Quê ở Phù Cừ (Hưng Yên), lớn lên tại Hà Nội, Trần Tuấn mang trong mình chút phong lưu của thanh niên Thủ đô. Khởi nghiệp làm công nhân kỹ thuật in phóng ảnh của Phân xã Nhiếp ảnh (Việt Nam Thông tấn xã), sau Hiệp định Paris năm 1973 lập lại hòa bình ở Việt Nam, anh chuyển sang cầm máy ảnh, được Ban Thống nhất Trung ương cử vào Thừa Thiên - Huế làm việc cho tới ngày giải phóng miền Nam năm 1975.
1. Sau đó, Trần Tuấn trở về Hà Nội, tiếp tục công tác phóng viên tại Ban Biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Anh được TTXVN giao nhiệm vụ chuyên trách chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là trường hợp đặc biệt, vì theo thông lệ, TTXVN được cử bốn phóng viên chuyên trách chụp ảnh hoạt động của bốn đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Thủ tướng.
Có quyết định này phải nhắc tới Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Kim Phượng (Đỗ Phượng), sau là Tổng Giám đốc. Ông Đỗ Phượng là người nhìn xa, thấy sự cần thiết phải có ảnh tài liệu về tướng Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - sống và làm việc trong hòa bình. Cho nên, ông đã điều phóng viên trẻ Trần Tuấn làm nhiệm vụ này.
Để Trần Tuấn được nâng cao phông văn hóa và tay nghề, có khả năng chụp ảnh chân dung các nhân vật lịch sử, Tổng Giám đốc Đỗ Phượng đã cho Trần Tuấn dứt khỏi công viêc hàng ngày, dành thời gian học nghiệp vụ tại Phân viện Báo chí Tuyên truyền, và làm Thạc sĩ về Báo chí.
Sau khi hoàn thành chương trình học tập, anh lại tiếp tục đi theo Đại tướng chup ảnh, quay video, bám sát những hoạt động xã hội, cũng như các sinh hoạt đời thường của Đại tướng. Càng đi với Đại tướng, Trần Tuấn càng cảm nhận được tầm tư tưởng, nhân cách cao đẹp của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp và ý nghĩa công việc của mình. Nhờ vậy, anh đã hăng say tập trung công sức, tiền bạc mua thêm phim chụp ảnh, làm triển lãm ảnh và sách ảnh về Đai tướng.
Cuối cùng, Tuấn đã xuất bản được 5 cuốn sách trong hơn 10 năm qua: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Cuộc trường chinh xuyên thế kỷ (Nhóm tác giả, NXB Kim Đồng năm 2010); 101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tủ sách 1000 năm Thăng Long, NXB Hà Nội, năm 2011); Tướng Giáp trong lòng dân, (NXB TP Hồ Chí Minh, năm 2013); Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân (NXB Hà Nội, năm 2019); 103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NXB Trẻ, năm 2020). Đây là một khối lượng công việc khá đồ sộ của Trần Tuấn lúc về hưu.
2. Cụm tác phẩm Sự giản dị hiếm thấy của một vĩ nhân gồm 8 ảnh được Trần Tuấn rút ra từ hàng nghìn ảnh chọn lọc trong 5 cuốn sách và nhiều cuộc triển lãm ảnh của anh chụp về Đại tướng:
2) Đại tướng về thăm Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thiếu tướng Lê Nam Khánh giới thiệu với Đại tướng về từng cán bộ, chiến sĩ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh
4) Trở lại Tân Trào lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi tường tận đời sống gia đình từng người dân bản
6) Đại tướng nói chuyện thân mật với nhà văn quân đội, đại tá Hữu Mai, tại hành lang Bảo tàng Tân Trào
Tám ảnh là tám khía cạnh đời thường, tám khoảnh khắc khá tiêu biểu góp phần khắc họa nên chân dung của vị tướng tài. Đây là cách thể hiện chân dung một con người - chân dung theo nghĩa rộng không hạn chế số lượng ảnh. Nhìn cụm ảnh, ai cũng thấy rất gần gũi và cảm mến một Võ Nguyên Giáp giản dị, đôn hậu, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Ở đây xin trích 05 ảnh).
Nhìn ảnh, chúng ta thật xúc động. Nhưng người xem vẫn thấy thiếu một cái gì đó của nghệ thuật nhiếp ảnh. Đó là thiếu một ảnh chân dung trực diện, một ảnh thôi, mà thể hiện được nét bản thể và thần thái Võ Nguyên Giáp - một vĩ nhân của thời đại. Bức ảnh ấy phải là một ảnh "đinh", một ảnh "chốt" nổi trội trong cụm tác phẩm. Rất tiếc! Có thể đòi hỏi này là một yêu cầu cao, một khát vọng nghệ thuật trọn vẹn mà tác giả đã bỏ qua.
Tuy nhiên, với loạt ảnh chân thực, sinh đông này, Trần Tuấn đã xây dựng được hình tượng đẹp, có ấn tượng về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp trong thời bình. Bằng tấm lòng kính yêu Đại tướng, chúng ta hãy chia vui cùng tác giả.
(Còn tiếp)
Tags