Vĩnh biệt NSƯT - Đạo diễn Lê Cung Bắc: 'Làm phim mà sướng quá dễ làm người ta… hư'

Thứ Hai, 14/06/2021 08:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tin đạo diễn Lê Cung Bắc ra đi có lẽ sẽ sốc với nhiều người hâm mộ, nhưng nhiều người trong nghề như chúng tôi thì đã biết sẽ có ngày này, vì đã biết bệnh tình, sức khỏe của ông. Nhưng cũng rất chạnh lòng, khi ông phải ra đi trong những ngày mà đại dịch Covid-19 đã làm TP.HCM phải giãn cách xã hội; nên đồng nghiệp, người hâm mộ khó bề đến tiễn đưa trọn vẹn.

"Những đóa hoa tình yêu" của Lê Cung Bắc

"Những đóa hoa tình yêu" của Lê Cung Bắc

Bộ phim được làm từ kịch bản Phạm Trung Tín này sẽ kéo dài 32 tập và được phát sóng lúc 18h thứ Năm, Sáu, Bảy hàng tuần bắt đầu từ thứ Bảy này (4/12) trên kênh HTV9.

Tôi biết ông vào những ngày tôi mới vào nghề, khoảng năm 1999. Lúc đó ông thường ra vào Hãng phim Giải phóng, nơi có văn phòng báo Điện ảnh TP.HCM, mà “chủ xị” là nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, người em cùng học chung trường với Lê Cung Bắc, khi họ còn là sinh viên ở… Đà Lạt.

Trái nghề và tiên phong

Từ lúc mới là sinh viên kinh tế, họ đã là thủ lĩnh của một ban kịch lừng lẫy trong trường. Định mệnh xui khiến thế nào, khi ra trường cả 2 không ai chịu làm kinh tế, Phạm Thùy Nhân đi vào ngành công an, rồi lấn sân làm phó đạo diễn và trở thành nhà biên kịch hàng đầu của làng phim phía Nam. Anh cũng chính là người “gieo duyên” khi giao khá nhiều kịch bản cho Lê Cung Bắc trong vai trò đạo diễn.

Họ đã trở thành một “cặp đôi vàng” trong làng phim, làm nên những tác phẩm đình đám như Người đẹp Tây Đô (15 tập), Dòng đời (52 tập, phim truyền hình dài nhất thời bấy giờ), Vó ngựa trời Nam (37 tập)… Phim Vó ngựa trời Nam đã mang về cho Lê Cung Bắc và ê-kíp 6 giải thưởng tại LHP Truyền hình toàn quốc và giải Cánh diều, trong đó có Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên xuất sắc, Quay phim xuất sắc…

Chú thích ảnh
Đạo diễn Lê Cung Bắc

Ít ai biết ông là đạo diễn đầu tiên ở TP.HCM tình nguyện về Đài Truyền hình Bình Dương trong những ngày đầu hình thành hãng phim. Qua các phim như Vì một ngày mai, Duyên phận, đặc biệt là phim Họ từng chung kẻ thù, Lê Cung Bắc đã góp nhiều công sức để hãng phim của BTV Bình Dương có tên trên bản đồ truyền hình.

Nếu ở dòng phim xã hội, Lê Cung Bắc luôn thể hiện kiến thức và sự từng trải trong cuộc sống. Về diễn xuất, ông có gia tài khá đồ sộ, với gần 200 phim, ví dụ như Vị đắng tình yêu, Chuyện tình Mỵ Châu, Bà chúa cuối cùng, Hồi chuông màu da cam, Thăng Long đệ nhất kiếm, Tình nhỏ làm sao quên, Dấu ấn của quỷ, Cô bé mộng mơ, Dòng đời… Phim của ông luôn có hình ảnh lung linh, song hành cùng những câu chuyện ngồn ngộn về sự chân thật của xã hội xưa và nay.

Chú thích ảnh

Có dịp hợp tác trong bộ phim Duyền trần thoát tục do ông đạo diễn, chúng tôi đã đi qua vùng tứ linh của đất Phật, từ Nepal sang Ấn Độ, rong ruổi suốt nửa tháng trời trên xứ người, để làm nên một câu chuyện của luật nhân quả. Phim có sự góp mặt của Việt Trinh, Nguyễn Phi Hùng, Cát Phượng, Việt Hương, Trường Thịnh… Phim đã xác nhận kỷ lục là phim cổ trang Phật giáo quy mô nhất của Việt Nam. Những ngày lăn lộn trên xứ người, ngoài việc chuyên tâm cho nghệ thuật, ông luôn năng nổ và sẵn sàng tìm tòi những nét mới ở những cảnh quay hoành tráng, đòi hỏi sự tinh tế và cả sự gian nan của nghề.

Với bộ phim Vó ngựa trời Nam cũng vậy, nhiều người trong nghề từ gọi tên rất đỗi thân thương là “vó ngựa trời ơi”, vì làm quá cực. Lê Cung Bắc và cả ê-kíp đều phải nếm trải sự khắc nghiệt, gian khổ, thiếu thốn trong suốt hành trình làm phim. Nếu không phải là những người yêu nghề, không đủ độ đam mê, chắc chắn sẽ bỏ cuộc, lúc ấy ông đã bước vào cái tuổi cổ lai hy.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Lê Cung Bắc trong một cảnh phim "Đằng sau một số phận"

Tâm tình về… nghề

Tôi nhớ có lần, ông kể rất nhiều về sự háo hức của cái thời tuổi trẻ đã bất chấp lao vào để được sống chết cùng... phim. Lần đầu ông được diễn viên Lê Văn Nghĩa (vai trò sản xuất phim) giao làm đạo diễn phim đầu tay là Trên cả hận thù. Lần đó, bao tâm huyết, nhiệt huyết ông đều dồn vào từng cảnh quay. Phim ra mắt, cả làng võ đều dõi mắt theo dõi các võ sư ngoài đời lên phim như Khúc Chánh Bình, Nguyễn Đăng Khánh, Lê Văn Nghĩa… đánh đấm “cho đã con mắt”.

Chỉ với phim đầu tay này thôi, ông đã minh chứng cho mọi người thấy rằng có một Lê Cung Bắc đạo diễn vừa xuất hiện. Phim hay hoặc dở, thành công hoặc thất bại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, nhưng Lê Cung Bắc lúc nào cũng giàu tâm huyết, nhiều hoài bão, luôn sẵn sàng lao vào các dự án phim như thể chiến binh lao ra mặt trận. Ông chờ đón sự gian nan cùng háo hức như đón nhận niềm hạnh phúc.

Chú thích ảnh

Trong một lần trò chuyện mới đây nhất, hỏi điều gì đã khiến ông lao tâm khổ tứ với những cảnh phim khắc nghiệt, khổ ải? Nghe qua ông chỉ cười, rồi nhỏ nhẹ: “Phim nào cực khổ nhất thì nó mới tạo cho mình nhiều ấn tượng nhất. Làm phim mà sướng quá dễ làm con người ta… hư! Hơn nữa, thú vị nhất là mỗi lần xem lại phim của mình làm, thấy cảnh nào không vừa ý là cứ la lên rằng giá như được làm lại”.

Ông nói thêm: “Tôi biết, tới tuổi này, mình làm gì tốt thì làm liền. Còn khỏe, còn cảm xúc là mình làm. Nếu mệt, không làm được gì thì thấy mình vô dụng lắm. Bởi thế, khi ra hiện trường, nếu tôi yếu quá thì nhờ người trợ giúp, chứ tôi không muốn bỏ cuộc. Khát vọng làm phim của tôi luôn cháy bỏng, lúc nào tôi cũng muốn làm cho chỉn chu hơn, tốt đẹp hơn”.

Nhớ lần đến thăm ông ở cư xá Bắc Hải (TP.HCM), với ý định làm cái phóng sự, nhằm lưu lại những khoảnh khắc của một nhân vật lẫy lừng trong làng phim ảnh Việt Nam. Nói là nói như thế, chứ chúng tôi không hề nghĩ đó là những thước phim cuối cùng, vì dù biết ông đã lớn tuổi và có bệnh này kia, nhưng vẫn còn anh minh, nhanh nhẹn.

Ông tiếp chúng tôi với phong thái nhẹ nhàng, luôn mỉm cười, rất an nhiên tự tại. Dường như với ông, thời gian này là những tháng ngày êm ả nhất, không còn tất bật với những công việc ngoài phim trường, đã hết những “ganh đua” với chuyện thế thái nhân tình.

Ông khoe, vẫn còn một dự án phim điện ảnh mà tất cả các khâu từ kinh phí cho đến nhân sự đã chuẩn bị xong, chỉ chờ... khỏe là sẽ bắt tay làm. Vậy mà cơn bệnh trở nặng hơn bất ngờ, đã không cho phép ông thực hiện. Tin ông ra đi giữa những ngày “bão đại dịch” như thế này, đã làm nhiều người hụt hẫng.

Lê Cung Bắc tên thật là Lê Hữu Ty, pháp danh Tâm Thí, sinh ngày 11/6/1946 (Bính Tuất) tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư, ông đã ttừ trần lúc 1h53 ngày 13/6/2021 (Tân Sửu) tại tư gia ở quận 10, TP.HCM, hưởng thọ 76 tuổi. Linh cữu quàn tại tư gia, lễ động quan sẽ bắt đầu lúc 14h ngày 15/6/2021, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Sài Gòn - Thiên Phúc (Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Lữ Đắc Long

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›