Ngày 9/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tỉnh Lâm Đồng.
Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được các báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại các huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, ngày 7/8 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tập trung các biện pháp khắc phục.
Ngày 8/8, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tổ chức họp các đơn vị chuyển môn của Cục Thú y, đồng thời trao đổi trực tiếp với tỉnh Lâm Đồng và chỉ đạo lãnh đạo Công ty Navetco cung cấp đầy đủ hóa chất, thuốc và các loại vitamin để thực hiện các biện pháp khắc phục ngay trong ngày.
Đến ngày 9/8, Thứ trưởng đã chỉ đạo đoàn công tác của Cục Thú y và cơ quan chuyên môn tại Lâm Đồng tiếp tục bám sát thực địa, điều tra xác định nguyên nhân và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật.
Để khẩn trương tổ chức xác định nguyên nhân và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương, các sở, ban ngành, các cơ quan chuyên môn và chủ gia súc tạm dừng sử dụng vaccine xin phòng bệnh Viêm da nổi cục và các vaccine phòng các dịch bệnh khác trên đàn bò trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Về điều tra xác định nguyên nhân, ngay khi nhận được báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Cục Thú y đã thành lập Đoàn công tác với đầy đủ các lực lượng chuyên môn.
Trong đêm ngày 7/8 và ngày 8/8, Đoàn công tác của Cục Thú y đã đến các hộ có bò bệnh, chết để tổ chức lấy mẫu điều tra, xác định nguyên nhân. Các Phòng thí nghiệm của Cục Thú y sẽ xét nghiệm, xác định các tác nhân có khả năng gây bệnh tiêu chảy trên bò. Dự kiến trong 1-2 ngày sẽ có kết quả bước đầu.
Để giảm thiểu số bò phát bệnh, chết do tiêu chảy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công lực lượng thú y đến từng hộ có gia súc bị tiêu chảy để hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cách ly gia súc bị bệnh. Đồng thời, điều trị sớm gia súc đã xuất hiện triệu chứng bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh phổ rộng, mẫn cảm với các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kết hợp các loại thuốc khác để điều trị tiêu chảy; các loại vitamin, chất điện giải để tăng cường sức đề kháng, chống mất nước và hạn chế tiêu chảy cho đàn bò sữa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đảm bảo đầy đủ thức ăn tinh, thức ăn thô xanh để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho đàn bò; tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch, phun thuốc sát trùng, sử dụng vôi bột để sát trùng, vệ sinh, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy.
Địa phương tăng cường công tác kiểm dịch giết mổ; không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc giết mổ gia súc bị bệnh trên địa bàn có dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã, huyện và tỉnh, nhất là với đối tượng trâu bò, bò sữa có nguy cơ bị bệnh. Cùng đó, thông báo, vận động, tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi, công ty chăn nuôi trâu bò, bò sữa trên địa bàn tỉnh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nêu trên ngay từ khi chưa có gia súc bị bệnh tại cơ sở.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco cử ngay lãnh đạo công ty và các cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm đến ngay các địa bàn cùng phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; điều tra xác định nguyên nhân. Công ty hỗ trợ và vận chuyển ngay các loại thuốc kháng sinh, vitamin, chất điện giải và hóa chất đến tỉnh Lâm Đồng để triển khai phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với địa phương để triển khai các biện pháp hỗ trợ cho các hộ có bò bị bệnh, bị chết.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tính đến 19h ngày 7/8, số bò tiêm vaccine viêm da nổi cục là 31.905 con; trong đó, bò sữa 9.168 con.
Lũy kế đến 12h00 ngày 7/8 đã có 3.670 con (bê, bò sữa)/163 hộ/5xã/2 huyện có bò bị bệnh; số bò bị chết là 68 con tại 36 hộ/4 xã (Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra và Hiệp Thạnh). Bò vàng không xuất hiện bệnh tiêu chảy.
Theo Cục Thú y, qua kiểm tra lâm sàng bò mắc bệnh tiêu chảy, bước đầu nhận định nguyên nhân có thể là do vi sinh vật gây rồi loạn đường tiêu hoá gây ra tiêu chảy; kết hợp thời tiết mưa nhiều trong suốt mấy tuần qua nên môi trường ẩm ướt, bò giảm sức đề kháng tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây bệnh.
Có thể khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trâu bò (kháng nguyên) để sản sinh kháng thể trong lúc bò đang mang hoặc nhiễm vi sinh vật có hại, công thêm môi trường thời tiết ẩm ướt, bất lợi... nên gây tiêu chảy nhẹ hoặc cấp tính và một số triệu chứng khác phụ thuộc sức đề kháng của vật nuôi.
Nhận định thời gian tới, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng và một số địa phương khác trên địa bàn của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; thực hiện vệ sinh tiêu độc khủ trùng tiêu diệt mầm bệnh.
Tỉnh Lâm Đồng tiến hành cấp 5.500 lít hoá chất cho 12 huyện, thành phố để triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khủ trùng đợt 3 năm 2024. Thực hiện cách ly và tích cực chữa trị, chăm sóc nuôi dưỡng tốt những bò mắc bệnh. Tiến hành tiêu huỷ bò chết do mắc bệnh theo đúng quy định.
Tags