VN-Index vượt mốc 1.000 điểm, khối ngoại mua ròng hàng nghìn tỷ đồng

Thứ Hai, 28/11/2022 18:07 GMT+7

Google News

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch, dù diễn biến các thị trường chứng khoán trong khu vực khá tiêu cực.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/11, VN- Index tăng 34,23 điểm lên 1.005,69 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 973,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn hơn 15.943,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 416 mã tăng giá, 55 mã giảm giá và 50 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 7,29 điểm lên 204,06 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 78,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 951,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 173 mã tăng giá, 34 mã giảm giá và 32 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 1,62 điểm lên 70,03 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 37,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 400 tỷ đồng. Toàn sàn có 248 mã tăng giá, 70 mã giảm giá và 37 mã đứng giá.

VN-Index vượt mốc 1.000 điểm, khối ngoại mua ròng hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN

Sắc xanh lan tỏa ra khắp thị trường. Nhóm cổ phiếu dầu khí không còn mã nào giảm giá. Các mã đều có mức tăng rất mạnh như: POS tăng 12,9%, OIL tăng 9,6%, BSR tăng 7,6%, PVC tăng 7,5%, PVD tăng 5,9%,  PLX tăng 3,9%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn duy nhất BID giảm giá. Tất cả các nhóm ngân hàng còn lại đều ở chiều tăng giá; trong đó, SHB, LPB và TCB tăng kịch trần.

Các nhóm chứng khoán, bất động sản đua nhau tăng trần. Các nhóm hóa chất, xây dựng và vật liệu, thực phẩm đồ uống, bán lẻ… cũng tăng rất mạnh; trong đó nhiều mã tăng hết biên độ.

Rổ cổ phiếu VN30 có 23 mã tăng giá; trong đó có 7 mã tăng kịch trần. Trong nhóm này chỉ còn 7 mã giảm giá, nhưng mức giảm không lớn. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong nhóm VN30 có lẽ là việc cổ phiếu NVL ngừng rơi sau 17 phiên giảm sàn liên tiếp.

Khối lượng khớp lệnh đạt tới hơn 104 triệu đơn vị, cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết của NVL. Giá trị giao dịch tương ứng hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE.

Từ đầu tháng 11, NVL đã giảm gần 71%, vốn hóa thị trường của cổ phiếu này giảm 96.600 tỷ đồng.

Cùng với đà tăng của thị trường, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng mạnh cổ phiếu. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.678 tỷ đồng trên HOSE; 16,27 tỷ đồng trên HNX và 1,98 tỷ đồng trên UPCOM.

Các mã được mua ròng mạnh nhất là HPG với giá trị hơn 312,5 tỷ đồng, tiếp đến VHM được mua ròng hơn 231,6 tỷ đồng, STB được mua ròng 194,4 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh mẽ trong bối cảnh các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên sáng 28/11 do lo ngại về các biện pháp kiểm soát dịch tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,6%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,26%, hay 573,35 điểm, xuống 17.000,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,5% xuống 3.055,29 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,31% xuống 28.196,22 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 24,87 điểm  xuống 2.412,99 điểm.

Tại Thượng Hải, Trung Quốc, tâm lý lo ngại về các biện pháp kiểm soát dịch ngày càng gia tăng khi các biện pháp hạn chế được thực hiện nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát mới.

Trong khi đó, đồng USD tiếp tục lên giá so với đồng nhân dân tệ trong các giao dịch bên ngoài Trung Quốc, với mức tăng 0,74% và sự chú ý được hướng đến các thị trường Trung Quốc.

Các quy định nhằm kiểm soát dịch đang gây lo ngại những tác động đến nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn dự kiến.  Số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc hiện cao kỷ lục, với gần 40.000 ca vào ngày 26/11. 

Văn Giáp/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›