(Thethaovanhoa.vn) - Lạch Tray, hay dân trong nghề vẫn gọi đơn giản là Tray, quả không hổ danh “chảo lửa” đúng nghĩa. Nếu kỷ nguyên V-League với Hải Phòng bắt đầu được tính từ năm 2008, thì thành phố Hoa phượng đỏ cũng chính là kinh đô bóng đá. Được tựa lưng vào khán đài Lạch Tray để chiến đấu cho niềm tự hào bóng đá Hải Phòng là vinh dự mà không phải ai cũng có.
“Suốt sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, tôi chưa từng cảm nhận bầu không khí cổ động nào mãnh liệt như ở Lạch Tray. Cảm hứng từ khán đài truyền xuống, giúp cho cầu thủ chơi rất bốc, rất máu lửa và thậm chí, có thể hy sinh ngay trên sân cũng được. Bạn phải là một phần của bóng đá Hải Phòng, một phần của Tray, mới cảm nhận được”, cựu tiền đạo ĐTQG và CLB Hải Phòng, Nguyễn Quang Hải, từng chia sẻ như thế với Thể thao & Văn hoá.
Quang Hải không phải là người địa phương và anh chỉ dừng chân tại Lạch Tray đôi ba năm, cũng có thể gọi là một chương trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp hơn chục năm. Quang Hải yêu Hải Phòng và người Hải Phòng cũng yêu Quang Hải.
VIDEO: Hải Phòng 1-1 Đà Nẵng: Xem lại các tình huống va chạm đầy bạo lực trên sân Lạch Tray
Bóng đá Hải Phòng trong quá khứ vốn dĩ đã có truyền thống máu lửa, thậm chí từng bị xem là đá xấu nhất Việt Nam. Ví như Cảng Hải Phòng hay Sông Cấm. Thời bóng đá bao cấp, Hải Phòng là địa phương có số lượng đội bóng chơi ở các giải đấu hạng cao nhất Việt Nam vào hàng kỷ lục. Nếu Nam Định được hay vùng Thanh - Nghệ được ví là đất học, thì Hải Phòng chính là vùng đất của bóng đá và tiêu biểu sắc đẹp phụ nữ Việt Nam.
Ngay mùa giải đầu tiên trở lại V-League 2008, Hải Phòng đã xuất sắc đoạt HCĐ, với màn thể hiện rực một sắc đỏ, màu của máu và màu của hoa phượng. Hơn một thập kỷ qua đi, bóng đá Hải Phòng từng có lúc lỗi nhịp như việc phải mua lại suất chơi V-League của K.Khánh Hòa, nhưng về cơ bản, đời sống bóng đá nơi này vẫn rất cuồng nhiệt, không lẫn vào đâu được. Từ triều đại Vương Tiến Dũng đến hậu bối Trương Việt Hoàng lúc này.
Nếu Hải Phòng là duy nhất, là... “không lòng vòng”, thì Lạch Tray cũng chính là một đặc sản mà các đội bóng đã, đang và sẽ đến đây cảm thấy rùng mình. Trước là bởi bầu không khí cổ động rực lửa, là hù doạ, thậm chí chửi bới, gây ức chế..., sau dưới sân là màn tỉ thí võ nghệ, là tay-chân-miệng, là đầy đủ hỉ-nộ-ái-ố. Một giai đoạn dài, mặt sân Lạch Tray còn được xem là một lợi thế, một vũ khí chiến thắng của Hải Phòng, khi cảm giác nó được xới lên tựa đám ruộng cày dở.
Cuối tuần rồi, SHB Đà Nẵng của HLV Lê Huỳnh Đức đã trải qua cảm giác ghê người này, khi đến Tray làm khách. Tiến Dụng và một số cầu thủ trẻ của đội bóng bên bờ sông Hàn trở nên quá non nớt, bị khiêu khích và rồi manh động, dẫn đến việc ăn thẻ.
Huỳnh Đức rõ là đã biết trước điều này và hẳn cũng đã căn dặn học trò rất kỹ, nhưng bóng đá với rất nhiều những tình huống của trận đấu, kể cũng khó nói trước và nói hay cho được. Đấy là một trận đấu thừa tiểu xảo và các biểu hiện bạo lực, nhưng lại thiếu chuyên môn.
Trong sự nghiệp chơi bóng, trợ lý HLV Nguyễn Việt Thắng của SHB Đà Nẵng cũng từng trải qua bao nỗi ám ảnh ở Lạch Tray. Có một bận, Thắng kể, cả đội bóng phải chờ hiệu lệnh của HLV Calisto để được “phang thẳng” bất cứ cầu thủ nào của Hải Phòng chơi tiểu xảo, bạo lực. Nhờ đó mà Long An của Việt Thắng và của ông Calisto kéo lại được 1 điểm rời Lạch Tray. Chuyện cũng đã xảy ra hơn chục năm về trước, cho đến cuối tuần vừa qua, thì Việt Thắng lại một lần nữa phải đối diện với cảnh này.
Không ai cổ suý các hành vi bạo lực, bởi nó chỉ là xấu xí hình ảnh của một trận bóng đá và của cả giải đấu. Nhưng cũng cần phải hiểu rằng, bóng đá là tiểu xảo, là tinh quái.
Tổ trọng tài của trọng tài chính Trần Trung Hiếu không thể nói là đã kiểm soát tốt trận đấu. Vị vua áo đen người Nam Định thậm chí còn phạt nhầm thẻ, đuổi nhầm người với trường hợp của Trịnh Văn Lợi và Nguyễn Hữu Phúc. Trận đấu liên tục bị xé lẻ, vỡ vụn và ngắt quãng bởi những tranh cãi sau các tình huống va chạm của cầu thủ 2 đội.
Một V-League rất xấu xí và hoàn toàn không có lợi cho việc quảng bá hình ảnh. Lạch Tray, kinh đô bóng đá hay nỗi ám ảnh?! Có lẽ là cả 2. Nếu bạn không tin, hãy hỏi 13 đội bóng còn lại của V-League, hẳn sẽ có câu trả lời.
Tùy Phong
Tags