- Hiện tượng "chết trong cô độc" gây ám ảnh ở Hàn Quốc: Chính phủ ra sức ngăn chặn nhưng số lượng vẫn tăng lên khi xã hội siêu già hóa
- Sau thảm kịch giẫm đạp khiến 158 người thiệt mạng, phố tây Itaewon Hàn Quốc dịp Giáng sinh vắng lặng như thị trấn không người
- Vụ án khủng khiếp "thảm sát chốn hậu cung": 3.000 cung nữ bị giết sau cái chết bí ẩn của vị sủng phi nhà Minh
Mấy ai trên đời thấu được nỗi lo lắng tột cùng vào cái 5 cặp cha mẹ phải đối mặt với cơn ác mộng tồi tệ khi con cái họ mất tích...
Nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai
Cuộc điện thoại gọi đến vào ngày thứ 4 kể từ thời điểm 5 đứa trẻ bặt vô âm tín. Giọng kẻ lạ nói từ đầu dây bên kia: "Tôi đang giữ bọn nhóc đây. Chúng đang chịu đau đớn. 2 đứa mệt lả rồi". Hắn cho địa chỉ cứu bọn trẻ nhưng yêu cầu số tiền chuộc lớn.
Sau cú điện thoại ấy, những bậc phụ huynh bắt đầu có thêm hy vọng về tung tích con mình. Họ khẩn trương đi đến nơi được kẻ giấu mặt chỉ định, tất nhiên là với cảnh sát. Nhưng đợi mãi không thấy ai xuất hiện. 1 tiếng đồng hồ trôi qua, họ lại quay trở về nhà, trong nỗi đau khổ, tuyệt vọng cùng cực.
Ông Kim Hyeon-do có thể ngồi kể hoài kể mãi về sự ra đi đầy đau đớn của con mình, mặc dù điều đó khiến ông bật khóc. Càng nói thì chỉ càng khoét sâu thêm nỗi đau của ông, và điều duy nhất mà ông hy vọng là: "Không ai trên thế giới này phải trải qua những gì chúng tôi đã trải qua".
Mấy ai trên đời thấu được nỗi lo lắng tột cùng vào cái ngày ông và 4 cặp cha mẹ khác phải đối mặt với cơn ác mộng tồi tệ khi con cái họ mất tích...
Ngày 26/3/1991, toàn thể người dân Hàn Quốc náo nức với cuộc bầu cử đầu tiên sau 30 năm. Không ai có thể ngờ, ngày vui ấy của đất nước lại chính là ngày xảy ra kỳ án bí ẩn bậc nhất lịch sử mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng.
"Không ai có thể phá giải được vụ án 5 đứa trẻ mất tích. Điều đó không đáng xấu hổ sao?", Woo Jong-u, một trong những người cha, nói trong bức xúc.
Theo báo cáo, có hơn 500 kẻ tình nghi nhưng tất cả đều không phải hung thủ. Có những bước ngoặt trong quá trình điều tra, giả thuyết của cảnh sát và cả thuyết âm mưu. "Nhưng không có câu trả lời", ông Park Geon-seo, một người cha khác, thở dài nói.
Đối với những người cha người mẹ ấy mà nói, họ có thể kể lại rành mạch các sự kiện như thể chúng mới xảy ra ngày hôm qua.
Mất tích bí ẩn
Gia đình của 5 đứa trẻ sống gần nhau trong một ngôi làng bên ngoài thành phố Daegu. Nhà của chúng ở vị trí chụm lại hình thành một vòng tròn, và những đứa trẻ thường chơi với nhau gần cánh đồng lúa phía trước.
"Các cậu bé thân thiết hơn cả anh em. Chúng giống như 5 chàng lính ngự lâm", ông Woo Jong-u nói về cậu con trai tên Cheol-won (13 tuổi) của mình và những đứa trẻ còn lại, Jo Ho-yeon (12 tuổi), Kim Yeong-gyu (11 tuổi), Park Chan-in (10 tuổi) và Kim Jong-sik (9 tuổi).
Cha của Chan-in, ông Park, nói: "Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi chỉ biết sống vì con, lấy con làm động lực sống. Thằng bé chưa bao giờ khiến chúng tôi phải phiền lòng vì nó quá hiền lành, ngoan ngoãn".
Ông Kim cũng "rất thân" với cậu con trai duy nhất của mình, Yeong-gyu. Người đàn ông nói: "Chúng tôi đã cố gắng dành cho thằng bé tất cả tình yêu mà con xứng đáng có được. Thằng bé cũng rất yêu thương chúng tôi. "Thằng bé luôn rạng rỡ và vui vẻ".
5 đứa trẻ cùng biến mất vào ngày 26 tháng 3 năm 1991. "Con trai tôi về nhà để lấy một chiếc áo khoác dày hơn", ông Woo nhớ lại. "Tôi đã hỏi thằng bé đi đâu, nhưng nó không nói, chỉ trả lời rằng con muốn ra ngoài chơi".
Lúc đó là 9 giờ sáng. Đến khoảng hơn 1 giờ chiều, ông Woo nhận được cuộc gọi từ lớp học võ Taekwondo vì con trai của ông vắng mặt. Ngay sau đó, ông nhận ra con mình không phải là người duy nhất mất tích.
"Một người bạn nói với chúng tôi rằng anh ấy đã nhìn thấy 5 đứa trẻ. Anh ấy còn hỏi chúng đang đi đâu. Bọn trẻ trả lời rằng chúng muốn đi tìm trứng thằn lằn (kỳ nhông). Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng các con mình đã lên núi", ông Woo kể.
Trên núi Waryong có một căn cứ quân sự nằm ở khu bên trái, một hồ nước ở bên phải và một trường bắn. Các bậc cha mẹ bắt đầu lùng sục tìm kiếm khắp cả ngọn núi nhưng không tìm thấy dấu vết.
Đến chiều muộn, các phóng viên nhận được tin từ cảnh sát rằng 5 cậu bé đã được thông báo mất tích.
"Lúc đầu, đó không phải là tin quan trọng lắm", anh Jang Joon-young, khi ấy là một nhà báo mới vào nghề, nhớ lại. "Phong trào ủng hộ dân chủ đang phát triển ở Hàn Quốc, và sự chú ý của mọi người đều tập trung vào việc ai sẽ đắc cử. Các phóng viên và cảnh sát nghĩ rằng bọn trẻ chỉ ra ngoài chơi đến khuya mới chịu về".
Những bậc phụ huynh vốn đã hoảng loạn lại càng thất vọng vì cảnh sát chỉ nói nên chờ đợi con trở về.
Họ cũng quay sang chỉ trích nhau. Ông Woo nhớ lại: "Họ hét lên rằng 'Đó là lỗi của ông mà con chúng tôi đã mất tích! Vì ông không biết quản lý con cẩn thận!'".
Đêm đó, ông Kim có một giấc mơ. "Trời đổ mưa như trút nước. Con trai tôi ở ngay ngoài cửa. Thằng bé lén nhìn vào bên trong, nhưng không nói một lời nào, rồi biến mất", ông nói. "Tôi chạy theo con, gọi tên thằng bé. Nhưng nó thậm chí không quay đầu nhìn lại".
Tin tức chấn động
5 ngày sau khi những đứa trẻ mất tích, bản tin đầu tiên được phát đi, trong đó đề cập việc 5 cậu bé "mất tích sau khi cố gắng bắt ếch". Vì vậy, chúng được gọi là "những cậu bé ếch".
"Trong vòng 2 ngày, nó đã thu hút sự chú của người dân thành phố Daegu. Sau 1 tuần, mọi người bắt đầu bàn tán về việc liệu những đứa trẻ có còn sống hay không. Sau đó, câu chuyện trở thành tin tức gây chú ý trên toàn quốc", nhà báo Jang nhớ lại. "Mọi mạng sống đều quan trọng, nhưng trường hợp này càng đặc biệt hơn vì đó là 5 đứa trẻ".
Ngày 4 tháng 5, các bậc cha mẹ cùng tham gia một chương trình tin tức có tên "The Square Of Public Opinions", trong đó họ bày tỏ sự không hài lòng với cuộc điều tra. Họ phản đối việc cảnh sát gọi bọn trẻ là "những kẻ chạy trốn" trên các tờ rơi.
"Điều này cho thấy cảnh sát đang cố gắng nhanh chóng kết thúc vụ việc", một trong những ông bố nói trong chương trình. "Chúng tôi muốn họ thay đổi điều này".
Nhà báo Jang mô tả buổi phát sóng trực tiếp từ trường tiểu học Seongseo nơi bọn trẻ học là một sự kiện "rất hiếm" trên toàn quốc và là "cơ hội lớn nhất để vụ án này được biết đến".
Nó đã nhận được một "số lượng lớn" sự chú ý. Và một cuộc điện thoại bất ngờ, từ một người được cho là một trong các cậu bé mất tích.
Cuộc gọi đã bị ngắt đột ngột, nhưng người điều hành điện thoại nói trong chương trình rằng đó là cậu bé Jong-sik, đang khóc nức nở và cầu xin mẹ.
"Mọi người vỗ tay và hét lên: 'Những đứa trẻ còn sống ở đâu đó!'", Jang kể lại. "Mọi người đồng thanh hô lên: 'Hãy tìm kiếm chúng ngay bây giờ. Chúng ở đâu?'".
Nhưng hóa ra đó chỉ là những hy vọng hão huyền, giống như cuộc điện thoại đầu tiên mà cha mẹ bọn trẻ nhận được. Đó là một trò đùa.
Tuy nhiên, sau khi chương trình phát sóng, đã có nhiều nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm những đứa trẻ. Ông Woo thừa nhận. Tổng thống khi đó, Roh Tae-woo, thậm chí còn đưa ra tuyên bố về vụ việc và ra lệnh điều tra thêm. Hàng nghìn người đã được huy động để tìm kiếm các cậu bé.
"Cảnh sát đã tìm kiếm bất kỳ bằng chứng nào họ có thể tìm thấy. Nhưng đến lúc đó, tìm kiếm cũng chẳng ích gì vì không còn dấu vết. Cảnh sát chỉ làm theo mệnh lệnh… nên họ chỉ giả vờ làm gì đó", ông Park than thở.
Sẵn sàng chết để tìm con
Không chịu ngồi yên một chỗ chờ đợi, 5 người cha đã quyết tâm làm mọi thứ có thể. Họ nghỉ việc, thuê một chiếc xe tải nhỏ và tiếp tục tìm kiếm trên khắp đất nước, bất kể mưa nắng hay tuyết rơi.
Xe tải có dán ảnh các em ở 2 bên và được phủ bạt để chống mưa. Dòng chữ viết bên dưới: "Làm ơn giúp tìm những đứa con mất tích của chúng tôi".
"Chúng tôi không thể làm gì hơn. Chúng tôi không thể nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ các chuyên gia… vì vậy chúng tôi đã phát tờ rơi ở những nơi công cộng", ông Park kể lại.
Cuộc tìm kiếm còn có sự giúp sức của Na Ju-bong, người cảm động trước lời kêu gọi của những người cha. Và chính ông là người tận mắt nhìn thấy những khó khăn mà họ đã trải qua.
"Một ngày nọ, chúng tôi nhận thấy rằng cha của Yeong-gyu trông nhợt nhạt và mặt ông chuyển sang màu xanh. Anh ấy bị nghiện thuốc ngủ", ông Na, chủ tịch Tổ chức Quốc gia Tìm kiếm Trẻ em và Gia đình Mất tích, nhớ lại. "Chúng tôi nhận ra rằng ngay cả một người đàn ông khỏe mạnh cũng mất dần sức khỏe sau một thời gian. Nhìn những người cha ngày càng yếu đi như vậy, tôi không thể quay lưng lại với họ".
Ông Kim không ngủ được vì nghĩ đến cậu con trai của mình. "Tôi sợ rằng mình có thể gặp con trai trong giấc mơ. Tôi cảm thấy bất lực", ông nói. "Tôi không biết bám víu vào đâu để sống nữa".
Ông Woo nói thêm: "Vài người trong chúng tôi rất tức giận và đau đớn. Một số tìm đến rượu để vượt qua quãng thời gian u tối ấy".
Nhưng trước công chúng, họ phải che giấu những vấn đề và cảm xúc của bản thân. Và họ vẫn phải gặp gỡ các nhà báo từ khắp nơi trên đất nước.
Bất chấp nỗ lực của những ông bố, vụ án vẫn dần đi vào ngõ cụt. Thậm chí có thời điểm, 1 trong số những người cha ấy bị chĩa mũi tên nghi ngờ về phía mình.
Kim Ga-won, một nhà tâm lý học tội phạm từng học ở Mỹ, tuyên bố rằng những đứa trẻ được chôn cất trong nhà của cậu bé Jong-sik.
Vào thời điểm đó, hầu như không có bất kỳ nhà tâm lý học tội phạm nào ở Hàn Quốc, “điều đó khiến mọi người càng thêm tin tưởng ông Kim Ga-won”, Na giải thích. Vị giáo sư này cũng cho biết ông đã đọc các tài liệu và tin tức về cuộc điều tra, đồng thời cũng đã “phân tích tất cả các bằng chứng và cảnh quay”.
Các bậc cha mẹ khác nói với ông Kim Ga-won rằng giả định của ông ta là sai. Park nói: “Một số tin đồn có căn cứ, nhưng những tin đồn khác chúng tôi không thể tin được. Không thể có chuyện ai đó giết con ruột và chôn đứa trẻ dưới chính ngôi nhà của mình”.
Dẫu vậy, người ta vẫn phải cố đào bới cho được ngôi nhà của cậu bé Jong-sik lên. Ngày hôm ấy, đông đảo phóng viên có mặt ở hiện trường để quay video, nhiều người dân địa phương kéo đến xem. Ngôi nhà đã bị phá hủy, nhưng không có gì được tìm thấy.
5 năm sau, bố của cậu bé Jong-sik qua đời vì bệnh ung thư gan ở độ tuổi 40.
Ông Woo nói: “Tôi nghĩ anh ấy đổ bệnh vì quá mệt mỏi khi tìm kiếm đứa con trai mất tích".
Xương và đạn
Một năm sau cái chết của ông Kim, và 11 năm sau khi các cậu bé mất tích, hài cốt của chúng được tìm thấy trên núi, vào ngày 26 tháng 9 năm 2002, ở một khu vực cách ngôi làng chỉ vài km.
Khi các bậc cha mẹ đến, đã có một nhóm người tụ tập để xem các thi thể. Chỉ còn lại xương và quần áo.
"Mắt tôi nhòe đi và tôi bắt đầu khóc. Thật khó để tin rằng con trai tôi đã bị chôn cất ở đây. Nhưng tôi vẫn phải tin vào sự thật trước mắt. Khoảng 30 phút sau, tất cả chúng tôi trở nên im lặng. Tôi nhận ra rằng niềm hy vọng con trai của tôi còn sống đã bị dập tắt hoàn toàn", ông Woo nói.
Hôm đó, hai người dân địa phương, đi bộ trên một con đường mòn để hái quả sồi, đã phát hiện ra những mẩu xương khi họ tình cờ thấy một số mảnh quần áo cũ giữa những tảng đá. Nhưng có gì đó rất kỳ lạ.
Hài cốt của 1 đứa trẻ được tìm thấy với chiếc quần “lộn qua vai” và tay áo “buộc lại với nhau”, ông Woo mô tả. Khi nút thắt được cởi ra, người ta tìm thấy những hộp đạn rỗng và những viên đạn chưa sử dụng.
Một ngày sau khi các thi thể được tìm thấy, cảnh sát trưởng địa phương cho biết hạ thân nhiệt là "nguyên nhân có thể gây tử vong nhất".
Phát biểu tại hiện trường, ông nói với các nhà báo rằng nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận vào thời điểm xảy ra vụ án là 3°C. “Nhưng khi trời mưa vào buổi sáng, yếu tố gió lạnh sẽ làm giảm nhiệt độ và các thi thể túm tụm lại với nhau”, ông nói.
Sau đó, một nhóm từ Liên đoàn Alpine Hàn Quốc, chuyên cứu hộ cứu nạn ở các vùng núi, đã đi kiểm tra lại hiện trường. Họ chắc chắn rằng đó không phải là trường hợp tử vong do hạ thân nhiệt. “Khu vực đó không cao chút nào. Nó thậm chí không cách đường phố 100 mét”, giám đốc đội cứu hộ Choi Won-seok nói. “Nếu trời lạnh và mưa, chỉ mất 5 phút để bọn trẻ chạy về nhà”.
Theo Chae, "bằng chứng mạnh mẽ nhất chứng tỏ đây là vụ giết người có chủ đích là nếu một đứa trẻ chết tự nhiên, xương sẽ được tìm thấy trên mặt đất. Khi một xác chết nằm trên mặt đất, nó sẽ thối rữa hoặc động vật đến xé xác, điều đó có nghĩa là xương bị tách ra. Tuy nhiên, xương cốt đều đã bị chôn vùi, điều đó có nghĩa là ai đó đã giết bọn trẻ và giấu xác một cách tỉ mỉ. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm ra lý do tại sao”.
Phía doanh trại quân đội nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng họ không liên quan gì đến vụ án và không có cuộc tập trận nào vào ngày hôm đó, một ngày nghỉ lễ.
“Nhưng có một chi tiết bất thường”, ông Park nói. “Các hạ sĩ quan có thể tự tập bắn. Vì vậy, một người lính bình thường có thể được nghỉ, nhưng một hạ sĩ quan có thể đến trường bắn bất cứ lúc nào để tập bắn”.
Trường bắn đã được chuyển đến một thị trấn gần đó vào năm 1994, nhưng một bản đồ vào thời điểm những đứa trẻ mất tích cho thấy hài cốt của chúng được tìm thấy “chỉ cách đó 100 đến 200 mét cách… nhiều nhất là 300 mét”, giám đốc đội cứu hộ Choi nói.
Ông chỉ ra rằng khoảng cách đó nằm trong tầm bắn hiệu quả của súng trường M-16. Lý thuyết này nuôi dưỡng những nghi ngờ tương tự trong suốt những năm qua.
Ông nói: “Có thông tin cho rằng một sĩ quan đã sử dụng súng trường vào ngày hôm đó để bắn hết số đạn còn sót lại. Danh tính của sĩ quan vẫn chưa được tiết lộ”.
Đội pháp y của Chae chỉ có thể kiểm tra những mẩu xương mà họ khai quật được và phải loại bỏ những mẩu xương do cảnh sát đào ra làm bằng chứng. Nhưng họ đã tìm được "vết cắt sắc nhọn" trên hộp sọ - những vết thương do kẻ nào đó tạo ra trước khi những đứa trẻ qua đời.
Lời tiễn biệt
Khi những đồn đoán về nguyên nhân cái chết ngày càng gia tăng, cảnh sát đã xem xét tất cả hồ sơ vụ án từ năm 1991. Nhưng cuộc điều tra đã thất bại khi họ không thể tìm thêm bằng chứng.
Vì vậy, 2 năm sau khi hài cốt của những đứa trẻ được tìm thấy - và được cất giữ trong nhà xác của bệnh viện - cuối cùng các cậu bé cũng được tổ chức tang lễ, vào ngày 25/3/2004.
“Ngay lúc đó… cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng tất cả đều là sự thật, không phải một cơn ác mộng”, ông Park nói.
“Xe tang phủ đầy hoa cúc. Có người tặng hoa. Tôi cảm thấy rất biết ơn. Ít nhất thì chúng tôi đã được tiễn đưa các con mình đi sang thế giới bên kia".
Các bậc cha mẹ đã mang tro cốt đến sông Nakdong để con của họ có thể “trôi ra Thái Bình Dương”.
Ông Park cho biết thêm: “Chúng đã chết cùng nhau, vì vậy chúng tôi muốn bọn trẻ tiếp tục chơi cùng nhau ở thế giới bên kia".
Luật sư của bố mẹ nạn nhân đệ đơn kiện cảnh sát vì không làm đúng chức trách, chẳng hạn như làm hỏng bằng chứng tại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, họ thua kiện trong cả 3 phiên tòa. Các thẩm phán không đưa ra bất kỳ phán quyết nào về sai lầm của cảnh sát.
Không có cuộc điều tra thêm nào được tiến hành, cũng không ai từng bị bắt vì cái chết của những đứa trẻ.
Năm 2006, vụ án "Những cậu bé ếch" hết thời hiệu sau 15 năm, đông nghĩa với việc cuộc điều tra bị dừng lại và kẻ sát nhân không thể bị truy tố về tội giết người nữa.
Tuy nhiên, năm 2015, Hàn Quốc đã xóa bỏ thời hiệu đối với tội giết người cấp độ một, nghĩa là bất kỳ bằng chứng mới nào được tìm thấy cũng có thể khiến cảnh sát mở lại vụ án.
Vụ án "Những cậu bé ếch" từng được khắc họa qua hai bộ phim điện ảnh Come Back, Frog Boys (1992), Children (2011) và phim tài liệu của hãng tin Channel News Asia mang tên "In Search of the Frog Boys (2019).
Nguồn: Channel News Asia
Tags