Vĩnh biệt Trịnh Thịnh, người khai mở những dòng sông chảy…

Thứ Hai, 14/04/2014 07:11 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - Vĩnh biệt NSND Trịnh Thịnh, một trong những người đặt nền móng cho nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam với Chung một dòng sông, để từ ấy, khai mở những dòng sông chảy…

1. Khởi nghiệp bằng công việc trong Ngân hàng Đông Dương (Banque L'Indochine), chính Trịnh Thịnh cũng không ngờ rằng cuộc đời mình rẽ ngang sang một anh chàng bán nước mía rong ruổi khắp phố phường Hà Nội, và cuối cùng, neo đậu trên màn ảnh cùng nhiều thế hệ khán giả suốt hơn nửa thế kỷ.

Vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp của NSND Trịnh Thịnh cũng chính là bộ phim đầu tiên của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam - Chung một dòng sông.

Chung một dòng sông là tiếng nói của lòng yêu nước, của khát khao non sông thu về một mối, thông qua mối tình bị ngăn trở giữa hai bờ Nam - Bắc.


NSND Trịnh Thịnh (trái) trong cảnh phim Vợ chồng A Phủ

Khi ấy, dù không được đào tạo bài bản, nhưng Trịnh Thịnh đã để lại một dấu ấn đẹp trong bộ phim của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam. Mãi về sau này, người nghệ sỹ già vẫn không nguôi bồi hồi khi nhớ lại những tháng ngày bom đạn ác liệt, ông cùng đoàn làm phim khăn gói vào Lệ Thủy, Quảng Bình, vừa canh chừng sự nhòm ngó của địch, vừa vất vả làm phim.

Và cho đến bây giờ, người ta vẫn gọi Chung một dòng sông là sự khai mở những dòng sông chảy, bởi từ bộ phim kinh điển ấy, nền Điện ảnh Việt Nam phát triển và song hành cùng lịch sử dân tộc.

2. Hai năm sau thành công của Chung một dòng sông, NSND Trịnh Thịnh cùng đạo diễn Mai Lộc lên Tây Bắc, đưa những trang văn được rút ra từ tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài lên màn ảnh đầy sống động và tươi mới.

NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926 tại Hà Nội. Ông không học điện ảnh bài bản, nhưng năm 1956, Khi Xưởng phim truyện Việt Nam sản xuất bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã mời Trịnh Thịnh tham gia.
Bộ phim Vợ chồng A Phủ do chính “cha đẻ” - nhà văn Tô Hoài chuyển thể thành kịch bản được coi là một trong những bộ phim xuất sắc nhất về đề tài dân tộc miền núi, mang về Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1973. Bài ca trên núi  - bản nhạc cất lên trong khung cảnh hoang sơ của núi rừng Tây Bắc cũng được coi là một trong những bản nhạc phim ấn tượng của điện ảnh Việt.

Với vẻ ngoài mộc mạc, diễn mà như không diễn, cộng với khả năng hóa thân tài tình vào nhiều tuyến nhân vật, Trịnh Thịnh có nhiều đất diễn trong hàng loạt phim sau này như: Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực, Lá ngọc cành vàng… Dù hóa thân vào nhân vật nào, Trịnh Thịnh cũng để lại ấn tượng về cách diễn rất riêng không trộn lẫn.

Nhìn lại chặng đường dài lịch sử Điện ảnh dân tộc, hiếm có bộ phim vang bóng một thời lại thiếu vắng gương mặt của NSND Trịnh Thịnh, từ Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Giông tố…đến sau này, là Xích lô, Đông Dương…

3. NSƯT Chiều Xuân, người có nhiều dịp làm việc với NSND Trịnh Thịnh đến bây giờ vẫn không giấu nổi thắc mắc về lối diễn xuất có gì đó rất bí ẩn của ông. Chị nói: “Bác diễn hài kịch mọi người cười, bác diễn chính kịch, bi kịch mọi người khóc, bác vào những vai phản diện mọi người căm phẫn. Vẫn chỉ một gương mặt ấy mà sự hóa thân tài tình đến không lý giải nổi”.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, người đóng vai Cuội trong bộ phim Thằng Cuội nghe tin NSND Trịnh Thịnh về với đất mẹ không khỏi tiếc thương một người nghệ sỹ tài năng, một “công chức đi vào nghệ thuật”, cẩn trọng và nghiêm túc với nghề.

Anh nhớ lại, khi cùng hợp tác với NSNDTrịnh Thịnh trong bộ phim Thằng Cuội, hay sau này trong Dịch cười, anh đã nhìn vào bác như một tấm gương của người làm nghề chân chính:

“Bác không cho phép mình dễ dãi với công việc, vai diễn dù ngắn, dù dài đều được dụng công đầu tư nghiêm túc, thế nên những vai diễn của bác đều rất thành công.

NSND Trịnh Thịnh cũng là người cho tôi bài học cao quý, lao động nghệ thuật, trước tiên phải có tấm lòng, sau đó mới nói đến chuyện tài năng và mong muốn nổi tiếng.

Với cả cuộc đời hy sinh cho điện ảnh, có lẽ, danh hiệu NSND là chưa đủ, mà cần có sự phong tặng ý nghĩa và lớn lao hơn” - nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

NSND Trịnh Thịnh cũng vinh dự góp mặt trong hai bộ phim Đông Dương (Indochine) của đạo diễn Régis Wargnier, tác phẩm điện ảnh đoạt giải thưởng danh giá Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 1992, và Xích lô của đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng, mang về giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia vào năm 1995.

Người đưa những thước phim cuối cùng của NSND Trịnh Thịnh lên màn ảnh là đạo diễn Trần Lực, với vai diễn trong Tết này ai đến xông nhà vào năm 2002.

Trần Lực cho biết, từ nhỏ anh đã xem và ngưỡng mộ những vai diễn của NSND Trịnh Thịnh trong Chung một dòng sông, Chị Dậu… nên khi đứng vai trò đạo diễn, anh đã mời bằng được người nghệ sỹ già góp mặt. Bởi “Chú Thịnh diễn hài hay lắm, rất nghiêm túc, nhẹ nhàng mà lại khiến người ta phải phì cười.

Dù tuổi cao, sức khỏe không còn như trước, nhưng hôm nào chú cũng dậy từ sớm, làm việc nghiêm túc rồi trở về nhà lúc nửa đêm.

Chú ra đi, như một cây đại thụ nằm xuống, để lại một khoảng trống lớn cho nền điện ảnh nước nhà…”.

Vĩnh biệt NSND Trịnh Thịnh, người chắt lọc và chuyên trở hiện thực cuộc sống lên màn ảnh suốt hơn nửa thể kỷ, người khai mở những dòng sông chảy…

An Yên
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›