bụm miệng nó lại rồi mà nó còn kêu bể nhà, tại sao cái đờn của mình kêu nhỏ quá? Đờn bài Việt Nam mình cần ngân dài để còn nhấn, rung mà mới khảy xong nó đã ngưng kêu rồi… còn cái đờn piano đâu cần ngân nhiều nên người ta phải chụp nó lại!”.
Ít ai biết chính cây đàn piano đã gợi ý cho ông cải tiến đàn tranh Việt Nam. Con đường cải tiến đàn tranh của ông là sự tự nghiên cứu, ông tìm hiểu qua sách báo về âm thanh học (acoustic); cách đóng đàn với những thợ đóng đàn violin, guitar (luther) khi sang Pháp biểu diễn; đặc biệt, ông “học” cấu tạo, chất liệu, loại gỗ của cây đàn koto (đàn tranh của Nhật) để rút kinh nghiệm cho cấu tạo, các bộ phận của cây đàn tranh sau này. Ông đã từng tháo hẳn một cây đàn koto nhằm lấy phần gỗ mặt đàn và đáy đàn để đóng cho mình một cây đàn tranh hoàn toàn Việt Nam…
Trải qua nhiều năm, đến nay cây đàn tranh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo với dáng dấp rất riêng, âm thanh tròn trịa, dày, vang và ngân nga, có thể đờn không chỉ bài bản tài tử, cải lương mà còn phù hợp với hầu hết các thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam khác.
Đàn tranh của ông có thể đạt được những yêu cầu âm thanh khi thể hiện những tác phẩm mới, sáng tác theo phong cách khí nhạc, những bài độc tấu, hòa tấu với những nhạc cụ khác hoặc thể hiện phần độc tấu cùng với dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc nhẹ hiện đại mà vẫn đậm đà âm sắc của nhạc cụ dân tộc.
Về phương diện kỹ thuật diễn tấu, đàn cải tiến của ông dài hơn, rộng hơn, tạo nên những âm thanh đầy đặn, bổ sung nhiều âm ở âm khu trầm, mang lại khả năng diễn tấu linh hoạt, thể hiện được nhiều kỹ thuật diễn tấu mới, tạo điều kiện cho người biểu diễn có thể thể hiện một cách phong phú, sáng tạo hơn và gợi ý, mở rộng cho các nhạc sĩ sáng tác khai thác, phát triển, sáng tạo nhiều tác phẩm có kỹ thuật diễn tấu mới.
Những bí quyết đóng đàn tranh chưa được trao truyền…
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã để lại cho đời hàng trăm bản đờn tài tử được ghi âm từ trong nước đến ngoài nước, với tiếng đờn thâm trầm, sâu sắc thể hiện tình cảm nhân hậu, tính cách phóng khoáng, khiêm nhường, thanh cao của phẩm cách người thầy, người nghệ sĩ miền Nam.
Với tấm lòng đau đáu giữ gìn và phát triển nền âm nhạc cổ truyền dân tộc, ông không chỉ luôn nghiên cứu, đóng góp, biểu diễn mà còn sẵn lòng trao truyền, hướng dẫn cho nhiều thế hệ sau về âm nhạc dân tộc. Nhưng từ nay, chúng ta sẽ không còn được thấy hình ảnh cụ già gầy ốm, tóc bạc phơ, có đôi mắt tinh anh, làm việc không ngừng nghỉ, vừa viết tài liệu dạy học, vừa dạy đàn, vừa tiếp tục nghiên cứu thanh âm của âm nhạc, của nhạc khí, vừa hướng dẫn thế hệ sau những bí quyết để đóng đàn…
Trên hết, những nghiên cứu, đúc kết trong nghệ thuật đóng đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo không chỉ là kỹ thuật của nhà nghiên cứu, của người có kiến thức về âm thanh học mà còn là kinh nghiệm và cảm xúc của người nghệ sĩ biểu diễn, của người hiểu cây đàn tranh như hiểu chính mình…
Tất cả những điều đó quả thật khó ai có thể làm được như ông đối với cây đàn tranh. Tiếc rằng, những bí quyết, nghệ thuật đóng đàn của nhạc sư sẽ có thể mai một, bởi ông từng than rằng: “Bây giờ, người học đờn còn chưa có, lấy đâu ra người học làm đờn”.
Người Nhật đã trở thành một cường quốc piano, guitar… với hiệu đàn Yamaha hay Kawai dù đàn piano, guitar không có xuất xứ từ Nhật. Trung Quốc đã bắt đầu xuất khẩu các nhạc cụ phương Tây như violin, viola, cello, kèn clarinet, trumpet, trombone… từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Nhạc sư, nghệ nhân đóng đàn Nguyễn Vĩnh Bảo đã ra đi và mang theo nhiều bí quyết nghề đàn, trong đó có nghề đóng đàn tranh. Và, kể cả cách sử dụng cây đàn tranh 17 dây của ông cũng có thể dần bị quên lãng, bởi nó không phải chỉ có thêm 1 nốt trên hệ thống dây đàn, mà nó còn thể hiện cả một hướng suy nghĩ, cách làm cho thế hệ sau đối với âm nhạc dân tộc.
Tiếng đàn liêu trai, phù thủy… GS-TS Trần Văn Khê mấy chục năm trước đã phát biểu tại Hà Lan: “Tôi chưa từng nghe ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Phong phú, bay bướm, sâu sắc. Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi thì thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhứt vô nhị...”. Tình bạn tri kỷ với GS Trần Văn Khê Nhạc sư Vĩnh Bảo từng chia sẻ với Thể thao và Văn hóa khi GS Trần Văn Khê qua đời: “Ổng là người bạn tri âm của tôi. Chúng tôi gặp nhau ở lãnh vực âm nhạc. Ông Khê là con cọp, tui cũng là con cọp, mà 2 con cọp này ở khác rừng nhau. Và đáng nói là 2 con cọp này lại ôm lấy nhau để phục vụ cho nghệ thuật chung…”. Cũng chính vì vậy mà ngày GS Trần Văn Khê qua đời, nhạc sư Vĩnh Bảo đã ôm cây đàn tranh đến bên quan tài của bạn, như Bá Nha khóc Tử Kỳ, gảy lên những khúc đàn ai oán… |
PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm
Tags