Mới đây, một bé gái 8 tuổi có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật, đến viện thì được chẩn đoán đột quỵ.
Bé N.T.A (8 tuổi, tại Phú Thọ) có tiền sử khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Khoảng 18h ngày 28/3, sau khi tắm xong, cháu có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật.
Ngay lập tức, bé được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê gần nhà để sơ cứu ban đầu trước khi chuyển thẳng xuống Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bé được chẩn đoán nhồi máu não nhân bèo trái không rõ nguyên nhân, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải.
Sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được chuyển về phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trong tình trạng miệng còn méo, nói chưa tròn tiếng, nửa người bên phải yếu, đi lại sinh hoạt cần sự trợ giúp của người nhà. Bé cũng không thể tự đánh răng, rửa mặt, buộc tóc; cầm nắm đồ vật nhỏ rất khó; không thể viết chữ…
Sau 10 ngày tích cực điều trị tại Đơn vị Phục hồi chức năng, bé gái đã hồi phục rất tốt. Miệng đã hết méo, ăn uống không rơi vãi, có thể tự đi lại, vui chơi không phải phụ thuộc vào dụng cụ trợ giúp hay người nhà hỗ trợ. Đồng thời, bé có thể chủ động làm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày bằng tay bên phải như đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, viết chữ to…
Nguyên nhân đột quỵ ở trẻ em
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức – Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh Viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thông thường nghe tới đột quỵ người ta thường nghĩ đó là bệnh của người lớn. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ trẻ em hoặc người trẻ tuổi mắc căn bệnh này dù không nhiều nhưng vẫn có thể xảy ra. Nhiều trẻ bị đột quỵ được cứu sống kịp thời, nhiều trẻ để lại di chứng và nhiều trẻ đã không thể cứu chữa được do đến bệnh viện quá muộn.
Theo BS Minh Đức, đột quỵ ở trẻ em đang là một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ trong việc chẩn đoán, nhận biết bệnh vì trẻ không biết cách than phiền, nhất là trẻ chưa biết nói. Trẻ đau đầu chỉ có thể quấy khóc. Đây cũng không phải là bệnh phổ biến hay gặp ở trẻ em.
Các bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu và chẩn đoán đột quỵ thông thường ở độ tuổi từ 9-12, nhưng cũng có bé chưa đầy một tuổi, phần lớn bị hẹp động mạch nội sọ, vỡ mạch máu não dị dạng hay có kèm theo bệnh tim bẩm sinh.
"Đối với trẻ em, vỡ dị dạng mạch máu não là nguyên nhân phải nghĩ đến đầu tiên trong bệnh cảnh đột quỵ não. Điều này khác hoàn toàn với đột quỵ ở người cao tuổi vốn có nguyên nhân thường gặp là tắc mạch gây nhồi máu não.
Nếu như đột quỵ ở người lớn liên quan đến các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và lối sống (ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc, lười vận động…) thì đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não…", BS Minh Đức cho biết.
Dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em
Theo bác sĩ, dấu hiệu đột quỵ sắp xảy ra là trẻ đột ngột than đau đầu dữ dội hay quấy khóc liên tục kèm theo nôn ói. Sau nôn, trẻ có thể giảm đau đầu, co giật, mất ý thức, miệng méo lệch sang bên khi trẻ ăn, uống hay khóc. Trẻ cầm nắm cũng không được bình thường, đi lê chân một bên hay có những tiếng kêu lạ trong đầu, dễ bị tím tái khi gắng sức.
Nếu trẻ có những triệu chứng trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám cẩn thận. Phát hiện trễ thì khả năng tử vong rất cao hoặc sau điều trị sẽ để lại di chứng nặng nề như liệt nửa người, không thể tự sinh hoạt, chăm sóc bản thân được.
Để nhận diện nhanh những người có thể bị đột quỵ nói chung, trước hết cần chú ý tới khuôn mặt. Hãy yêu cầu trẻ hay người bệnh cười để xem một bên mặt có bị chảy xệ xuống hay không. Ngoài ra, người bệnh cần giơ cùng lúc cả hai tay lên để xem một bên tay có bị rũ xuống/không thể giơ lên hay không. Bên cạnh đó, nếu trẻ nói lắp hoặc nói không rõ từng lời, nói khó hiểu, đó cũng có thể là dấu hiệu đột quỵ.
Tags