- Vinh danh những nhiếp ảnh gia của TTXVN (kỳ 5): Người du kích Nam bộ trong ảnh Nguyễn Đặng
- Vinh danh những nhiếp ảnh gia của TTXVN (kỳ 4): Phạm Văn Thính - những bức ảnh bất hủ và cuộc đời vợ chồng nhà báo neo đơn
- Vinh danh những nhiếp ảnh gia của TTXVN (kỳ 3): Trần Tuấn - đường đến với những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hơn 60 năm cầm máy, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Võ An Khánh (1936 - 2023) đã ghi lại hàng nghìn bức ảnh giá trị từ nhiều vùng miền của đất nước, trong đó có hàng trăm khoảnh khắc hào hùng và bi thương thời "hoa lửa" chống Mỹ cứu nước. Đây là tài sản đồ sộ, quý giá mà ông đã dành cả đời mình tích cóp, gìn giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau.
1. Võ An Khánh tên thật là Võ Nguyên Nhân, sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở ấp Rạch Lùm, xã Khánh Hưng A, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ở tuổi 17, Võ An Khánh đã sớm giác ngộ và thoát ly theo cách mạng.Từ tháng 6/1961 - 6/1969, ông làm Bí thư Chi bộ Nhiếp ảnh - Hội họa, Đội trưởng Đội Phim đèn chiếu, Tổ trưởng Tổ Khánh tiết thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau. Tháng 6/1969 - 2/1975, ông là Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng phòng Nhiếp ảnh - Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ, có thời gian thuộc Thông tấn xã Giải phóng. Sau năm 1975, ông từng đảm trách Phó Trưởng Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Minh Hải, Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (khóa II), và Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Minh Hải.
Người trong giới nhiếp ảnh Cà Mau - Bạc Liêu và Đồng bằng sông Cửu Long rất tự hào về Võ An Khánh. Ông cũng như liệt sĩ Trần Bỉnh Khuôl người Cà Mau, (Giải thưởng Nhà nước năm 2007), không chỉ là bậc tiền bối, là cánh chim đầu đàn của giới nhiếp ảnh phía Nam, mà còn có nhiều đóng góp đáng trân trọng cho sự nghiệp nhiếp ảnh khu vực và cả nước. Giới nhiếp ảnh địa phương học được ở Võ An Khánh rất nhiều, từ đức độ khiêm tốn, tinh thần thân ái đoàn kết, đến tính cần cù, nghiêm túc đầy trách nhiệm trong nghề nghiệp.
2. Đến với ảnh của Võ An Khánh, người thưởng lãm sẽ được trải tâm hồn mình theo nhiều cung bậc, từ sự sôi động, mạnh mẽ của một thời khói lửa cam go; đến sự lắng đọng sâu thẳm của lòng nhân ái, của tình đồng đội…
Năm 2007 ông đã được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước lĩnh vực Nhiếp ảnh về đề tài chiến tranh. Lần này (năm 2022) với cụm tác phẩm Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang (10 ảnh), ông lại được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Đó là những tác phẩm sôi sục khí thế đấu tranh:
1. Đội quân tóc dài huyện Cái Nước hành quân ra thị xã Cà Mau đấu tranh chính trị, vạch tội kẻ thù năm 1966.
2. Kiện tướng chiến hào - Dương Cẩm Vân - người đã liên tục 6 tháng liền bám chiến hào vây đánh địch tại chi khu Đầm Dơi - Cà Mau (6/1966).
3. Hai đồng chí nữ du kích Năm Căn sau giờ trực chiến căng thẳng năm 1968.
4. Đống đổ nát của Đồn Quân cảng Cà Mau sau trận đánh cảm tử của anh hùng nữ biệt động Hồ Thị Kỷ ngày 30/4/1970.
5. Chị Bảy Tấn xóm Hào Sai, xã Trần Hợi dạy học văn hóa dã chiến bên cạnh hầm tránh pháo, trong tầm đạn của đồn Cầu Chữ Y, xã Khánh Hưng (6/1971).
6. Chị Tư Bích cùng các đồng chí nữ quân trang một đơn vị trực thuộc cục Hậu Cần, quân khu 9, ngoài việc hoàn thành tốt chuyên môn, đơn vị còn tận lực xây dựng cơ quan và gánh vác những việc nặng nhọc khác.
7. Trung đội phó đội nữ pháo binh Cái Nước - Huỳnh Thị Dung cùng đồng đội trên đường hành quân ra trận (3/1973).
8. Chiến sĩ nữ pháo binh Cái Nước áp giải tù binh Bình Hưng sau chiến thắng ở Đòn Dông, Tân Hưng Tây năm 1973.
9. Sinh hoạt văn nghệ của đội nữ pháo binh huyện Cái Nước tại nơi đóng quân 1973.
10. Đội nữ pháo binh tỉnh Cà Mau học tập rèn luyện kỹ năng chiến đấu chuẩn bị cho ngày giải phóng, 20/4/1975.
Chỉ với những dòng chú thích ngắn gọn, người xem đã nắm bắt được ngay bối cảnh sự kiện, nội dung sự việc, nhưng khi nhìn vào ảnh, người ta càng xúc động như đang tiếp xúc với những người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh của ông mộc mạc, chân chất, nhưng chứa đựng cả khoảng trời mênh mông ký ức của người dân Nam Bộ. Nhà văn Sơn Nam viết: "Những bức ảnh của Võ An Khánh là lời nhắc nhở lòng yêu nước, sự hy sinh của các bậc tiền nhân cho các thế hệ mai sau".
Người xem thật sự bị lôi cuốn bởi các hình thức đấu tranh kiên cường, bởi sự hy sinh vô bờ của những người mẹ, người chị Nam Bộ. Hình ảnh người mẹ ôm con dạy học trước cửa hầm bên bụi tre trong tầm phi pháo của địch là một ảnh đẹp hiếm thấy. Đội nữ pháo binh tỉnh Cà Mau học tập rèn luyện kỹ năng chiến đấu,đội quân tóc dài huyện Cái Nước hành quân ra thị xã Cà Mau đấu tranh chính trị, vạch tội kẻ thù v.v… là sự dấn thân quên mình khiến chúng ta xót xa, thương cảm về sức chịu đựng gian khổ, ác liệt của họ.
Võ An Khánh không dừng lại ở ảnh hành động, mà còn chú ý đặc tả khuôn diện và hành động của những người phụ nữ ấy. Bức ảnh chụp Trung đội phó Đội Nữ pháo binh Cái Nước Huỳnh Thị Dung là một ảnh chân dung đẹp, cái đẹp khỏe khoắn, tự tin của một nữ chiến sĩ ra trận toát lên từ ánh mắt, từ tư thế, từ vóc dáng… đã cuốn hút người xem, làm cho chúng ta ngưỡng vọng, khâm phục và tự hào về chị. Các nhân vật nữ trong ảnh Võ An Khánh đều là những con người bình dị, áo vải đơn sơ với chiếc mũ tai bèo mỏng manh, vai vác súng cối, tay cầm súng trường mà vẫn bình thản như không.
Là người trong cuộc, Võ An Khánh đã bộc bạch: "Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cam go, ác liệt cho đến ngày chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta, có sự đóng góp to lớn cả công sức lẫn máu xương của các tầng lớp phụ nữ. Họ là hậu phương vững chắc, là trụ cột gánh vác mọi việc lớn nhỏ của gia đình để những người cha, người chồng và con yên tâm công tác, chiến đấu. Không những vậy, khi "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" và "Còn cái lai quần cũng đánh", họ xung trận thể hiện tinh thần quả cảm của người nữ chiến binh Việt Nam kiêu hãnh khi đối mặt với quân xâm lược. Họ xứng đáng với 8 chữ vàng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" mà Bác Hồ đã phong tặng".
3. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái của một nhà báo, một nghệ sĩ, mà Võ An Khánh thường gọi đó là "nghĩa đời". Ông từng chia sẻ: "Tôi được trở thành một nhà báo, nghệ sĩ như ngày nay, thứ nhất là nhờ Đảng. Đảng như "một người cha, người mẹ" đã nuôi dạy, giáo dục tôi lòng tin và sức sống mãnh liệt. Thứ 2 là nhờ sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào. Đặc biệt trong tôi còn đó những bóng hình của các bà mẹ, các chị, các em, những người đã giúp tôi sống chiến đấu và tồn tại. Ơn nghĩa đó đời đời tôi không thể quên được...".
Bấy nhiêu thôi cũng đủ nói lên tâm hồn cao đẹp của người nghệ sĩ, nhà báo, lão thành cách mạng Võ An Khánh, một "cây cao bóng cả" của văn nghệ sĩ Cà Mau, Bạc Liêu. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (1997), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (2001), Huân chương Lao động hạng Ba (2003), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (2022). Võ An Khánh là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ tiếp bước học tập và noi theo.
(Còn tiếp)
Tags