Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, "Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tri thức dân gian Vovinam - Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh" chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, UBND TP.HCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Liên đoàn Vovinam thành phố hoàn thiện lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể Việt Võ Đạo.
Quyết định trên cũng được giao cho Chủ tịch UBND các cấp, nơi có Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tri thức dân gian Vovinam - Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh," trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.
Hành trình phát triển 85 năm
Việt Võ Đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội. Đến năm 1960, cố võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Trưởng môn, tiếp tục sự nghiệp quảng bá, phát triển Vovinam. Ông cùng các võ sư tìm tòi, nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện, qua đó xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ của Việt Nam.
Năm 2010, Hội đồng võ sư Chưởng quản môn phái Vovinam ra đời đánh dấu chặng đường mới của võ Việt. Cố võ sư Chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu đã cùng các võ sư đưa Vovinam lan tỏa mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế khắp năm châu.
Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ, Vovinam - Việt Võ Đạo đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Việc thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới năm 2008 tạo bước ngoặt cho sự phát triển phong trào Vovinam toàn cầu, khi Liên đoàn Vovinam các châu lục được thành lập ở châu Á, châu Âu, châu Phi…
Từ đó, hệ thống thi đấu quốc tế như giải vô địch các châu lục, vô địch thế giới diễn ra thường xuyên và ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng. Đến nay, Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hơn 2,5 triệu võ sinh tham gia luyện tập. Đáng chú ý, trong đó, nhiều quốc gia có phong trào tập luyện và thi đấu Vovinam rất mạnh và hoàn toàn có thể cạnh tranh với Việt Nam như Algeria, Campuchia...
Vovinam cũng đã trở thành môn thể thao truyền thống ở đấu trường SEA Games khi tổ chức ở 4 kỳ SEA Games 26 tại Indonesia (năm 2011), SEA Games 27 tại Myanmar (2013), SEA Games 31 tại Việt Nam (2022), SEA Games 32 tại Campuchia (2023) và đang được vận động tổ chức ở SEA Games 33 tại Thái Lan (2025).
Sau khi Vovinam được đưa vào vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, ông Mai Hữu Tín chia sẻ: "Việc Vovinam được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả của bao thế hệ môn sinh Vovinam trong quá trình 85 năm hình thành và phát triển môn phái. Đây là bước đi phải có để tiến tới, đưa Vovinam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới".
Kế hoạch phát triển trong tương lai
Trong tương lai, Liên đoàn Vovinam Việt Nam có chiến lược giữ gìn, bảo vệ và phát triển Vovinam ở cả trong nước và thế giới. Tại Việt Nam, Liên đoàn sẽ phát triển Vovinam ở khắp 63 tỉnh, thành phố và đẩy mạnh hơn nữa phong trào trong học đường cũng như nâng cao số lượng và chất lượng võ sinh.
Vào ngày 22/11 đến đầu tháng 12 tới, giải Vovinam vô địch thế giới năm 2023 sẽ được tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM. Hiện, giải đấu đã thu hút hơn 650 VĐV, HLV, lãnh đội và lực lượng trọng tài đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự. Liên đoàn hy vọng đây là dịp để phát triển phong trào Vovinam thế giới.
Ngoài ra, một mục tiêu quan trọng khác mà Liên đoàn Vovinam đang hướng đến là xây Học viện Vovinam, dự kiến đặt tại TP.HCM. Học viện này có quy mô đầu tư lên đến 20 triệu USD, hứa hẹn là nơi đào tạo Vovinam không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước trên thế giới.
Những điều cần biết về Vovinam
Võ Vovinam còn được gọi là Việt Võ Đạo. Đây là bộ môn có sự kết hợp giữa các môn phái võ thuật Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và môn vật cổ truyền nước ta. Võ Vovinam sử dụng nguyên lý Cương Nhu Phối Triển, ra đòn bằng các thế tay không, cùi chỏ, chân, gối.
Vovinam ra đời trong khoảng thời gian thực dân Pháp đang xâm lược nước ta. Môn võ này được công khai với mong muốn nâng cao khả năng tự vệ và chiến đấu cho nhân dân. Vì thế, Vovinam giúp người học biết cách xử lý tình huống nhanh nhạy khi đối thủ có vũ khí, thực hiện những lối phản đòn, khóa gỡ công phu hiệu quả.
Các bài tập của Vovinam tập trung vào các đòn dùng tay không, cùi chỏ, chân, đầu gối hoặc phối hợp với các loại binh khí như kiếm, đao, mã tấu, đao, côn, quạt… Các bài tập luyện dùng tay không kháng cự lại vũ khí, khóa gỡ hay phản công bằng đòn vật rất tốt cho việc tự vệ. Nổi bật, chuỗi 21 đòn chân tấn công là bài tập luyện riêng biệt của môn võ này.
Võ phục Vovinam
Từ năm 1938 đến năm 1964, Vovinam không có võ phục chính thức. Sau cuộc gặp mặt các võ sư Vovinam lần đầu tiên, tổ chức vào năm 1964, màu võ phục chính thức là màu lam. Tuy nhiên phân nhánh ly khai Việt Võ Đạo Federation dùng võ phục màu đen trong những năm 1973-1990. Từ năm 1990 cho đến nay, võ phục Vovinam trên toàn thế giới dùng thống nhất màu lam.
Võ phục Vovinam phía bên ngực trái có thêu logo môn phái, bên phải gắn bảng tên được phân theo cấp độ: khung xanh chữ vàng dành cho Lam đai, khung vàng chữ đỏ dành cho hoàng đai và khung đỏ chữ trắng cho hồng đai. Một số nơi còn thêu hình, chữ phía sau áo. Trong thi đấu, tất cả các võ sĩ yêu cầu bắt buộc mang đai.
* Các màu đai trong Vovinam
Võ Vovinam có tổng 5 màu đai chính. Mỗi màu trên đai lại có những ý nghĩa khác nhau:
- Đai xanh: Ý nghĩa là màu cho người bắt đầu tiếp cận, muốn tu dưỡng tinh thần võ đạo.
- Màu đen: Võ thuật và võ đạo bắt đầu chuyển vào bản thể, là nền tảng để môn sinh Việt Võ Đạo tu dưỡng thêm kiến thức và kỹ năng.
- Màu vàng: Tượng trưng đất, mang ý nghĩa là bản thể vững chắc của người môn sinh Việt Võ Đạo. Tinh thần võ đạo đã bắt đầu ngấm vào da thịt.
- Màu đỏ: Màu của máu và lửa thiêng, ý nghĩa của sự nhiệt huyết, khát vọng và tinh thần hào hùng. Màu đỏ là tượng trưng cho tinh thần võ đạo và võ thuật đã ngấm vào máu, luôn luôn hiện hữu và tỏa sáng trong người môn sinh Việt Võ Đạo.
- Màu trắng: Màu sự tinh khiết. Trình độ võ thuật và võ đạo đạt đến mức độ cao siêu, tượng trưng cho những tinh hoa môn phái võ thuật Vovinam.
Ts, Võ sư Võ Danh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới (WoMAU); Nguyên TTK WVVF 2008- 2016: "Phát triển Vovinam ra quốc tế là một phương tiện hiệu quả để quảng bá văn hóa Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ của người Việt. Thông qua việc tập luyện và thi đấu, cộng đồng Vovinam góp phần tạo ra hình ảnh tích cực về đất nước, với tinh thần thượng võ của dân tộc ta. Điều này không chỉ làm phong phú thêm cộng đồng võ thuật quốc tế mà còn giúp nâng cao uy tín và hình ảnh toàn diện của Văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc môn phái Vovinam Việt võ đạo được công nhận là di sản văn hóa của quốc gia giúp định danh và bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam. Qua việc phát triển ra quốc tế, nó mang lại cơ hội để chia sẻ, giao lưu văn hóa, tạo ra sự đa dạng trong cộng đồng võ thuật thế giới. Đồng thời, nó còn là nguồn động viên cho sự hòa nhập văn hóa và tăng cường hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế".