(Thethaovanhoa.vn)- Chính xác đó là kỳ tích vô tiền khoáng hậu mà thể thao Việt Nam có được từ ngày tham dự Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á. Từ chỗ chân ướt chân ráo, vị thế của Việt Nam đã cao, giờ lại càng cao sau SEA Games 30.
Philippines có thể xem là đất lành với Đoàn thể thao Việt Nam. Từ chỗ chỉ đặt hơn 65 HCV và nằm trong Top 3 toàn đoàn, thể thao Việt Nam đã có những thành công ngoài sức mong đợi. Điển hình xuất sắc nhất là bộ môn nữ hoàng: điền kinh. Từ ngày Việt Nam trở lại với đấu trường SEA Games vào năm 1989, Việt Nam dần tiến bộ nhưng luôn xếp sau cái bóng của Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Thái Lan.
Đến SEA Games 2015, điền kinh Việt Nam bắt đầu cất cánh đe doạ vị thế số 1 của VĐV xứ Chùa Vàng với 11 HCV. Đó là phát pháo báo hiệu sự vươn tầm của các VĐV Việt Nam dù năm đó vẫn kém người Thái đến 6 HCV. Hai năm sau đó tại SEA Games 29 ở Malaysia, điền kinh Việt Nam chính thức vượt mặt người Thái với 17 HCV.
SEA Games 30 ở Philippines lần này, Trưởng bộ môn Điền kinh thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao Dương Đức Thuỷ cho rằng trước giờ lên đường rất nhiều khó khăn bủa vây đội tuyển như chấn thương của các trụ cột như Quách Thị Lan, sự xuống dốc của Nguyễn Văn Lai hay hoài nghi khả năng trở lại sau khi sinh con của Nguyễn Thị Huyền… Thái Lan hứa hẹn sẽ trở lại vị thế số 1 của họ ở môn Olympic này, nhưng điền kinh Việt Nam đã khiến người Thái tiếp tục ôm hận khi có 16 HCV chung cuộc để đóng góp vào thành công chung, hơn Thái Lan đến 4 tấm HCV.
Bộ môn được ví như “Nữ hoàng” của các kỳ Đại hội thể thao xuất sắc như thường lệ, càng vui hơn khi môn thể thao “Vua” bóng đá cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bóng đá nam và nữ Việt Nam đã cùng nâng cao tấm HCV SEA Games trọn vẹn.
Đó cũng là một cách chứng tỏ cho cả khu vực thấy vị thế của thể thao Việt Nam đã lớn mạnh thế nào. Trước đó, người Thái từng tự hào về sự thống trị của họ ở cả hai môn thể thao danh giá nhất Đại hội.
Bởi chung quy lại, chỉ có những tấm HCV ở nội dung Olympic này mới có thể đánh giá chuẩn xác nhất khả năng của nền thể thao đó. Điền kinh và bóng đá đòi hỏi những tố chất mà bất cứ VĐV nào muốn chiến thắng cần phải có như sức mạnh, tốc độ, sự thông minh nhạy bén và khả năng phối hợp đồng đội.
Ở cuộc chiến đó, khó có chỗ cho sự sắp đặt. Do đó, việc thống trị hai nội dung “Vua” và “Nữ hoàng” của Đại hội lần thứ 30 thực sự quá đỗi ngọt ngào cho thể thao nước nhà.
Đặc biệt ở một Đại hội khu vực đã có truyền thống nước chủ nhà “gom” huy chương, vị trí thứ 2 mà Việt Nam có được, vượt trên cả Thái Lan (Việt Nam có 98 HCV chung cuộc so với 92 của Thái Lan), hoàn thành hơn cả mong đợi vị trí Top 3 như đề ra ban đầu, có thể xem đây là kỳ Đại hội hoành tráng và thành công bậc nhất mà Đoàn thể thao Việt Nam từng làm được.
Từ môn "Vua" đến "Nữ hoàng" rồi lật đổ luôn vị thế chung cuộc của Đoàn thể thao Thái Lan, thật khó để nền thể thao xứ Chùa Vàng nuối trôi thất bại này.
Nó thậm chí còn vẻ vang hơn cả SEA Games 2003 khi Việt Nam đóng vai trò là nước chủ nhà. Vì người làm thể thao khu vực ngầm hiểu, vị trí số 2 trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc của SEA Games mới là quốc gia số 1 của khu vực về nền thể thao.
Việt Hà
Tags