(Thethaovanhoa.vn) - Nghe chuyện “nhà báo viết nhạc”, có người không tin. Nhưng xin thưa, đó lại là chuyện thật 100%, mà đâu có phải chỉ vài ba ca khúc? Ông có tới 54 ca khúc, thêm một nhạc cho phim Mê Thảo, thời vang bóng và cả nhạc cho vở rối Hai cây phong.
Phu nhân của ông, bà Lê Tuyết Nhung còn nói với tôi: “Anh ấy còn viết nhiều ca khúc cho các ban ngành ở địa phương, mà nay không giữ được bản thảo!”
1. Nhạc sĩ Văn Dung cũng chẳng học trường nhạc nào, nhưng những cung bậc thăng trầm trên tác phẩm của ông, đã ghi dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam và vang vọng trong lòng chúng ta cho đến muôn đời sau.
Rạng sáng ngày 15 tháng Giêng năm 1936, một cậu bé đã cất tiếng khóc chào đời ở làng Bích Câu, khu Hàng Bột, Hà Nội. 12 tuổi cậu mất cha và năm 26 tuổi chàng thanh niên Văn Dung mất luôn cả mẹ. Phải chăng sự ra đi quá sớm của cha, mẹ vì bạo bệnh đã khiến ông sớm trưởng thành trên đường đời? Ông đã học tiếng Pháp ngay từ bậc tiểu học. Lớn lên, ông là một thanh niên ham học, ham hiểu biết lại vốn có trí nhớ tuyệt vời. Ông học giỏi nên được bầu vào làm Ủy viên Ban Chấp hành hiệu đoàn học sinh Chu Văn An vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước.
Trong 2 năm 1958 và 1959, ban ngày ông làm công việc trang trí trong Đoàn kịch nói Trung ương, tối đến hôm nào không phải kéo phông màn thì chàng thanh niên 22 tuổi ấy lại tham gia công tác Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa với tư cách là tổ trưởng giáo viên.
Năm 1960, ông theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức, thuộc Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1961, ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian sau, nhạc sĩ Cầm Phong đã đề nghị nhạc sĩ Văn Dung tham gia làm biên tập âm nhạc. Tháng 5 năm 1993, ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm chương trình ca nhạc mới Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã gắn bó cả cuộc đời mình với Âm nhạc tại đây cho tới ngày nghỉ hưu - tháng 4 năm 1998.
Ông từng thổ lộ: “Vì làm công tác biên tập nhạc, nên bắt buộc mình phải học nhạc, qua sách bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Học ngay ở những nhạc sĩ đàn anh lúc đó công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam như: Hồ Bắc, Hoàng Vân, Lưu Cầu, Phạm Tuyên...”
Ông lại cũng từng nói: “Nhạc sĩ không phải chỉ là học để biết được các thể loại âm nhạc, mà cần thiết phải đi thực tế, thì tác phẩm mới sống được”. Chính vì vậy, ông xin đi theo các bậc đàn anh để học, để viết.
Trưởng thành trong thực tế rất nhanh, ông đọc đủ loại sách để mở mang hiểu biết. Sau này khi đã thành danh, rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đã nói về nhạc sĩ Văn Dung với tất cả sự ưu ái.
Nhạc sĩ Trọng Bằng đã từng nói: “Cuộc sống của anh ấy bình dị, nên bài hát của anh ấy cũng bình dị. Nội dung và ý tưởng của nhạc sĩ Văn Dung vừa sâu sắc vừa khúc triết, ấy vậy mà âm nhạc lại rất gọn ghẽ và hấp dẫn”.
Cố nhạc sĩ An Thuyên cũng từng phát biểu: “Âm nhạc của ông trẻ, cuộc sống của ông trẻ, ông hồn nhiên và yêu mọi người. Ông thường nói âm là gì, nhạc là gì và rồi cắt nghĩa rất rành rọt. Âm nhạc của Văn Dung đầy hồn người, đầy chất linh thiêng...”
Tôi rất thích nhận xét của nhà thơ Hồng Thanh Quang khi nói về ông: “Nhạc sĩ Văn Dung là một trong những đại diện cuối cùng của một thế hệ lãng tử, trưởng thành sau năm 1954, giữ lại cho Hà Nội hôm nay những điều mà chúng tôi muốn gìn giữ để tiếp nối cho những thế hệ mai sau. Nhạc sĩ Văn Dung ở đâu cũng vậy thôi, ông có thể chơi với cả thiên hạ, nhưng ông vẫn luôn giữ được bản chất của mình, bản năng âm nhạc của một người con Hà Nội, bản năng âm nhạc của một thế hệ đầy khát vọng tương lai, dấn thân vào một chặng đường đầy chông gai, gian khổ của dân tộc, trong cuộc chống ngoại xâm. Ông mang được cái hồn trong sáng đầy khát vọng ấy vào ca khúc của mình, nên tác phẩm của ông chúng ta không thể quên được”.
20 giờ 23 phút ngày 8 tháng 3 năm 2022, nhạc sĩ Văn Dung trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện vì tuổi cao, sức yếu. |
2. Dấu chân của ông đã in trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, trên Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất, để hôm nay chúng ta vẫn còn nghe được những ca khúc hào hùng như: Đường Trường Sơn xe anh qua, Tiến về Khe Sanh, Bài ca Đường 9 chiến thắng, Giải phóng quân ta ra đi…
Trái tim ông, lý tưởng của ông luôn dành trọn cho Đảng, cho Bác Hồ kính yêu thể hiện qua các ca khúc: Đường ta đi có Đảng vinh quang, Những bông hoa trong vườn Bác, Pắc Bó nơi còn ấm tình Bác.
Ông đã từng kể với tôi chuyện sáng tác 1 ca khúc chỉ sau 3 tiếng... Năm 1970, Trung ương Đoàn Thanh niên phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về Đoàn. Sau một thời gian đã có 525 bài hát gửi về. Nhưng anh em trong Ban Tư tưởng của Trung ương Đoàn lại nói với mình: “Anh đã gắn bó với tuổi trẻ rất lâu, nên mong anh có một ca khúc cho Đoàn”. Mình trả lời: Nhiều quá rồi còn gì? Sao cần viết nữa. Nhưng mấy cán bộ lãnh đạo Đoàn vẫn tha thiết. Thế là mình nói: Thôi được, nếu các bạn cần 10 giờ sáng mai mình sẽ gửi bài. Tối ấy về quên mất. Sáng sau 7 giờ dắt xe ra khỏi nhà mới sực nhớ tới chuyện bài hát. Mình lại quay vào nhà và trong vòng chưa đầy 3 tiếng mình viết xong ca khúc Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”. Nhạc sĩ Văn Dung nói tới đây tôi vội cướp lời: Em nhớ mãi sau ngày Giải phóng miền Nam, Trung ương Đoàn tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng chào mừng 45 năm ngày thành lập Đoàn. Tối đó là ngày 21/3/1976, trong đại biểu đến dự có cả bố của Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và em vinh dự chỉ huy dàn hợp xướng của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Dàn nhạc các Cơ quan Trung ương khai mạc chương trình bằng ca khúc này của anh...”
- Văn Dung - Một nhà báo, nhạc sỹ tài hoa
- Nhạc sĩ Văn Dung của 'Những bông hoa trong vườn Bác' qua đời
Nhưng, sóng biển rì rầm của thành phố Cảng như vẫn ngân vang các ca khúc của ông: Chiều xa thành phố Cảng, Nhớ mãi Hạ long, Tiếng hát và tiếng sóng, Nhớ biển nhớ em, Nói với anh về biển quê hương... Hà Nội nhớ ông trong tiếng ca: Hà Nội tình yêu của tôi, Một sắc trời thu Hà Nội, Những bông hoa trong vườn Bác, Khi em đi bên anh... Cô gái Tây Nguyên ngơ ngác, đau lòng khi nghe tin ông Văn Dung đi rồi - người đã ghi dấu ấn trong những ca khúc đẫm chất âm nhạc Tây Nguyên: Cao nguyên chiều, Đêm Tây Nguyên...và cả các cháu thiếu nhi không thể quên giai điệu nhí nhảnh của 2 ca khúc: Chim chích bông và Em đố mẹ em (lời thơ Nguyễn Viết Bính)...
Anh em trong Hội Âm nhạc Hà Nội chúng tôi thì còn ghi đậm hình ảnh người anh cả, vị Chủ tịch thông thái, có thể ngồi nghe anh nói chuyện hàng giờ về âm nhạc và về mọi chuyện trên đời... Phải chăng vì cái gốc nhà báo của anh đã thổi hồn vào lời của ca khúc, vào những cung bậc lạ tai nhưng trong sáng. Có lẽ tài năng và nghị lực đã giúp ông trở thành – MỘT NHÀ BÁO VIẾT NHẠC.
Vì những đóng góp to lớn cho âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Văn Dung đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001 và các giải thưởng khác: Huân chương Lao động hạng nhì, Huy chương Vì thế hệ trẻ... |
PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường
Tags