Từ Thủ đô Jakarta (Indonesia), nhà báo - Vlogger Minh Hải đã có những chia sẻ cùng Thể thao & Văn hóa về không khí tại đây cũng như dự cảm của mìnhtrước trận đấu giữa đội tuyển chủ nhà Indonesia và đội tuyển Việt Nam.
* Thể thao & Văn hóa: Chào anh Minh Hải, được biết, anh đã có mặt ở Jakarta. Đâu là những cảm nhận thực tế của anh về sức nóng trước trận đấu ở đây?
- Nhà báo - Vlogger Minh Hải: Trước khi sang Indonesia thì qua thông tin báo chí cũng như những người bạn đồng nghiệp ở Indonesia, tôi biết rằng "hào khí" bóng đá của nước bạn đang lên rất cao.Phải nói rằng, bóng đá Indonesia đang sống trong thời điểm hạnh phúc nhất.
Khi tôi đặt chân đến Indonesia, tôi cảm nhận điều này một cách rõ rệt hơn. Nhìn thấy màu áo đội tuyển Việt Nam của tôi, nhiều người đã hỏi: "Sang đây để tác nghiệp trận đấu đúng không, chúng tôi đang nóng lòng chờ đợi trận đấu này?".Qua chia sẻ của họ, thật sự Indonesia đang đầu tư rất mạnh cho bóng đá. Sân Bung Karno với sức chứa 80.000 khán giả, thật sự như một "chảo lửa" nóng hừng hực, nóng bậc nhất ở Đông Nam Á vào thời điểm này.
Tôi có đến xem các buổi tập của đội tuyển Indonesia, nhận thấy số lượng phóng viên rất đông. Buổi trả lời phỏng vấn gần nhất ngày 18/3 của HLV Shin Tae Yong gần như các phóng viên không có được một góc máy toàn diện nhất để khỏi bị vướng bất cứ một ai.
Tôi đã đi Indonesia nhiều chuyến từ SEA Games đến AFF Cup nhưng chưa khi nào thấy không khí cuồng nhiệt, sôi sục như lần này. Chính vì thế, mọi khó khăn, thách thức cũng để kiểm chứng bản lĩnh của HLV Troussier cùng các học trò.
* Với lợi thế "tiền hô hậu ủng" của gần 80.000 CĐV nhà, đội tuyển Indonesia tuyên bố sẽ đánh bại đội tuyển Việt Nam. Ngoài chuyên môn, rõ ràng đó là sức ép khủng khiếp mà đội tuyển Việt Nam phải đối mặt, phải không thưa anh?
- Tôi đã có mặt ở sân Bung Karno ở nhiều giải đấu và tôi cũng hiểu được "sức nóng" ở đây thật sự khủng khiếp thế nào. Có thể, có những trận đấu sân Bung Karno vẫn còn nhiều chỗ trống. Tuy nhiên, trận đấu này chắc chắn khán đài sẽ được phủ kín. Đây sẽ là áp lực cực lớn cho đội tuyển Việt Nam.
Nhiều người cho rằng lượng khán giả đông đầy ở sân Bung Karno là sức mạnh về mặt "tâm lý" đội tuyển Indonesia. Tôi không nghĩ như vậy bởi đội tuyển Indonesia đang có sự cải thiện đáng kể. Đội hình của họ rõ ràng là tốt hơn. Ngoài chuyện họ vẫn chơi theo kiểu đá rát, không ngại va chạm,nhiều tiểu xảo như ngày xưa thì bây giờ Indonesia đã chơi kỹ thuật, tốc độ, chơi pressing tổng lực.Chúng ta phải nhìn thấy điều đó đầu tiên, cộng hưởng với lợi thế đương nhiên của đội chủ nhà.
Vấn đề của đội tuyển Việt Nam bây giờ là chúng ta phải có được những cầu thủ có bản lĩnh trận mạc vững vàng, kinh nghiệm thi đấu dày dạn để làm chỗ dựa tinh thần cho những nhân tố trẻ nếu họ được ra sân thi đấu.
Tôi nghĩ trong chừng 15 phút đầu tiên của trận đấu vào ngày 21/3 trên sân Bung Karno sẽ đóng vai trò quyết định đến kết quả. Nếu đội tuyển Việt Nam đứng vững, vượt qua được sức ép, lúc đó chúng ta sẽ có cơ hội để thu về kết quả thuận lợi.
* Indonesia đang "giăng bẫy" ở sân Bung Karno nhưng trong bóng đá, không phải cứ muốn là được và nếu không khéo chính họ sẽ "sập bẫy" ngay tại sân nhà?
- Tôi nghĩ rằng ngay cả HLV Troussier cũng đang đặt ra cho bản thân mình và cho đội tuyển Việt Namcâu hỏi như thế. Đúng là đội tuyển Indonesia đang "giăng" cái bẫy mang tên Bung Karno. Tuy nhiên, không phải đảm bảo rằng đội tuyển Indonesia sẽ thắng,nhưng việc thi đấu ở đây sẽ cho đội tuyển Indonesia thêm nhiều điều kiện thuận lợi để họ có thể thực hiện được điều đó.
Tôi chỉ dám hy vọng chúng ta vượt qua được sức ép. Để vượt qua sức ép, đội tuyển Việt Nam có rất nhiều cách thức. Đầu tiên, chúng ta phải sử dụng những cầu thủ cựu binh. Những cầu thủ đã từng chinh chiến ở những trận đấu lớn, khốc liệt hơn rất nhiều trận đấu này. Vì những cầu thủ đã kinh qua những trận đấu lớn sẽ giữ được cho mình sự bình thản. Chính từ sự bình thản của từng cầu thủ sẽ tạo ra bản lĩnh cho tập thể. Bản lĩnh là thứ chúng ta không thể nói bằng lời, bằng hô hào mà phải chứng minh bằng thực tế.
Trước trận đấu, các cầu thủ cần phải được ra sân Bung Karno sớm hơn thường lệ để có thể làm quen trước với không khí cuồng nhiệt ở đây. Tiếp theo nữa, HLV Troussiercũng cần chuẩn bị những giải pháp để các cầu thủ kết nối, tương tác trong trận đấu. Bởi vì, có thể sự liên hệ bằng ngôn ngữ giữa cầu thủ trên sân rất khó vì âm thanh khủng khiếp của "chảo lửa" này.
Nhiều khi, anh em phóng viên đứng gần nhau trên đường pitch còn nói vẫn không nghe được. Chúng ta cần phải có cơ chế truyền tin khác. Rõ ràng, sự tự tin còn được tạo ra bởi chính việc chuẩn bị kỹ lưỡng của chính đội tuyển Việt Nam.
* Theo anh, ông Trousier sẽ chọn lựa nhân sự ra sao, tiếp tục tin dùng người trẻ hay đặt niềm tin lên vai những cựu binh?
- Đối với cảm nhận của tôi, tôi cho rằng HLV Troussier vẫn sẽ sử dụng một chiến thuật "tổng thể" để pha trộn giữa cựu binh có phong độ cao cùng nhân tố trẻ có sức mạnh. Tuy nhiên, tỉ lệ người trẻ sẽ ít hơn những trận đấu trước. Có lẽ, chúng ta chỉ sử dụng những Thái Sơn, Đình Bắc, Phan Tuấn Tài. Tôi nghĩ khoảng chừng 3/11 vị trí là vừa vặn.
Thực tế, công cuộc trẻ hóa của HLV Troussier chưa mang lại cho chúng ta kết quả ưng ý. Những cầu thủ chúng ta vẫn mắc lỗi, thậm chí lỗi rất nặng để phải nhận thẻ đỏ hay ảnh hưởng đến kết quả. Ngược lại, những cầu thủ trẻ cũng để lại những khoảnh khắc đẹp như bàn thắng của Đình Bắc vào lưới đội tuyển Nhật Bản.
Sức trẻ mang lại cho chúng ta cả khó khăn lẫn thuận lợi. Vấn đề là ông Troussier sẽ tính toán như thế nào để phát huy điểm mạnh của cầu thủ trẻ và giúp cho họ vượt qua áp lực tâm lý để đá tốt.Cái đầu có thông, đôi chân mới thoáng. Tôi nghĩ rằng, trận đấu này chúng ta cũng lường trước những yếu tố phát sinh, kể cả yếu tố liên quan đến công tác trọng tài.
* Khi đá trên sân khách trong bối cảnh hiện nay, anh dự đoán HLV Troussier sẽ tiếp cận trận đấu ra sao, con người thế nào và chiến thuật gì để ra về với kết quả hài lòng nhất?
- Thật ra cũng rất khó để biết mục tiêu của ông Troussier là gì ở trận đấu này. Trong lần gần nhất nói chuyện với VFF và Cục TDTT, nhà cầm người Pháp chia sẻ rằng sẽ đặt mục tiêu giành chiến thắng, không những thắng, còn thắng đẹp nữa. Tôi cho rằng, đây chỉ là chia sẻ mang tính "xã giao" thôi. Còn thực tế nhất, tôi nghĩ rằng chúng ta đặt mục tiêu thấp thôi, một trận hòa chẳng hạn. Mục tiêu là trận hòa và chúng ta phải chơi phòng ngự.
Dẫu biết ông Troussier muốn tấn công, muốn kiểm soát bóng giống như trận đấu gặp Nhật Bản vừa rồi dám chơi đôi công sòng phẳng. Tôi không dám chắc rằng điều này sẽ được áp dụng khi đá với Indonesia hay không. Bối cảnh ở Asian Cup với bây giờ đã khác nhiều rồi. Đối với tôi, mục tiêu là một trận hòa và chúng ta ra sân với tinh thần vượt khó, đoàn kết.
Điều quan trọng nhất ngoài việc cố gắng, nỗ lực củathầy trò ông Troussier cũng như như những bộ phận cho đội tuyển Việt Nam, tôi mong người hâm mộ chúng ta hãy cùng đồng lòng, đoàn kết để ủng hộ đội tuyển Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này. Khi vượt qua giai đoạn khó khăn này, chúng ta muốn cải tổ gì thì cải tổ.
* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Những trận đấu như thế này đóng vai trò quyết định đến thành tích cũng như bước tiến của bóng đá nước nhà trong vòng 2,5 năm tới. Bởi vì chúng ta không vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2026 thì từ nay đến đó, chúng ta không còn tham dự một giải đấu trong hệ thống FIFA nào nữa. Như vậy, có nghĩa rất nhiều cựu binh của chúng ta không còn cơ hội chơi những trận đấu lớn. Chúc cho họ "mở" được "nút thắt" này cho bóng đá Việt Nam.
Tags