Năm 2002, tại Hong Kong (Trung Quốc), phim hình sự trinh thám Vô gian đạo (Internal Affairs) do Lưu Vĩ Cường và Mạch Triệu Huy đồng đạo diễn được tung ra rạp nhằm lôi kéo người xem quay trở lại với những bộ phim nội địa. Mặc dù hiệu ứng của nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, phim đã tạo ra một cú hích lớn cho nền điện ảnh Hong Kong thời điểm đó.
Phim Hong Kong từng thống trị phòng vé địa phương cho đến giữa những năm 1990 nhưng sau đó thì “chìm” và nhường chỗ cho sự thống trị của Hollywood. Vào những năm cuối thiên niên kỷ, các nhà làm phim bản địa khi ấy từng rơi vào tuyệt vọng...
Mới mẻ trong cách tiếp cận
Nhưng khi Vô gian đạo ra rạp, phim đã thành công cả về mặt nghệ thuật và thương mại, đạt doanh thu cao đặc biệt ở Hong Kong và được xem là bộ phim đem lại sức sống mới cho cả nền điện ảnh ở đặc khu này trong bối cảnh đang cạn kiệt về ý tưởng sáng tạo.
Nhà phê bình Paul Fonoroff của Post viết trong ngày ra mắt bộ phim: “Ngày nay hiếm khi người dân Hong Kong đứng xếp hàng chờ xem bất kỳ bộ phim nào - chứ đừng nói là phim sản xuất trong nước. Bởi vậy, thật vui khi thấy rằng cơn đói điện ảnh của chúng ta vẫn còn tồn tại”.
Đến nay, Vô gian đạo vẫn được đánh giá là một trong những bộ phim hành động Hoa ngữ hay nhất.
Thực chất, Vô gian đạo giống một bộ phim truyền hình hơn là phim cảnh sát hành động và các cảnh hành động rất thưa thớt và ngắn ngủi. Câu chuyện phim là cuộc đấu trí căng thẳng giữa thành viên của Hội Tam Hoàng - Lưu Kiến Minh (Lưu Đức Hoa) - do chính băng đảng xã hội đen này cài vào Cục Điều tra Hình sự, trong khi cảnh sát Trần Vĩnh Nhân (Lương Triều Vỹ) lại hoạt động bí mật trong băng đảng của Hội Tam Hoàng. Trùm băng đảng xã hội đen là Hàn Sâm (Tăng Chí Vĩ) còn thanh tra cảnh sát là Huỳnh Chí Thành (Huỳnh Thu Sinh). Xung đột xảy ra khi cả 2 bên cố gắng tấn công để khám phá chân tướng của nhau. Điều khác biệt nằm ở cuối phim: Lưu Kiến Minh quyết định rằng anh ta thích cuộc sống của một viên chức cảnh sát, và cố gắng sống theo vỏ bọc của mình.
Tim Youngs, một chuyên gia điện ảnh người Italy tại Hong Kong, cho biết giá trị của Vô gian đạo đã vượt xa các đối thủ địa phương vào thời điểm đó với dàn diễn viên rất tuyệt vời và sự mới mẻ trong cách phá vỡ các kết cấu cũ.
“Bộ phim kết hợp với câu chuyện truyền thống về cảnh sát chìm và danh phận của họ khi trở lại như trường hợp phim Man On The Brink (Biên duyên nhân - 1981). Phim cũng khám phá nỗi đau tâm lý và cuộc khủng hoảng cá nhân của một điệp viên” - Tim Youngs nói - “Nhưng Vô gian đạo đã đẩy cuộc chiến này lên mức khó khăn hơn rất nhiều, khi cả 2 phía đều có tay trong của mình cài vào lực lượng đối địch. Thêm nữa, đây là bộ phim về Hội Tam Hoàng nhưng tránh được những cảnh sáo rỗng về cạnh tranh băng đảng”.
Phần lớn thành công của bộ phim là nhờ có một kịch bản hấp dẫn, diễn biến dồn dập và bố cục chặt chẽ. Đồng đạo diễn Mạch Triệu Huy viết kịch bản gốc cùng nhà biên kịch Trang Văn Cường (Felix Chong Man Keung) và sau đó thuyết phục nhà quay phim/đạo diễn Lưu Vĩ Cường (Andrew Lau) giữ vai trò đồng đạo diễn phim. Trước đó, Lưu Vĩ Cường đã gây tiếng vang lớn với loạt phim ăn khách Người trong giang hồ: Ngũ hổ tái xuất (Young And Dangerous - 1996) và Phong Vân (The Storm Riders - 1998).
Mạch Triệu Huy nói rằng ông được truyền cảm hứng từ bộ phim hành động Hollywood Lật mặt (Face/Off - 1997) của nhà làm phim Ngô Vũ Sâm (John Woo), trong đó người anh hùng có khuôn mặt được phẫu thuật thay đổi giống như tên trùm khủng bố đã giết chết con trai anh. Mạch Triệu Huy thích ý tưởng hoán đổi bản sắc nhưng nghĩ rằng phần phẫu thuật của bộ phim Ngô Vũ Sâm là không thực tế. Vậy nên, ông đã nảy ra ý tưởng về một cuộc đấu trí và Vô gian đạo là kết quả.
Lễ kỷ niệm 20 năm của Vô gian đạo đang được tổ chức tại LHP Quốc tế Hong Kong năm nay với lịch chiếu phim vào các ngày 22-24/8 và 27/8. Cả 3 tập phim đã được phục chế ở định dạng 4K. |
Dàn diễn viên ngôi sao
Việc casting phim đã thu hút sự quan tâm lớn ở Hong Kong thời điểm đó và các nhà làm phim đã khéo léo thẩm định tất cả với sự lựa chọn của họ. Không chỉ các diễn viên chính trong phim, là Lương Triều Vĩ và Lưu Đức Hoa, mà các phiên bản trẻ hơn của họ (ở phần đầu phim) là thần tượng tuổi teen Trần Quán Hy và Dư Văn Lạc (Shawn Yue Man Lok) cũng rất được săn đón. Chưa kể, phim còn có sự thủ diễn của các biểu tượng pop Trịnh Tú Văn (Sammi Cheng Sau Man) và Trần Tuệ Lâm (Chen Wai Lam) cùng ca sĩ Đài Loan (Trung Quốc) Tiêu Á Hiên (Elva Hsiao).
Đạo diễn Lưu Vĩ Cường để cho Lương Triều Vĩ và Lưu Đức Hoa tự chọn đóng vai phản diện hay anh hùng và cả 2 đều chọn trái ngược với những gì đạo diễn mong đợi song ông vẫn theo quyết định của họ. “Trách nhiệm của tôi trong Vô gian đạo là yếu tố thương mại, trong khi Lương Triều Vĩ tạo ra yếu tố nghệ thuật” - Lưu Đức Hoa khiêm tốn nói trong một cuộc phỏng vấn.
Thực tế, vai diễn của Lương Triều Vĩ trong phim được giới phê bình đánh giá rất cao. Anh đã giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở hầu hết các lễ trao giải lớn, trong đó có những giải thưởng uy tín là Kim Tượng, Kim Mã và Kim Tử Kinh. Theo Youngs: “Các nhân vật của họ rất đẹp. Đặc biệt, họ diễn với nhau một cách trơn tru trong khi cả 2 đều thể hiện rõ sự rối loạn nội tâm và cảm xúc của bản thân. Lưu Đức Hoa lạnh lùng và nham hiểm, trong khi Lương Triều Vĩ có sự ấm áp và u uất, đặc biệt là trong một số cảnh diễn cùng Huỳnh Thu Sinh, Tăng Chí Vĩ và Trần Tuệ Lâm”.
- Phim 'Vô gian đạo': Món lạ miệng của màn ảnh Việt
- Hóa ra 'Vô gian đạo' chính thức remake phim 'Thánh bịp vô danh'
Thành công đặc biệt
Bộ phim có kinh phí 40 triệu HKD và là một thành công nổi tiếng cả về thương mại và nghệ thuật với mức thu 43,7 triệu HKD trong 19 ngày tại phòng vé địa phương. Phim giành được 7 giải Kim Tượng tại lễ trao giải Điện ảnh Hong Kong 2003, trong đó có Phim hay nhất (đánh bại phim Anh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu), Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản hay nhất. Bộ phim cũng thu về khoảng 1,5 triệu USD cho bản quyền làm lại của Hollywood.
Vô gian đạo có những ngôi sao hàng đầu, được quảng bá rầm rộ và luôn duy trì các giá trị của mình trong thời gian sau đó. Phim được tạp chí Time xếp thứ 6 trong Top 10 phim xuất sắc nhất năm 2004. Năm 2005, Vô gian đạo xếp thứ 32 trong 100 phim vĩ đại nhất của điện ảnh Hoa ngữ trong 100 năm, xếp thứ 30 trong danh sách “100 phim điện ảnh xuất sắc nhất thế giới” của tạp chí Empire (Anh) năm 2010. Tác phẩm cũng đứng thứ 10 trong 18 phim điện ảnh xuất sắc nhất châu Á do tạp chí Time của Mỹ bình chọn và là bộ phim Hong Kong có thứ hạng cao nhất trong Top 250 danh sách phim của Internet Movie Database.
Ngoài ra, Vô gian đạo tạo ra hiệu ứng truyền miệng cực kỳ tích cực. Việc theo dõi bộ phim đã trở thành một điểm tự hào của công chúng Hong Kong. Và sự ủng hộ ấy đã kéo theo sự ra đời Vô gian đạo 2 với những sự kiện trước khi câu chuyện trong phim Vô gian đạo xảy ra và Vô gian đạo 3 mô tả những sự kiện sau đó). Cả 2 phim này đều được phát hành năm 2003.
Tạo ảnh hưởng tới cả Hollywood Năm 2003, hãng phim Plan B Entertainment của Brad Pitt đã mua bản quyền làm lại Vô gian đạo và năm 2006, đạo diễn Mỹ lừng danh Martin Scorsese đã làm lại bộ phim này với cái tên The Departed (Điệp vụ Boston) với sự góp mặt của dàn diễn viên ngôi sao gồm Matt Damon, Leonardo DiCaprio và Jack Nicholson. Kết quả là phim đã “ẵm” 4 giải Oscar, trong đó có giải Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar 2007. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags