Như Thể thao & Văn hóa đã thông tin, nếu không có thay đổi đáng kể nào vào giờ chót, thì vovinam sẽ vắng mặt tại SEA Games 2025 sau khi BTC nước chủ nhà Thái Lan loại môn này ra khỏi chương trình thi đấu vốn có đến 44 môn thi cho dù có đến gần 6 quốc gia ủng hộ. Nỗi thất vọng của những người điều hành vovinam Việt Nam là dễ hiểu.
Nhưng câu chuyện này nên nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, bởi nói cho cùng, có thất vọng thì cũng chẳng giải quyết được gì. Nói cách khác, cần đánh giá sự kiện này như một thách thức mà vovinam phải đối mặt trong cuộc hành trình đưa võ Việt vươn ra thế giới. Khi "cửa ải" SEA Games, khi "sân nhà" Đông Nam Á vẫn chưa thể vượt qua và có chỗ đứng vững chắc, thì cần xem lại lộ trình châu lục và thế giới.
Lý là bởi có một thực tế, châu Á là "thánh địa" của các môn võ. Nghĩa là cuộc cạnh tranh của vovinam là cực kỳ gian khó. Riêng với Đông Nam Á, Thái Lan thì có muay Thái, Indonesia thì có pencak silat, những môn võ truyền thống của họ cũng đang mang tham vọng còn lớn hơn chúng ta. Nên về nguyên tắc, tìm cách "trì hoãn" sự phát triển của vovinam cũng là cách để họ giảm sự cạnh tranh cho các môn truyền thống của họ.
Thế nên, chẳng có con đường nào khác ngoài việc phải tạo cho vovinam có chỗ đứng rộng hơn, chắc chắn hơn trong đời sống võ thuật khu vực. Đưa một môn chơi mới mẻ vào sân chơi thể thao thế giới đã khó, với các môn võ thì còn khó hơn bởi rất nhiều quốc gia trên thế giới có võ truyền thống của mình. Điều đó vô tình tạo ra một số lượng quá lớn ở các sự kiện thể thao, nên quá trình chọn lựa sẽ chịu nhiều tác động hơn. Như đã nói, nếu không muốn bị bỏ qua như vậy thì chỉ còn cách làm sao để mặc nhiên phải được công nhận.
Đó là nói về khách quan, còn chủ quan thì cần phải đặt vấn đề: Liệu vovinam đã hội đủ các điều kiện để trở thành môn thể thao "không thể từ chối" tại các đấu trường lớn chưa? Vovinam đã phát triển khắp thế giới, hiện diện hơn 60 quốc gia, và cũng đã có giải vô địch thế giới.
Mặc dù vậy, kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2002, thì đến lần gần nhất vào năm 2023 thì cũng chỉ mới là lần thứ 7 của giải VĐTG vovinam. Đến lúc này, ứng dụng công nghệ vào thi đấu như kiểm ra điểm bằng camera hay giáp điện tử vẫn chưa được triển khai. Giải vì thế gần giống như ngày hội của vovinam bốn phương, tôn vinh võ Việt chứ chưa thực sự hoàn thiện như một môn thể thao hiện đại và phổ quát về tiêu chuẩn. Và điều đó, cũng là một lý do để người khác từ chối thừa nhận vị thế của vovinam.
Như đã nói, hãy nhìn đến các yếu tố tích cực. Thái Lan loại vovinam cũng có thể vì họ nhận thấy sự cạnh tranh và tốc độ phát triển của võ Việt. Mặt khác, vovinam vẫn có những "điểm yếu" trong quá trình trở thành môn thi đấu có tính chất quốc tế theo các tiêu chuẩn cơ bản về hệ thống giải đấu, số lượng VĐV chuyên nghiệp, khả năng ứng dụng công nghệ hay thậm chí là các "đại sứ" quốc tế để xác lập vị thế.
Rộng hơn nữa, nỗi thất vọng của vovinam cũng có thể xem là một phần trong các giới hạn đang làm chậm đà phát triển của thể thao Việt Nam nói chung trên hành trình vươn tầm đẳng cấp. Chúng ta vẫn đang làm thể thao đỉnh cao trên cơ sở nỗ lực kiên trì, dựa vào vốn tự có và năng lực đầu tư lớn, chiều sâu thì lại có giới hạn.
Sự phát triển của một môn thể thao cũng chẳng khác gì công cuộc tìm kiếm thành tích của VĐV. Chúng ta đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn trong bối cảnh mà chúng ta chưa thật sự tạo ra những đột phá để thay đổi trong nội tại của mình.
Tóm lại, thua keo này thì bày keo khác.
Tags