(Thethaovanhoa.vn) - Wake-up 247 V-League 2019 mới khởi đi 5 vòng nhưng đang “nóng”. Nếu nóng bởi chất lượng chuyên môn thì hẳn vui. Đằng này lại nóng lên câu chuyện cũ, đã rất cũ. Đấy là chuyện trọng tài (TT).
Những ồn ào liên quan đến công tác này đến hẹn lại lên. Nó bây như là nỗi ám ảnh của nhà tổ chức và điều hành bóng đá Việt Nam. Bàn thắng gây ra tranh cãi ở trận Bình Dương gặp Viettel. Thẻ đỏ rút nhầm người trên sân Lạch Tray. Trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh cho dù không có đơn vị quản lý vẫn được sử dụng. Cùng với đó là những quyết định gây ra tranh cãi, cộng với cái đầu nóng của cả cầu thủ, lãnh đạo các đội bóng.
Hãy thử nhìn lại 5 vòng đấu đã qua của V-League 2019, đúng là công tác trọng tài có những sai sót nhất định. Sai sót trên cả khía cạnh quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Những cái sai đó do chủ quan, do nhận định, do năng lực hay do tư tưởng. Tất cả cũng cũng đã là câu hỏi quá cũ.
VIDEO: Hải Phòng 1-1 Đà Nẵng: Xem lại các tình huống va chạm đầy bạo lực trên sân Lạch Tray
Nhưng nhìn cái cách HLV, cầu thủ và lãnh đạo của các đội bóng gồng mình lên như thế, thậm chí nhảy cả vào sân xô đẩy tranh cãi, là điều gì đó khó chấp nhận. Đó không phải là cách hành xử chuyên nghiệp và trọng luật.
Trọng tài sai đã đành, thì cầu thủ và lãnh đạo đội bóng cũng không nên dùng cái sai khác để sửa. Nguy hiểm là chỗ đó và bạo lực sân cỏ cũng có mầm mống từ những hành vi đó. Không phải tự nhiên, sau chặng khởi đầu, đã dấy lên những lo ngại chuyên môn thì kém, nhưng bạo lực sân cỏ đã có dấu hiệu tái hiện.
Những lớp tập huấn đầu mùa, những buổi kiểm tra và sơ kết giữa mùa, không hề thiếu các biện pháp rèn giũa và nâng cao nghiệp vụ như thế. Rồi biết bao nhiêu vụ việc đã xảy ra như những lời cảnh báo. Tất cả đều mới mẻ, như chỉ ngày hôm qua, nhưng những sai sót và ồn ào tiếp tục tái diễn. Vì sao?
Câu hỏi này xin được dành cho ban điều hành và giới trọng tài trong nước. Chỉ có chính bản thân họ mới trả lời xác đáng và khách quan nhất. Cũng chính bản thân họ mới là người tạo ra cho mình những miễn nhiễm và hàng rào để bảo vệ mình đấy thôi.
Sự miễn nhiễm và lớp lang bảo vệ đó, phải được xây dựng trên năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Suy cho cùng chính bản lĩnh chuyên môn chưa thật sự vững vàng, hay chính cái uy chưa đủ độ nghiêm và minh của nhiều ông vua sân cỏ, đã không làm cầu thủ đủ tôn trọng và tâm phục. Đá xấu, đá láo và đá tiêu cực, hay những hành xử không chuyên nghiệp cũng từ đó mà ra. Bởi thế, trọng tài chỉ có bản lĩnh thật cứng thì mới mong có cách cầm còi công tâm để ngăn chặn những hành vi xấu.
Có một dạo cái câu “Bóng đá nào, trọng tài nấy” nghe như có lý. Nó có lý trong bối cảnh mà tất cả đã không tạo ra môi trường thật sự chuyên nghiệp của các cơ quan chủ quản. Đồng thời nó cũng phản ánh rất thật câu chuyện học hỏi, trau dồi, lắng nghe và cầu thị của trọng tài.
Bóng đá nước nhà đang ở vào giai đoạn mới, với những phát triển đầy hứa hẹn. Trong khi tất cả đều chúng tay để làm mọi thứ tốt hơn thì giới trọng tài không thể đứng ngoài guồng quay đó. Trọng tài phải tự thân nhìn lại mình, khi họ đang bị soi từ nhiều phía.
Chính bản thân họ cũng phải tự kiểm điểm, để trả lời cho câu hỏi, vì sao trọng tài lại bị chỉ trích. Chế độ đãi ngộ cao hơn cho tương xứng với công việc, điều kiện làm việc và trang bị phục vụ cho công việc được đầu tư, tất cả đều là những yếu tố rất cần.
Cái cần hơn, không khác gì ngoài việc đã dấn thân với nghề này, họ phải thật sự đổi thay trong cung cách cầm còi, trong suy nghĩ lành mạnh, thể hiện năng lực bản thân. Mọi hành động đều bắt nguồn và chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng, vậy nên ý thức nghề nghiệp theo hướng tiến bộ, mới là điều cần nhất lúc này.
Chuyên môn chưa để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, khán giả vào sân cũng dần thưa thớt, vòng đấu thứ 5 ghi nhận 4 thẻ đỏ được rút ra, bên cạnh là những tranh cãi, ồn ào với sai lầm đến từ công tác trọng tài. Đừng để V-League phải lao đao bởi hành vi bạo lực và sai sót của các vị vua sân cỏ.
Trần Tuấn
Tags