Những cái tên ở bán kết chẳng có gì xa lạ. Tổng số lần vô địch của họ đã lên đến 9, chỉ trừ Indonesia chưa bao gờ đăng quang dù vào chung kết đến tận 6 lần. Thế nên, chuyện thắng thua ở bán kết tùy vào mức độ khao khát vinh quang chứ không hẳn là các đánh giá về tương quan lực lượng.
Khát khao như Indonesia và Việt Nam
Với đội bóng xứ Vạn đảo, thắng AFF Cup 2022 sẽ chính thức mở ra cho họ một đại lộ niềm tin, thậm chí là cả sự cứu rỗi cho nền kinh tế số 1 khu vực về khía cạnh thể thao. Tính từ khi đoạt HCV SEA Games 1991 trên sân nhà đến nay, bóng đá Indonesia chưa từng có danh hiệu nào tại SEA Games và AFF Cup dù đã có tổng cộng 10 lần vào chơi các trận chung kết.
Nghĩa là so với Việt Nam, sự chờ đợi vinh quang của Indonesia còn khủng khiếp hơn. Việt Nam trở lại với bóng đá khu vực từ SEA Games năm 1991 nhưng đến nay đã thắng 2 danh hiệu AFF Cup và 2 HCV SEA Games dù chỉ vào chung kết 11 lần.
Nghĩa là câu chuyện không chỉ nằm ở thành tích bóng đá mà còn mang ý nghĩa với cả một quốc gia. Mấy thập niên qua, gần như Indonesia chẳng còn gì để so sánh với bóng đá Thái Lan vì sự hơn thua là quá rõ ràng. Nhưng khi Việt Nam trỗi dậy như một quyền lực mới của bóng đá khu vực, thì cái cảm giác tụt hậu mới ám ảnh xứ Vạn đảo, như kiểu tại sao họ làm được mà ta thì không.
Chuyện gì còn có cái để giải thích, nhưng lĩnh vực bóng đá thì không. Bởi Indonesia vẫn tự hào có lượng CĐV yêu bóng đá lớn nhất khu vực, truyền thống bóng đá vàng son và chắc chắn là không hề kém cạnh về đầu tư. Đến mức, giải vô địch quốc gia của họ có lúc còn chia thành nhóm khác nhau, trong khi mức độ hâm mộ thì cuồng nhiệt chẳng phải bàn cãi.
Cái khao khát đó chính là sức mạnh nhưng cũng là điểm yếu của Indonesia. Nó khỏa lấp một vài khiếm khuyết về trình độ chơi bóng của các thế hệ cầu thủ gần đây vốn không đủ chất lượng như hồi thập niên 80 thế kỷ trước, nhưng cũng chính nó đã khiến cho Indonesia dễ vấp ngã ở các thời điểm quyết định khi sự quyết tâm quá mức bóp chết cảm xúc chơi bóng đĩnh đạc cần thiết ở một nhà vô địch.
Tóm lại, nếu biết kiểm soát được… cái đầu của mình, thì đội bóng của HLV Shin Tae Yong đủ khả năng vô địch AFF Cup năm nay. Nhưng như đã thấy, Indonesia đã không vượt qua được điều đó khi để Thái Lan cầm hòa tại vòng bảng. Khi cần tỉnh tảo, họ lại vẫn cứ sốc nổi.
Hơn nữa, Indonesia có vấn đề nghiêm trọng trên hàng công khi chẳng có chân sút đáng giá nào. Thật khó tin nếu một đội bóng vô địch mà lại thiếu tay săn bàn chủ lực. Ngay như Việt Nam hồi năm 2018, có đội hình chất lượng nhưng vẫn cần một "lão tướng" Anh Đức để giải quyết vấn đề ghi bàn. Hiện đã có 9 bàn sau 4 trận nhưng Indonesia không có cầu thủ nào ghi quá 2 bàn, trong khi 3 đội còn lại ở bán kết đều có.
Với Việt Nam, sự khao khát mang một ý nghĩa khác hẳn. Đây là giải đấu cuối cùng mà HLV Park Hang Seo cầm quân và các học trò của ông thì chỉ muốn làm một việc: Chiến thắng để dành tặng ông thầy đáng quý. Chuyện vô địch là lẽ đương nhiên, vì 5 năm qua, chúng ta vẫn đang ở tư cách của đội bóng mạnh nhất khu vực.
Nghĩa là dù khao khát chẳng kém gì Indonesia, nhưng Việt Nam tương đối có sự chủ động hơn trong các chọn lựa của mình. Mục tiêu của chúng ta là vô địch, còn làm thế nào thì sẽ tính toán từng trận. Ngược lại, Indonesia hiện nay chỉ muốn thắng mọi trận đấu, mọi đối thủ để thể hiện sức mạnh và lòng quyết tâm. Đó chính là sự khác biệt có thể quyết định thành – bại ở trận bán kết.
Sự nhẫn nhịn của Thái Lan
Thái Lan và Malaysia là một cặp đấu rất khó dự báo bởi có một sự "kỵ - giơ" nhất định giữa họ. Kể cả khi Thái Lan có ở lúc mạnh nhất, thì Malaysia vẫn đủ sức gây khó dễ. Nói đúng hơn, phong cách chơi bóng giàu sức mạnh và không chiến kiểu Anh của Malaysia hay Singapore không dễ để Thái Lan đối phó, vì "Voi chiến" vẫn quen chơi phối hợp khu vực và thể hình của cầu thủ họ không quá vượt trội ở Đông Nam Á.
Với một đội hình không có ngôi sao tại AFF Cup năm nay, Thái Lan càng không thể tự tin vào một chiến thắng trước Malaysia ở bán kết. Nhưng cũng vì vậy, càng không thể nói là Malaysia có cơ hội để hạ gục người Thái dễ dàng. Điểm khác biệt vẫn nằm ở… cái đầu.
Thái Lan hiện nay rất thoải mái về tâm lý. Họ vốn đã không còn muốn thắng AFF Cup bằng mọi giá, nên kể cả khi thất bại thì chẳng có vấn đề gì quá lớn, nhất là với một HLV chưa phải là "lựa chọn tối ưu" như Alexander Polking.
Các cầu thủ Thái Lan hiện nay, dù là chất lượng không bằng, nhưng các phẩm chất chơi bóng và đặc biệt là về bản lĩnh thi đấu hoàn toàn không có khác biệt lớn với các ngôi sao không góp mặt. Họ có thể chơi theo kiểu "biết người, biết ta" chứ không áp đặt thế trận, nhưng đó cũng chính là sự nguy hiểm của người Thái, mà Indonesia vừa trở thành "nạn nhân". Thái Lan ở AFF Cup 2022 có thể không thắng được mọi đối thủ, nhưng để đánh bại họ, thì chẳng hề đơn giản.
Tuy nhiên, nếu nghiêng về Malaysia cho chiến thắng ở bán kết thì cũng không có gì bất ngờ. Đội bóng này vốn không ngại Thái Lan, mà ở tình thế hiện nay, thì người Thái cũng không mạnh. Malaysia cũng đang có một HLV là người Hàn Quốc, ông Kim Pan Gon, người vừa đưa đội tuyển nước này giành quyền dự Asian Cup 2023, lần đầu tiên sau 42 năm. Khả năng tiến bộ của Malaysia còn khá rộng mở và xem cách họ đánh bại Singapore 4-1 để vào bán kết cũng thấy khả năng bùng nổ của họ.
Cũng đã rất lâu, tính từ năm 2008 đến nay, thì AFF Cup mới có vòng bán kết hấp dẫn và cân bằng đến vậy. Hai cặp đấu giữa các đối thủ có nhiều sự tương khắc, hứa hẹn cũng sẽ có một trận chung kết rất đáng chờ đợi. Trong 4 cái tên, nếu nói ai xứng đáng hơn để vào chung kết cũng khó bởi mỗi đội bóng đều có những điểm mạnh rất riêng.
Hơn nữa, với thể thức sân khách sân nhà thì chuyện thành bại cũng không dễ phán định vì còn tùy vào khả năng tận dụng ưu thế sân nhà và đặc biệt là các toan tính của những HLV giàu kinh nghiệm với 3 người Hàn Quốc và một người đang là nhà ĐKVĐ giải đấu.
Tất nhiên, kịch bản thú vị nhất là Việt Nam sẽ vào chung kết và gặp Thái Lan hoặc Malaysia. Đó là một sự trùng hợp thú vị bởi trong 2 lần vào chung kết gần nhất (2008, 2018) thì chúng ta đều gặp 2 đối thủ này và đều giành chiến thắng sau cùng.