Tròn 20 năm trước, Kiatisuk là ngôi sao lớn nhất của V-League và HAGL là hiện tượng của giải đấu với chức vô địch ngay mùa đầu tiên đến với bóng đá chuyên nghiệp. Bây giờ, Kiatisuk là nỗi thất vọng lớn nhất trên băng ghế huấn luyện và không ai biết, HAGL có tạo ra điều gì khác tệ hơn nữa không ở mùa giải này.
Rơi vào nhóm 6 đội yếu nhất giải phải tranh suất trụ hạng, thua một đội hạng Nhất với nhiều cầu thủ U20, chẳng có gì để giải thích cả ngoài việc HAGL đang ở trình độ thấp nhất trong suốt 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp.
Xét về thành tích, vẫn có những mùa giải họ còn ở tình trạng tệ hơn, nhưng đó là thời điểm mà lứa U19 vừa được bầu Đức "liều" đẩy lên đá V-League các mùa 2015, 2016. Đó cũng là nguồn cơn của câu tuyên bố "cứ đá đẹp, có xuống hạng cũng được". Trong khi đó, bây giờ HAGL có muốn đá đẹp cũng chẳng được nữa và khả năng xuống hạng thì luôn có thể xảy ra.
Người ta đã nói nhiều về các vấn đề của HAGL kể cả khi những điều như vậy chẳng cần phân tích cũng đã lồ lộ ra đó. Sự quan tâm dành cho HAGL đến từ cái gọi là "khí chất" của một đội bóng, đúng kiểu "ngông" của bầu Đức. Nhưng bao năm qua, thứ "khí chất" đó nhợt nhạt, không chuyển đổi thành cá tính ở khía cạnh chuyên môn mà biến thành một thứ gì đó nặng về yếu tố thương mại, PR.
Đấy là điều đáng tiếc, thậm chí là đáng trách cho những người đang điều hành HAGL, bao gồm cả Kiatisuk. Bởi nói cho cùng, đã từng có lúc đội bóng này tạo ra niềm cảm hứng, nhận được kỳ vọng, đóng góp rất đáng kể cho giai đoạn hưng thịnh của nền bóng đá. Có một vài đội bóng nhỏ, một số doanh nhân trẻ đã lấy HAGL và cá nhân bầu Đức làm hình mẫu để bước chân vào bóng đá. Thế nên, sự lụi tàn (nếu có) của HAGL đem đến ảnh hưởng không tích cực.
Đó chính là điều đáng suy nghĩ. Việc HAGL sa sút thì đó cũng là điều bình thường. Bởi đâu chỉ có họ, mà còn Bình Dương hay SHB Đà Nẵng cũng đang lao dốc không phanh. Trong bóng đá có thịnh suy, nên mùa này kém hay mùa sau tốt, không có vấn đề gì cả.
Cái đáng nói là thái độ thiếu động lực thi đấu của HAGL. Họ đâu có đá đẹp để bảo là "thua cũng sướng". Với 3 năm cầm quân, dấu ấn của Kiatisuk gần như không có nếu khắt khe so sánh danh tiếng của ông với những người cũ khác của HAGL như Dương Minh Ninh, Ngyễn Quốc Tuấn. Vậy nhưng không có bất kỳ động thái nào thay đổi về chuyên môn.
Trong khi đó, Bình Dương thay HLV đến 3 lần, SHB Đà Nẵng còn buộc lòng chia tay HLV Phan Thanh Hùng, riêng HAGL thì Kiatisuk vẫn ngồi đó và đội thì cứ chơi kém. Nói cách khác, HAGL có thể còn tệ hơn nữa.
Câu chuyện tại HAGL đang đặt ra vấn đề về động lực thi đấu của V-League. Phải chăng mỗi mùa chỉ có 1 suất xuống hạng khiến cho nhiều đội bóng chẳng phải lo ngại, nhất là những đội đã từng vô địch như Bình Dương, Đà Nẵng hay HAGL? Những khoản đầu tư nhiều nhất, thường xuất hiện ở các đội chưa từng vô địch.
Khi một giải đấu mà có quá ít đội muốn đua vô địch, thì sẽ xuất hiện nhiều đội "đá cho vui", điều này dẫn đến các hệ lụy không tốt cho giải cũng như sự phát triển của nền bóng đá. Làm sao biết bao nhiêu trận đấu là đá thật khi động lực thi đấu không được nhìn thấy. Làm sao có thể đánh giá trình độ của HAGL nếu như việc họ thua đội hạng Nhất PVF – CAND chỉ vì không cố đá hết sức. Chúng ta nhìn thấy nỗi thất vọng của Nguyễn Tuấn Anh sau trận thua trên sân Pleiku, nhưng có bao nhiêu thành viên của HAGL cùng thứ cảm xúc đó?
Những gì diễn ra ở HAGL đặt ra một viễn cảnh không tốt lắm cho bóng đá Việt Nam. Họ từng có một lứa trẻ tốt, có lò đào tạo danh tiếng, nhưng càng đi càng chậm lại. Thất bại của HAGL về mặt thành tích có thể là lý do mà ở V-League hiện nay, khi nói đến chuyện đua vô địch là nói đến số tiền đầu tư "khủng", cái yếu tố như đào tạo hay phát triển cầu thủ trẻ gần như không còn được quan tâm.
HAGL là đội bóng có những đột phá, thử nghiệm về khía cạnh kinh doanh thương hiệu để lấy tiền nuôi bóng đá, nhưng nếu mọi thứ ở đội bóng do Kiatisuk dẫn dắt tiếp tục tệ hơn, thì sẽ tác động rất lớn đến những ý tưởng về đầu tư trong bóng đá.
Tags