- Vinh danh những nhiếp ảnh gia của TTXVN (kỳ 3): Trần Tuấn - đường đến với những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Vinh danh những nhiếp ảnh gia của TTXVN (kỳ 2): Đinh Quang Thành - cái thật trở thành cái đẹp trong bức ảnh
- Vinh danh những nhiếp ảnh gia của TTXVN (kỳ 1): Minh Lộc - nhịp sống sôi động và chất lửa trong ảnh
Ông Phạm Văn Thính, phóng viên ảnh Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) có bức ảnh "Cầu người" và bộ ảnh "Trên vành đai thép Tây Ninh" được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022. Vợ chồng ông là những người đã dành cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng tư cho sự nghiệp thông tấn báo chí. Hai ông bà không con cái sống trong một gian phòng nhỏ của nhà tập thể TTXVN 218 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM.
1. Vốn là một trong những thanh niên trẻ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, ông đã học qua các trường Phổ thông cấp III A Hà Nội, Chu Văn An, Nguyễn Trãi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông tham gia nghĩa vụ quân sự năm 1958. Hết nghĩa vụ quân sự, ông thi vào Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội.
Vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp, ông được tuyển làm phóng viên đi chiến trường miền Nam. Ông là 1 trong 15 sinh viên ra trường đợt ấy học khóa nghiệp vụ thông tấn báo chi ngắn ngày, và làm quen với nhiếp ảnh, thực tập ở trận địa pháo cao xạ Nam Định vào tháng 4 năm 1965, sau đó ít ngày ông lên đường vào Nam.
Khi hỏi về bối cảnh ra đời tác phẩm ảnh Cầu người, ông Phạm Văn Thính nói: "Tôi nhớ mãi chuyến hành quân cùng trung đoàn 3, sư đoàn 9 trong chiến dịch Mậu Thân đợt 2, tại cánh rừng Tây Ninh. Trời mưa như trút nước, lúc hành quân, tự nhiên nghe thấy đằng trước có tiếng lao xao, linh cảm có việc gì đó khác thường, thế là tôi báo cáo với trưởng đoàn, rồi chạy lên trước xem sao. Nhìn thấy cảnh thanh niên xung phong chuyển thương binh đang đứng ở ven sông, nước dâng lên gần đáy cáng. Giữa sông, họ đang bắc cầu, nhưng không có cọc trụ. Tự nhiên thấy mấy người dùng đòn tre, đòn gỗ lao qua gầm ván, rồi nâng ván lên thành một chiếc cầu. Trụ cầu là từng cặp hai thanh niên xung phong đứng dưới lòng sông, nước ngập tới vai. Hay quá, thế là chụp mấy kiểu liền. Hôm đó, thực sự xúc động, nếu không có cái "cầu người" thì thương binh không thể qua sông được. Trong khi đó, tiếng súng mặt trận phía sau mỗi lúc một gần".
Điều bất ngờ là đúng 40 năm sau, nữ Thanh niên xung phong Giáp Thị Thanh Tiến, người lấy thân làm trụ cầu, đã nhận ra mình trong ảnh tại Bảo tàng Phụ nữ TP.HCM, sau đó bà Tiến, nhân vật trong ảnh và tác giả đã gặp nhau. Họ ứa nước mắt vì còn sống tới hôm nay.
Cái "cầu người" hiếm có ấy là tình đồng đội, là trí thông minh sáng tạo. Nó bình thường thôi, nhưng thực vĩ đại bởi tính nhân văn cao cả của những người thanh niên dũng cảm làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.
2. Bộ ảnh Trên vành đai thép Tây Ninh gồm 4 ảnh:
1) Chiếc máy bay thứ 7 thuộc sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ bị quân giải phóng Tây Ninh bắn rơi, lính kỵ binh cũng bị bắt tại trận (11/11/1968)
2) Bị thương vẫn bám trụ chiến đấu. Các chiến sĩ quân giải phóng mặt trận Thiện Ngôn (Tây Ninh) năm 1968
3) Nữ pháo thủ súng cối Nguyễn Thị Định (Tây Ninh) đánh 40 trận pháo kích, lập công xuất sắc trong năm Mậu thân 1968
4) E.Berger Cary thuộc tiểu đoàn 6, cụm vận tải 48 Long Bình bị bắt trong trận quân Giải phóng diệt 28 xe quân sự Mỹ trên đường 22, đoạn từ Ngã ba Đất Sét đi Dầu Tiếng (13/6/1969)
Tây Ninh là thủ phủ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Địch không bao giờ từ bỏ dã tâm tiêu diệt các cơ quan đầu não của ta, thậm chí chúng còn muốn bắt sống các vị lãnh đạo Mặt trận.
Ông Phạm Văn Thính hồi tưởng: "Khủng khiếp lắm. Sau Mậu Thân, Mỹ dùng máy bay B52 rải bom, rồi cho quân càn, đánh vào các căn cứ. Lúc chúng tôi đi theo tiểu đoàn 14 đến Tây Ninh di chuyển cơ quan qua Thiện Ngôn thì bị lộ, vì có gián điệp. Phía mình bị quân Sài Gòn đánh úp, chúng có phi pháo yểm trợ, bom, đạn dội đúng đội hình. Hai bên giằng co quyết liệt. Đấy là lúc tôi phải vận động hết sức, cứ lúc chạy, lúc bò, lúc quỳ, lúc đứng thẳng lên bấm máy liên tục. Quân ta gan dạ lắm, cuối cùng ta phá được vòng vây. Tuy nhiên, bữa đó chúng ta thiệt hại nặng, gần 600 người hy sinh!".
Theo ông Thính kể, khi ra chiến trường, trên vai ông đeo một khẩu súng AK, một cơ số đạn 2 băng, và hai trái lựu đạn, sau đó mới đến túi đồ nghề máy ảnh, bi đông nước và lương khô... nhẹ nhất cũng vào 30 kg. Hồi đó, điều kiện sinh hoạt không đầy đủ, ngay cả máy ảnh cũng là máy cơ kiểu cũ như Praktica (Cộng hòa dân chủ Đức), Zenit (của Liên Xô), Hải Âu (của Trung Quốc), dễ hỏng hóc, lại không có ống kính tele hay ống kính góc rộng, phim thì độ nhậy thấp, trời âm u ở trong rừng hành nghề rất bí.
3. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, vợ ông Thính, quê ở Bình Thuận cũng là nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam. Bà cũng là sinh viên Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng sau ngày giải phóng miền Nam mới ra học.
Hai ông bà đều nhiễm chất độc da cam, đứa con đầu bị mất từ nhỏ. Hai con sau đều bị sảy thai. Bà viết tin, không giữ gì trong tay. Rất may còn những tấm ảnh chiến tranh của chồng còn lưu ở Ban Biên tập Ảnh, TTXVN, đồng nghiệp ở Hà Nội tìm thấy gửi cho ông bà. Hai người coi nó như những đứa con của mình.
Những tấm ảnh ấy đưa ông bà về với tình yêu tuổi thanh xuân trong chiến tranh, làm quên đi nỗi quạnh hiu tuổi già. Thực tình vì gia cảnh neo đơn, ông bà không có tâm trí nghĩ đến việc dự Giải thưởng Nhà nước. Do đồng nghiệp động viên, ông bà đã cùng mấy bạn thân cùng biên soạn những tấm ảnh độc đáo này, đăng ký xét giải thưởng.
Giờ đây cả hai ông bà được TTXVN gửi vé máy bay mời ra Hà Nội nhận giải thưởng. Họ trở lại con đường xưa của học sinh Miền Nam trên đất Bắc. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 19 Lê Thánh Tông, nơi tựu trường là đây, đối diện trụ sở TTXVN có mấy bước. Nhà hát Lớn số 1 Tràng Tiền bên kia, nơi từng xem ca kịch và nay lại đứng trên sân khấu nhận giải thưởng, cách TTXVN mấy trăm bước. Những điểm mốc lịch sử của riêng ông bà không xa nhau là mấy, nhưng lại là cuộc trường chinh rất dài cả cuộc đời của hai nhà báo nhiều hy sinh và kiêu hãnh.
Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 sẽ được tổ chức vào hôm nay, 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Trong đợt này có 128 tác giả, đồng tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Sáng 18/5/2023, tại Hà Nội, TTXVN tổ chức gặp mặt, chúc mừng, tri ân và giao lưu với các phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh từng công tác tại TTXVN được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022 (lĩnh vực nhiếp ảnh).
(Còn tiếp)
Tags