(Thethaovanhoa.vn) - Ngoại trừ bảng G, nơi cuộc đua tấm vé trực tiếp vẫn chưa ngã ngũ, các trận đấu đáng chú ý đêm thứ Ba còn lại phần lớn hướng về cuộc đua giành vị trí nhì bảng để tham dự loạt trận play-off tranh vé vớt đến Qatar.
Cùng giờ với trận đại chiến Hà Lan-Na Uy, đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ bước vào trận đấu trên đất Montenegro trong những hy vọng, từ lạc quan nhất là ngôi đầu bảng cùng tấm vé trực tiếp đến Qatar cho đến kịch bản kém khả quan hơn là vị trí nhì bảng để tranh vé vớt.
Thổ Nhĩ Kỳ: Xây chắc ngôi nhì, chờ bất ngờ
Việc chỉ xếp thứ hai bảng G tính đến thời điểm hiện tại không phải những gì thầy trò Stefan Kuntz mong đợi, nhưng ít nhất mọi thứ đáng ra có thể đi theo chiều hướng xấu hơn. Sau hai trận mở màn vòng loại ấn tượng khi đánh bại cả Hà Lan lẫn Na Uy, phong độ của Thổ Nhĩ Kỳ có chiều hướng xấu đi với trận hòa Latvia trước khi trải qua kỳ EURO 2020 tệ hại khi phải dừng bước vòng bảng sau 3 trận toàn thua. Hậu quả: Senol Gunes mất ghế, nhường chỗ HLV Kuntz tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ. Vị HLV 59 tuổi này không giúp Thổ Nhĩ Kỳ giành chiến thắng khi gặp lại Hà Lan lẫn Na Uy, nhưng 3 chiến thắng trong 5 trận gần nhất là đủ để thầy trò Kuntz chiếm lấy vị trí thứ hai khi cả Hà Lan lẫn Na Uy đều mất điểm ở lượt đấu trước đó.
Điều may mắn cho Thổ Nhĩ Kỳ, dẫu chỉ đứng thứ hai ở bảng G, kém Hà Lan 2 điểm và bằng điểm Na Uy, là họ nắm quyền tự quyết trong tay. Chỉ cần đánh bại Montenegro, đội tuyển đã không còn động lực thi đấu, thầy trò Kuntz sẽ đảm bảo ít nhất một chỗ cho loạt trận tranh vé vớt vào tháng Ba tới. Muốn nghĩ đến kịch bản tốt hơn lại là một câu chuyện đầy thách thức. Ghi tối thiểu 13 bàn thắng vào lưới Montenegro giống một kịch bản trong trò chơi điện tử bóng đá hơn là một trận đấu ngoài đời thực. Đấy là những gì thầy trò Kuntz cần làm, trong lúc cần Hà Lan không giành chiến thắng trước Na Uy. Còn nếu không muốn phải làm nhiệm vụ nặng nề ấy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trông chờ đội tuyển của HLV Van Gaal thất bại trước Na Uy, trong lúc cần ghi nhiều hơn cách biệt Na Uy tạo ra để đảm bảo vị trí đầu bảng. Kịch bản nào trong hai giả thiết nêu trên xảy ra đều sẽ là một cơn chấn động lớn ở bảng G vốn đã căng thẳng ngay từ khi lượt trận đầu tiên khởi tranh.
Thách thức cho Phần Lan, bảng E dễ thở
Pháp và Bỉ đã đảm bảo vị trí ngôi đầu bảng D và E, đồng nghĩa đóng chặt luôn mọi cơ hội giành vé trực tiếp dự World Cup 2022 cho các đội bóng còn lại của bảng đấu. Mục tiêu thực tế nhất là vị trí thứ hai để bước vào một cuộc đua kéo dài thêm hai trận tranh vé vớt nữa vào năm tới.
Câu chuyện vị trí thứ hai ở bảng D xem chừng khốc liệt hơn cả. Phần Lan đang nắm giữ vị trí này, nhưng chỉ hơn đội xếp thứ ba Ukraine hai điểm. Quan trọng hơn cả, đội bóng của HLV Markku Kanerva sẽ bước vào trận đấu không hề đơn giản với Pháp. Nhà ĐKVĐ World Cup đã chắc suất và không cần thiết phải tung ra đội hình mạnh nhất ở lượt đấu cuối, nhưng đánh bại một tập thể nhiều ngôi sao của Pháp không hề dễ dàng với đại diện Bắc Âu. Sau khi đã làm nên lịch sử với tấm vé dự kỳ EURO lần đầu tiên trong lịch sử, thầy trò Kanerva chắc chắn muốn lặp lại kỳ tích đội tuyển Iceland từng làm được cách đây chưa lâu: Lần đầu tiên dự liên tiếp các giải đấu lớn lần lượt là EURO 2016 và World Cup 2018. 3 điểm trước Pháp là nhiệm vụ bắt buộc, nếu không muốn phải cầu nguyện Bosnia cản bước Ukraine chiếm lấy vị trí thứ hai.
Tình hình tại bảng E xem chừng dễ thở hơn, bởi Wales và CH Czech thật ra đều đã giành quyền tham dự loạt trận tranh vé vớt qua cửa hai đội bóng có thành tích tốt nhất tại Nations League. Vậy đâu là ý nghĩa cho hai đội ở lượt trận cuối? Vị trí nhì bảng sẽ đảm bảo vị thế hạt giống cho một trong hai đội tuyển này khi bước vào buổi lễ bốc thăm cho loạt trận tranh vé vớt sắp tới. Wales chỉ cần một điểm trước Bỉ là đủ để đảm bảo vị trí nhì bảng, nhưng CH Czech lại có lợi thế chỉ phải gặp một Estonia chẳng còn động lực chiến đấu. Không ai dám chắc Bỉ sẽ chơi với thái độ nào ở lượt đấu cuối cùng, dẫu cho phần lớn các trụ cột sẽ được HLV Roberto Martinez cho nghỉ ngơi.
Đức Hùng
Tags