(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Vóc và dáng giới thiệu hai tác giả ở hai độ tuổi trẻ và trung niên. Nhưng đó không hẳn là triển lãm có tính khám phá nghệ thuật, mà là giới thiệu một loại sơn khắc với cách làm kĩ lưỡng hiếm hoi mà Bùi Quang Thắng đã tìm tòi từ lâu và nay đạt đến độ tinh vi cao, khá độc đáo. Đến giờ chỉ có anh làm tranh khắc như thế.
1. Đây là cuộc triển lãm của hai họa sĩ, một trẻ, một trung niên tại Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 32 Hào Nam, Đống Đa Hà Nội.
Hai họa sĩ đều sáng tác trên chất liệu sơn mài. Họa sĩ trẻ Nguyễn Vĩnh Thịnh thì vẽ sơn mài truyền thống. Bùi Quang Thắng qua tuổi trung niên thì làm tranh sơn khắc trên vóc sơn mài. Là họa sĩ đồ họa, anh đã biết “khắc” trên mặt sơn mài từ năm 1992.
Xin nói qua về tranh sơn khắc theo nghĩa thông thường: Bản nét được can hình lên mặt vóc chưa khô kiệt, sau đó khắc nét. Khắc xong thì dùng các màu màu sơn phủ lên chỗ mặt tranh khắc theo phác thảo, giống như khắc gỗ tô màu.
Tranh khắc của Bùi Quang Thắng về quy trình thì không khác cách thông thường là mấy, nhưng cái khác là anh giao cho thợ vóc làm mặt vóc sơn mài. Vóc làm xong được mài nhẵn bóng như một bức tranh. Sau đó anh thi công tranh trên mặt tấm vóc bức tranh của mình.
Đề tài tranh Bùi Quang Thắng đề cập đến tình yêu lứa đôi, đi xuyên suốt các tác phẩm trưng bày lần này. Đề tài thật giản dị, nó chỉ như là cái cớ cho việc triển khai kĩ thuật khắc. Cấu trúc vẫn theo chỉnh thể của lối tranh đồ họa, lại có phần đơn giản. Với người khó tính thì sẽ có cảm giác bố cục tranh hơi đơn điệu. Cái cảm nhận đó cũng không sai khi tác giả không dụng công nhiều vào tạo hình tạo dáng. Chủ yếu là những mảng kỉ hà hiện đại mang tính khái quát để “thi công” kĩ thuật khắc.
Tổ chức nét của tranh cũng không phức tạp, hầu như toàn những vạch thẳng sát nhau. Những vệt khắc khá nông trên mặt vóc bóng loáng như gương, nét nhỏ li ti như sơi tóc. Tôi cũng chưa hiểu cách dùng dao khắc như thế nào để tạo được những nét khắc tinh vi dày dặn đến như vậy. Xem tranh của Thắng, phải đến thật gần, khoảng cách của mắt cách mặt tranh chừng hai mươi phân càng tốt. Lúc ấy mới thấy hết cái đẹp cái khéo của cách làm tranh này hiện ra trong các nét xen vào nhau.
Tranh của Bùi Quang Thắng, nói chính xác là tranh khắc trên mặt sơn mài. Màu được gài vào những mảng khắc hầu như đơn sắc, nhẹ nhàng như khói, mặt vóc đen làm chủ thể, khống chế mặt tranh. Cách làm vậy cũng tạo một hiệu ứng cảm giác về sự tĩnh lặng trở nên sâu thẳm. Cách làm này nếu thêm biến hóa cách tổ chức nét khắc nhiều hơn nữa thì hiệu ứng về thẩm mĩ chắc sẽ được tăng cao nhiều hơn nữa. Có thể cảm nhận này chưa đúng, nhưng cũng xin mạnh dạn nêu ý nghĩ của mình, là lối làm tranh này hơi thiên về mĩ nghệ cao cấp.
2. Bên cạnh Bùi Quang Thắng với lối làm tranh độc đáo là một Nguyễn Vĩnh Thịnh trẻ trung tươi mát với tạo hình hiện đại thoát ly hẳn thực tế cùng những thử nghiệm tổng hợp sơn dầu và sơn mài trên vải. Tạo hình tranh nghiêng về trang trí, khai thác sự gợi cảm trên hình tượng xoáy âm dương trong những tranh khuôn khổ nhỏ theo cách làm đề-co trang trí hơn là tạo hình tác phẩm độc lập trên chất liệu sơn mài.
Họa sĩ Thịnh có gam màu nhẹ nhàng, tươi tắn và mượt mà trên những tranh độc lập ngả theo lối nhìn trang trí khá bắt mắt. Con đường đi còn dài với họa sĩ trẻ này, nhưng với cách làm và cách nghĩ có nhiều hứa hẹn cho sự phát triển. Còn họa sĩ Bùi Quang Thắng có lẽ sẽ yên vị với cách làm định hình riêng biệt của mình khó có người bắt chước nổi. Có chăng chỉ càng ngày càng khéo tay tinh vi hơn. Anh đã có khoảng trời riêng cho mình không lẫn vào ai.
Vóc và dáng chỉ là cái tên cho triển lãm. Qua xem thì thực tế nó không có mấy ý nghĩa về nội hàm cho cuộc trưng bày này.
Tuy vậy đây là một triển lãm đáng đến xem vì nó có sự gợi ý cho người làm nghệ thuật những hướng tìm tòi mới như kĩ thuật để định vị mình, hoặc cách nhìn cuộc sống trên sắc thái văn hóa bản địa nơi mình từng lớn lên và trưởng thành, đưa vào sáng tác để có một chiều sâu văn hóa.
Triển lãm Vóc và dáng quy tụ 40 tác phẩm của 2 họa sĩ Bùi Quang Thắng và Nguyễn Vĩnh Thịnh, diễn ra tại VICAS Art Studio (32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội) trong thời gian từ 24/7 đến 11/8/2019 |
Hoạ sĩ Đỗ Đức
Tags