- Tất bật cả năm nhưng vẫn không có tiền tiêu Tết: Người phạm phải 7 sai lầm này đừng hỏi sao nghèo vẫn hoàn nghèo
- Vợ chồng 8x làm sale BĐS thu nhập 30 triệu đồng/tháng lên kế hoạch chi tiêu để không bao giờ “nhẵn túi”: Năm 2022 mua được 2 mảnh đất, chi 20 triệu đồng tiêu tết trọn an vui
- Tết trọn an vui: Freelancer tự do nhưng phải tự lo thưởng Tết, người thức trắng đêm làm việc, người lên kế hoạch tiêu Tết 30-40 triệu đồng
Khoản chi biếu Tết 2 bên gia đình của các cặp vợ chồng trẻ không chỉ xoay quanh mỗi chuyện tiền nong!
"Từ ngày lấy vợ, mình luôn quan niệm, nếu được thì biếu bố mẹ vợ nhiều hơn một chút, không thì cả 2 nhà phải bằng nhau. Năm nay, mình biếu bố mẹ vợ 15 triệu tiêu Tết, còn bố mẹ mình thì 10 triệu. Phần vì gia đình mình kinh tế vững hơn nhà vợ, phần cũng là để bày tỏ lòng biết ơn vì bố mẹ đã gả con gái cho mình. Tiếc gì vài triệu tiêu Tết để khiến vợ vui lòng." - Đỗ Quân (Vĩnh Phúc) cho biết, chuyện biếu Tết nội ngoại là một trong những khoản tiền, nếu tiêu đúng thì được lòng đôi bên, còn nếu tiêu sai lầm thì dẫn đến nhiều hệ quả chẳng vui vẻ gì.
Còn dưới góc nhìn của phụ nữ, Lê Bình (24 tuổi) cho biết, việc biếu Tết 2 bên những năm đầu, cũng là một phần để hiểu hơn cách tiêu tiền của chồng: "Chuyện tài chính gia đình càng ở lâu mới càng có phát sinh vấn đề. Chỉ khi kết hôn rồi, mình mới có thể biết được cách quản lý tài chính của cả 2 bên, để từ đó rút ra được cách quản lý tiền bạc trong gia đình phù hợp nhất. Biếu Tết là một khoản chi tiêu, dù không nhiều nhưng lại dễ phát sinh nhiều mâu thuẫn. Năm nay là năm đầu làm dâu, nên mình để chồng mình lên kế hoạch biếu Tết 2 bên."
Chuyện biếu Tết với nhiều cặp vợ chồng trẻ, không đơn giản chỉ là tiền bạc. Mà sâu trong đó là những câu chuyện về cách tiêu tiền và quản lý tài chính của đôi bên.
Biếu Tết không phải là nghĩa vụ
Đỗ Quân (Vĩnh Phúc) cho biết, việc biếu Tết thể hiện sự tôn trọng với 2 bên gia đình nội ngoại. Với nhiều người, họ quan niệm càng nhiều tiền thì càng tốt. Còn riêng với Đỗ Quân, thể hiện thái độ về chuyện biếu Tết thế nào mới là điều quan trọng nhất: "Không phải năm nào vợ chồng mình cũng làm ăn được, để mà biếu Tết 2 bên cả chục triệu. Có những năm chỉ biếu ông bà được cây đào, cây quất, và 1 ít bánh kẹo. Năm nào khó khăn hơn thì có khi Tết chỉ mừng tuổi ông bà 1 chút.
Nhưng vợ mình chưa từng bày tỏ thái độ không hài lòng gì với những tính toán về chuyện biếu Tết của mình. Vì mình biết cách chia sẻ chuyện tài chính cùng vợ, và cũng nói rõ ràng để vợ hiểu được tình hình tài chính năm đó thế nào. Rồi dựa vào đó lên kế hoạch tiêu Tết cho hợp lý.
Như năm nay, tổng cả tiền lương và thưởng của 2 vợ chồng được hơn 60 triệu, cũng là một năm tích góp được chút của cải nên tiêu Tết có phần dư giả hơn. Ngoài mua sắm những thứ cần cho Tết, vợ chồng mình chi 25 triệu biếu Tết: 10 triệu cho nhà nội và 15 triệu cho nhà ngoại, thêm 5 triệu để lì xì cho các cháu 2 bên. Tổng lại thì khoản tiền biếu Tết là 30 triệu đồng. Đây là khoản chi lớn nhất trong Tết, nhưng cũng cần biếu cho khéo để đỡ mất lòng 2 bên. Nhiều người bảo, phải biếu bằng nhau để thể hiện sự tôn trọng, nếu biếu bên nào hơn thì lại đụng chạm vào kinh tế. Nhưng cá nhân mình không nghĩ vậy, mình cũng thảo luận qua chuyện này với vợ, và 2 vợ chồng mình thống nhất: 10 triệu biếu Tết 2 bên, còn mình đưa vợ thêm 5 triệu, để khi nào vợ về nhà thì biếu riêng nhà ngoại. Và vợ mình vui vẻ đồng ý với cách sắp xếp này. Việc biếu Tết không phải là nghĩa vụ, mà là sự đáp lễ cho công ơn nuôi dưỡng mà ba mẹ ban cho. Nên khoản chi này năm nào vợ chồng cũng hoan hỷ biếu, chẳng tính toán thiệt hơn điều gì."
Với Lê Bình, cô đồng ý rằng, sau khi lấy nhau rồi thì chuyện quản lý tài chính là trách nhiệm của đôi bên. Nhưng riêng trong chuyện biếu Tết, năm đầu tiên này cô để chồng mình tự đưa ra quyết định: "Trước Tết cả tháng thì chồng mình cũng có đề cập đến vấn đề biếu Tết 2 bên, mình cũng có bày tỏ ý kiến rằng việc này chồng tự quyết. Sau khi nhận được lương thưởng Tết, tính toán những khoản cần chi rồi, chồng mình bảo: "Năm nay tình hình kinh tế cũng có chút khó khăn nên anh biếu Tết nội ngoại mỗi nhà 5 triệu, thêm chút bánh kẹo làm quà nhé!" Còn phần lương thưởng Tết của mình, chồng mình bảo dành riêng để mình tiêu Tết năm nay, coi như là phần bù đắp cho năm đầu không được ăn Tết ở nhà. Mình hài lòng với sự sắp xếp này, và phần nào đó cũng an tâm khi 2 vợ chồng có chung quan điểm trong việc biếu Tết."
Cách vợ chồng trẻ quản lý tài chính để cân đối chi tiêu trong ngày Tết
Không riêng gì việc biếu Tết, những khoản khác cần chi tiêu trong Tết nguyên đán cũng chiếm phần không nhỏ trong kinh tế gia đình. Nếu không biết cân đo đong đếm, thì vợ chồng trẻ chắc chắn sẽ đau đầu với những khoản cần chi.
Lê Bình cho biết, khoản biếu Tết thì do chồng tính toán. Còn những khoản chi còn lại như: sắm Tết, góp Tết, trang trí nhà cửa, tiền lì xì,... thì do Bình phụ trách: "Công việc trong Tết rất nhiều, nếu không phân chia ra mà để 1 người ôm đồm thì rất vất vả."
Bình đã lên kế hoạch chi tiêu trong Tết cách dịp Tết cả tháng trời: "Vì là năm đầu làm dâu, mình cũng muốn sửa soạn 1 cái Tết chu đáo cho gia đình chồng. Khoản tiền tiêu Tết dự tính năm nay cao gấp 2 lần năm ngoái, do có thu nhập từ 2 nguồn và cũng do có nhiều thứ cần lo hơn. Không chỉ đợi đến gần Tết mình mới tính toán chuyện tiền nong, mà mình đã có kế hoạch chuẩn bị tài chính từ rất sớm. Phần vì tiền tiêu Tết là cả 1 cục. Phần cũng là vì mình lo Tết cho cả 2 bên gia đình, nên số tiền cần chi nhiều hơn, cần có sự tích lũy dần từ trước.
Theo đó, khoản thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng, đều được Bình trích 1 khoản nhỏ, gom để tiêu Tết mà không cần tiêu vào tiền tiết kiệm: "Nếu đợi lương thưởng cuối năm rồi mới sắm sửa cho Tết thì sẽ rất muộn, nên mình đã lập 1 tài khoản riêng từ giữa năm, mỗi tháng sẽ trích khoảng 10% thu nhập của cả 2 để bỏ vào tiền tiêu Tết. Cứ tích lũy dần, cộng thêm tiền lương thưởng cuối năm là sẽ tiêu Tết được thoải mái hơn."
Còn đối với Đỗ Quân, vợ chồng anh đã cưới nhau được gần 5 năm nên cũng đã hiểu được cách chi tiêu của nhau. Từ đó, mọi vấn đề tài chính trong gia đình đều có 1 quỹ đạo chung: "Hồi mới cưới nhau, vợ chồng mình cũng hay gặp những vấn đề về việc chi tiêu. Nhưng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và tiền bạc, tụi mình cũng tìm được cách quản lý tài chính tốt hơn. Việc tiêu Tết là một trong những phần quan trọng, không chỉ lo Tết cho nội ngoại 2 bên, mà còn phải lo cho gia đình nhỏ. Vậy nên, đây là 1 khoản nằm trong mục tiêu tiền khẩn cấp.
Vợ chồng mình góp 80% thu nhập riêng vào quỹ chung để chi tiêu trong gia đình, 20% còn lại là tự do chi tiêu cá nhân. Trong đóm, quỹ chung sẽ được chia thành 4 mục: Chi tiêu cơ bản - Chi tiêu khẩn cấp - Tiết kiệm - Đầu tư. Trong đó:
- Chi tiêu cơ bản: (30%): Đây là những khoản chi sinh hoạt hàng ngày và tiền học của con.
- Chi tiêu khẩn cấp: (10%): Không chỉ dành cho những khoản chi tiêu trong các trường hợp khẩn cấp, đau ốm, bệnh tật,... Vợ chồng mình còn sử dụng để chi trả cho các dịp lễ, Tết, ăn cưới, đám đình,.... Thường thì các năm, khoản tiền này sẽ chi nhiều nhất cho dịp lễ Tết, nếu như lương thưởng cuối năm kém.
- Tiết kiệm: (30%): Vợ chồng mình đã có 2 cuốn sổ tiết kiệm. 1 quyển là tiết kiệm chung của gia đình, 1 quyển là của cá nhân. Đây là khoản tiền được gửi ngân hàng, dùng cho những trường hợp thất nghiệp, hoặc là tài sản đề dành.
- Đầu tư: (30%): Khoản này hiện tại vợ chồng mình tập trung vào bảo hiểm. Không chỉ đóng cho con, mà còn cho ba mẹ. Đây cũng là 1 loại tài sản đảm bảo phòng những trường hợp không may xảy ra, và cực kỳ đáng đầu tư.”
Chính vì có 1 kế hoạch tài chính cụ thể từ trước, nên việc tiêu Tết của các cặp vợ chồng trẻ trở nên thuận lợi hơn, không còn những cuộc tranh cãi xem năm nay biết Tết bên nội thế nào, bên ngoại ra sao!
Tags