Năm nay, các gian hàng bán bánh Tết của người Hoa lại được dịp rầm rộ vì độ bắt mắt, hấp dẫn không thể cưỡng nổi.
Khu Chợ Lớn dịp cận Tết không thể nào nhộn nhịp hơn với biết bao hoạt động buôn bán đủ thể loại hàng hoá. Nào là trái cây, thức ăn truyền thống hay đồ cúng tấp nập khắp mọi nẻo đường. Thế nhưng ngày Tết ở khu người Hoa lại có thêm một "đặc sản" mà chỉ một năm mới có một lần, đó là các loại bánh Tết thơm ngon, cầu kỳ của người dân.
Nơi nổi tiếng bán những loại bánh hấp dẫn này chính là khu chợ đông đúc bậc nhất khu vực quận 5 - chợ Phùng Hưng. Ngoài cà phê Ba Lù nổi tiếng thì chợ Phùng Hưng ngày Tết còn thu hút thực khách bằng những hoạt động buôn bán, làm bánh vô cùng hấp dẫn.
Trong số những món bánh rực rỡ của khu này thì loại bánh trái lựu hay còn được gọi là bánh túi tiền là món bánh được nhiều người tìm đến nhất. Từ đợt Tết Dương lịch là các TikToker đã xôn xao về món bánh độc đáo này của người Hoa. Nên càng gần đến Tết Nguyên đán thì món bánh tượng trưng cho việc mang đến tài lộc này càng được đắt hàng hơn gấp bội.
Ngay trong gian hàng bánh, những người dân lành nghề đang chăm chút trang trí, cắt tỉa bánh cho thật đẹp mắt. Sau đó sẽ đem ra phía trước để bán cho thực khách.
Bánh được tạo hình giống trái lựu nên mới có thêm tên là bánh lựu đỏ, có thành phần chính là bột gạo hoặc bột mì được nhào với mạch nha. Nhân bánh là nhân ngọt gồm đường thẻ, đậu phộng rang trộn cùng cốm nếp. Bánh được những người thợ trên đường phố khéo léo nắn tròn, phủ thêm lớp mè trắng rồi cẩn thận tỉa hình cánh hoa trước khi cho vào chảo dầu chiên nóng hổi.
Bánh túi tiền để được khá lâu, theo chia sẻ của người bán thì món bánh này có thể để được qua rằm tháng Giêng. Không những vậy, cách ăn của món bánh này khá đặc biệt. Phần bông hoa màu đỏ phía trên bánh chỉ dùng để trang trí nên rất cứng và không ăn được. Người ta chỉ bẻ phần bánh phía dưới để ăn.
Loại bánh này khi lắc nhẹ nghe có tiếng động bên trong tượng trưng cho túi vàng, một vật thể hiện ước muốn của những người làm nghề kinh doanh, dịch vụ.
Ngoài ra còn có những mẻ bánh được tạo hình thành bánh gối hay bánh dẹp. Người bán tại sạp bánh chia sẻ mỗi địa phương của người Hoa sẽ có cách làm bánh khác nhau nên bánh túi tiền cũng có hình dáng khác nhau.
Phần lớn nhân các loại bánh là nhân chay, thường là nhân dừa hay nhân đậu.
Phổ biến không kém chính là món bánh tổ có màu vàng ươm cực đẹp mắt, nhìn vào y hệt như một đồng xu khổng lồ. Sở dĩ có món bánh tổ có hình dáng "mướt mắt" như vậy nhờ được làm từ bột nếp mịn pha với đường mật, trên có in chữ đỏ rồi hấp chín. Vì bánh có độ dẻo và dính cao nên bánh trong ý nghĩa của món bánh này trong tiếng Hoa cũng có nghĩa là "bánh dính", cầu mong con cháu gia đình sẽ gắn kết lại với nhau. Tuy món bánh nếp này có hình thức đơn giản nhưng không bao giờ thiếu trong mâm cúng năm mới của người Hoa.
Bánh tổ còn có tên gọi và hình dáng tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng của cả năm.
Những ngày giáp Tết hay trong Tết, không khó để bắt gặp những chiếc bánh tổ vàng cam được bày bán. Bánh Tổ thường để được rất lâu, có thể nửa tháng tới một tháng. Có thể ăn ngay hoặc ngon nhất là khi chiên lên ăn.
Một người bán tại chợ cho hay: "Những loại bánh này đã là truyền thống mấy trăm năm nay rồi, nhưng bây giờ có mạng xã hội, quay TikTok nên các loại bánh này mới được nhiều người biết đến."
Thêm một loại bánh cũng hấp dẫn không kém chính là bánh phát tài. Thoạt đầu, món bánh này nhìn khá giống bánh bò hay bánh bông lan của người Việt. Một phần cũng khá giống vì nguyên liệu chính của bánh là từ bột gạo lên men, được nướng hoặc hấp cho đến khi xòe thành bốn múi như bông hoa. Bánh thường được người Hoa cúng trong dịp năm mới để mong cầu thịnh vượng, may mắn trong công việc làm ăn.
Mọi năm, những ngày cận Tết là thời điểm đông người đến các khu chợ người Hoa để mua bánh, nhiều gia đình còn mua hẳn vài cân bánh để dùng dần xuyên suốt cho đến rằm tháng Giêng. Những món bánh này được xem như một thức quà mời khách đến nhà thay cho lời chúc bình an đầu năm.
Tags