(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu kịch 5B vừa ra mắt vở Chạy (tác giả Trần Kim Khôi - Tùng Phi, đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc) với một thông điệp sâu sắc, rất đáng suy ngẫm. Và thú vị hơn nữa, họa sĩ Kim B đã thiết kế sàn diễn bằng sự phá cách mà vẫn không thiếu chất lãng mạn từ hình ảnh chủ đạo lấy từ hoa sen.
1. Mở đầu câu chuyện là một cuộc chia ly đến thắt ruột, khi con tàu hối hả lên đường, chở theo một người mẹ bỏ lại chồng và đứa con còn đỏ hỏn. Tỵ (Hạnh Thúy đóng) trốn chạy đời sống khó khăn sau ngày 30/4/1975, tìm đến thế giới mà chị cho là dễ thở. Để rồi từ đó, chồng chị, ông Nguyên (Trung Dũng) đã trốn chạy tình yêu, trốn chạy phụ nữ, bởi lòng ông khắc sâu một vết thương về sự phản bội.
Ông trốn chạy luôn cả tình cảm chân thành của chị Thúy (NSƯT Mỹ Uyên), người chia sẻ nỗi buồn với ông, người chăm sóc ông từng li từng tí. Ngay cả Thúy cũng trốn chạy quá khứ nhơ nhớp của một cô gái vì cứu cả gia đình mà đành rơi vào chốn lầu xanh. Thúy cố gắng hoàn lương, sống bằng nghề nghiệp chân chính, và yêu ông Nguyên không phải vì tiền.
Đến lượt thế hệ con cái ông Nguyên cũng làm một cuộc trốn chạy. Bác sĩ Khôi (Hoàng Ngọc Sơn) vùng vẫy trong cái khuôn mẫu mà cha mình ép buộc, không được yêu, không được tin phụ nữ. Ông Nguyên đẩy con mình vào cô đơn như chính đời ông. Nhưng Khôi chưa đầu hàng, anh vẫn quyết tâm chạy theo những gì anh mơ ước. Cũng như Thiện (Nguyệt Ánh) người yêu của anh, một vận động viên cấp quốc gia, quyết tâm chạy trên đường đua đem về chiến thắng.
Không ai đầu hàng trong cuộc chạy trốn hoặc chạy đua của mình. Và có khi… những lúc ấy họ bị đau khổ. Đau khổ khi người ta cố giằng co với cuộc đời, không để cho mọi thứ thuận tự nhiên, thuận yêu thương, thuận tha thứ. Trái tim luôn sống trong tình trạng tổn thương, rạn nứt, hoặc thấp thỏm, căng thẳng.
Hóa ra hạnh phúc có khi không đến nỗi quá khó. Chỉ cần xanh và nhẹ như chiếc lá sen, thơm như hạt cốm là được rồi. Ông Nguyên là người làm cốm lành nghề, ngày ngày ông ngồi bên hương cốm, lẽ ra ông phải lắng lòng thanh thản như cốm, như sen.
Đến khi ông kịp nhận ra điều đó thì mọi thứ đã bay đi rất xa. Nhưng cái kết không quá bi kịch, vẫn còn mở ra hy vọng, bởi ông đã biết ngồi lại bên cốm và sen, hành động ấy ước lệ cho tâm hồn ông bắt đầu xanh, nhẹ và thơm, với sự tha thứ, tiếp nhận. Phải vậy con người ta mới sống nổi trong đời.
Trái tim nào rồi cũng quay về với tình thương và sự ấm áp. Suy cho cùng, bản năng sống chính là yêu thương. Có yêu thương, dù muộn cũng được, thì người ta mới tồn tại. Những đối kháng sẽ chìm xuống, sẽ tan nhòa trong biển lớn yêu thương. Cả ông, lẫn bà Tỵ, lẫn bác sĩ Khôi, đều buông hết những đối kháng để xin lỗi lẫn nhau, tha thứ cho nhau. Xa nhau về khoảng cách địa lý, nhưng lại hòa hợp trong lòng.
2. Tất cả diễn viên của 5B đều giỏi nghề, diễn chân thật và cảm động. Đặc biệt Mỹ Uyên tung tẩy trong vai cô gái giang hồ hoàn lương, đáng yêu vô cùng. Một kiểu người ít học, nhưng chân thành, nhiễm bụi trần nhưng giữ được tình yêu và lòng tự trọng, quậy phá nhưng nồng nàn, biết quan tâm, chăm sóc người khác. Còn Trung Dũng với gương mặt gồ ghề, thừa sức cho một nhân vật hận đời, cô đơn, khắc khổ.
Và ấn tượng mạnh nhất là thiết kế của họa sĩ Kim B. Chị xẻ sân khấu ra thành 3 phía khán giả, tất nhiên điều này có vở đã làm rồi. Nhưng khác chăng là những bục bệ tạo thành một cái gì đó như con đường khúc khuỷu, không hề bằng phẳng, như chính đường đời của mỗi người.
Nhưng trong không gian hẹp ấy lại hiện ra đầy đủ một phòng khách với bàn trà, ghế ngồi, một phòng ngủ với cái giường, một con dốc, một hành lang trong nhà, một khu riêng để làm cốm, hoặc một bến sông, bến tàu. Không cần đóng mở màn, không cần chuyển cảnh lần nào, thế mới hay.
- 'Phiêu lưu' vì tình yêu nghệ thuật, Mỹ Uyên vay 600 triệu đồng 'tái dựng' Kịch 5B
- Kịch 5B TP.HCM: Sự 'phai nhạt' của lá cờ đầu kịch nói TP.HCM
Và bao trùm tất cả không gian là màu sắc lẫn hình ảnh chủ đạo của sen. Sen trên nền nhà, sen trên màn cửa, sen trên áo diễn viên, sen trên rổ rá làm cốm. Xanh dịu dàng. Đường nét uốn lượn mềm mại. Sen đã làm trái tim xanh lại, mát mẻ như tình thương. Đường uốn lượn ấy thầm bảo người ta phải biết uyển chuyển mà sống. Đời có khi vui, khi buồn, có những hoàn cảnh éo le, thôi thì cứ uyển chuyển như thế, đừng quá thẳng băng.
Họa sĩ Kim B luôn giàu nữ tính trong thiết kế sân khấu. Ngôn ngữ của chị đôi khi không cần hoành tráng, rườm rà, chỉ điểm xuyết nhẹ thôi mà người xem thú vị.
HOÀNG KIM
Tags