(Thethaovanhoa.vn) - Với tài năng và tên tuổi của mình, liệu Felix Magath có phù phép được túp lều Craven thành một lâu đài của bóng đá Anh, hay sẽ biến nó thành một đống tro tàn?
Cái tên Felix Magath luôn là một đề tài hấp dẫn đối với báo chí Đức. Đơn giản bởi ở con người này luôn tồn tại 2 mặt hoàn toàn đối lập. Tài năng của một thiên tài và một kẻ độc tài, gàn dở đáng ghét. Tài năng của Magath không phải đợi đến khi ông này chuyển sang làm HLV mới được thừa nhận, mà người đàn ông gốc Caribe này đã là ngôi sao từ khi còn thi đấu.
Magath là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất của bóng đá Đức từ nửa sau thập niên 1970 và nửa đầu thập niên 1980. Ông là đạo diễn, là nhạc trưởng trong lối chơi của Hamburg ở thời kì họ giành Cúp C1 Châu Âu mùa 1982-83. Có lẽ chính vì tố chất thủ lĩnh mà khi chuyển sang làm HLV (do chấn thương nặng năm 32 tuổi), Magath luôn muốn mọi thứ diễn ra theo ý mình.
Ông không chấp nhận thỏa hiệp, nhún nhường hay để bất kì ai xen vào chuyện chuyên môn. Magath cực đoan đến mức, cựu cầu thủ Bachirou Salou – người từng được HLV này dẫn dắt 1 mùa tại E.Frankfurt (1999-2000) đã mô tả Magath là tên độc tài cuối cùng tại Châu Âu.
Chính vì tư tưởng độc đoán, Magath thường đưa ra yêu sách "2 trong 1" nhằm đảm bảo quyền lực tuyệt đối của bản thân: giữ cả chức Giám đốc thể thao lẫn HLV trưởng. Nhưng khi Magath không bị kìm hãm thì ông chẳng khác nào con ngựa bất kham, quay cuồng trong cơn điên của bản thân.
Điển hình như việc biến các đội bóng do mình dẫn dắt thành những cái chợ "buôn người". Trong nhiệm kỳ đầu tại Wolfsburg (từ 2007 đến 2009), ông đã mua 48 cầu thủ và bán đi 42 người. Còn ở nhiệm kì thứ 2 (2011-2012), chỉ trong kì chuyển nhượng mùa hè ông cũng đã đưa về 12 người (cả mua lẫn mượn) và đẩy đi 11 người.
Người ta có thể không bao giờ quên chiến công để đời của Magath, khi Wolfsburg giành chức vô địch Bundesliga đầu tiên và duy nhất trong lịch sử. Nhưng ông vẫn có một bản lý lịch chẳng mấy đẹp đẽ (6/8 lần bị các đội bóng cắt hợp đồng trước thời hạn, trong đó có cả Wolfsburg). Ông từng bị các CĐV Schalke trưng những tấm băng rôn to đùng bày tỏ sự phản đối, bị người ta đặt cho biệt danh Quaelix (chơi chữ từ “Felix” tên ông và động từ “quaelen” trong tiếng Đức nghĩa là tra tấn).
Thế nên, không ai có thể khẳng định, tại Craven Cottage, Magath sẽ thể hiện bộ mặt nào. Sẽ là một chiến công vĩ đại như tại Wolfsburg (trước khi Magath đến, CLB này chỉ vừa may mắn trụ hạng), hay một lần nữa Magath sẽ lại bị các CĐV và các cầu thủ coi là hung thần, rồi lại mất việc sớm như thường lệ. Nhưng khi Fulham đã ở đáy thì kết cục dù có thế nào cũng chẳng thể tệ hơn được nữa. Biết đâu, đó sẽ là cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt để Craven Cottage không chỉ còn là túp lều của bóng đá Anh.
Và nói gì thì nói, trong số các HLV ở giải Ngoại hạng hiện nay cũng chỉ có Arsene Wenger và Jose Mourinho là sở hữu nhiều chức vô địch ở 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu nhiều hơn Magath mà thôi!
Đức Phan
Thể thao & Văn hóa
Tags