(Thethaovanhoa.vn) - Phạt 30 tháng tù giam, 20 triệu đồng chưa kể thời gian thử thách và án kỷ luật từ VFF, thậm chí cả AFC..., là những gì mà Trần Mạnh Dũng phải nhận vì tội đánh bạc.
Nếu so sánh với các mức án của đồng đội - đồng phạm khác (tất cả đều chỉ phải nhận án tù treo), cảm giác có chút nặng nề với Trần Mạnh Dũng. Nhưng...
Chúng ta, giới truyền thông không thể làm thay hoặc làm lại công việc của Toà án và suy cho cùng thì những người phạm tội đã phải chịu hình phạt đích đáng. Nhưng cảm giác nghèn nghẹn là có thật.
“Nuốt hận vào trong”
“Tôi cho rằng, việc mình làm gây nên tội lớn, mình phải chịu. Nhưng, đừng đổ hết tội nợ lên đầu một người”, một mặt nói lời ăn năn, hối lỗi, câu nói của “chủ mưu” Trần Mạnh Dũng trong phiên toà xét xử các tội danh đánh bạc và tổ chức đánh bạc..., khiến nhiều người không khỏi không băn khoăn. Dễ cảm nhận cựu đội trưởng V.Ninh Bình và U23 Việt Nam này muốn ám chỉ những ai trong phòng xử.
Lật lại vụ Như Thành và nghi án bán độ tại JVC Cup 2003 trong màu áo U23 Việt Nam trước đây, dù Toà không xử (chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm và miễn truy tố), nhưng VFF đã đưa ra án kỷ luật rất nhanh dành cho cựu trung vệ đội trưởng này. Ngày đó, Như Thành một mực kêu oan và còn doạ sẽ “kiện tới tổ chấy”, bởi ai cũng thừa biết, một mình Thành không thể thực hiện hết các hành vi bán độ được.
Sau rất nhiều những khuyên nhủ và cả thoả thuận ngầm, cuối cùng Thành (và gia đình anh) quyết định rút đơn. Một trường hợp na ná khác như Trần Mạnh Dũng và Như Thành, những người bị cho là “chủ mưu”, là tình huống của Quốc Vượng, trong “đại án Bacolod”. Trong phiên sơ thẩm tại Toà án Nhân dân TP.HCM, Quốc Vượng đã chối phần lớn các tội danh, bằng cách trả lời quanh co, cùng thái độ thiếu hợp tác.
Nói gì bây giờ cũng khó, bởi cuộc sống vốn nhiều cám dỗ. Đã không có ai nhắc họ dừng lại, khi ý định kiếm “tiền bẩn” mới chỉ manh nha. “Án tại hồ sơ”, quả là rất ít ai chịu nằm lòng câu này, cho đến khi bị Toà tuyên án. Trần Mạnh Dũng, Vũ Như Thành hay Lê Quốc Vượng, dù chưa cảm thấy thoả đáng, thì cũng phải “nuốt hận vào trong”. Luật pháp là thế, nó được xây dựng để thi hành, chứ không phải để lách.
Ngày về xa xôi
Khi sa vào vòng lao lý cách đây 9 năm, những Quốc Vượng, Văn Quyến, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hải Lâm, Bật Hiếu…, mới chỉ đôi mươi. Trong vụ V.Ninh Bình dàn xếp tỷ số ở AFC Cup 2014, ngoại trừ Nguyễn Mạnh Dũng, Xuân Phú, Phan Anh Tuấn, thì Trần Mạnh Dũng và phần lớn các đồng đội của anh, cũng 22 - 23 tuổi. Một điểm chung khác là, không ít người trong số họ đều là đương kim hoặc cựu tuyển thủ QG.
Hơn 2 năm sau khi Toà tuyên án (phiên sơ thẩm đầu năm 2007, phúc thẩm với Quốc Vượng vào tháng 4/4007), một số cầu thủ thuộc “đại án Bacolod” mới có cơ hội trở lại sân cỏ. Còn nếu tính từ thời điểm họ nhúng chàm, bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra, giai đoạn quản thúc tại địa phương..., thì còn lâu hơn. Nói tóm lại, phải mất ít nhất 4 năm, những Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hải Lâm..., mới “hết án” để thi đấu trở lại.
Như Thể thao & Văn hóa đã từng đề cập, ngoài Quốc Vượng khá lận đận, thì phần lớn các đồng phạm của anh trong vụ Bacolod đều đã đứng lên được ngay nơi họ ngã xuống - thảm cỏ - với mức độ thành công khác nhau. Ngoài sự khoan hồng của pháp luật, của cơ quan quản lý nền bóng đá VFF, sự dang tay của cộng đồng và các cơ hội tạo ra trở lại của đội bóng chủ quản..., thì nỗ lực cá nhân của cầu thủ giữ vai trò cốt lõi.
VFF (có thể cả AFC) vẫn chưa ra các án kỷ luật dành cho những đối tượng vụ V.Ninh Bình, song nếu có mối liên hệ nào từ những tiền lệ, con đường trở lại với sự nghiệp “quần đùi áo số” là rất xa xôi. Với những cầu thủ có tuổi như Nguyễn Mạnh Dũng hay Xuân Phú, cảnh cửa coi như đã đóng sập. Nửa phần đời còn lại, họ sẽ có cơ hội làm lại ở một địa hạt khác của xã hội, nhưng chắc chắn không phải là đá bóng.
Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags