(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần 1 tuần mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, chiều 21/8, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tuyên án phạt 3 bị cáo trong vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng.
Tòa đã tuyên án phạt 3 bị cáo (cùng trú tại số 15 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ) gồm: Nguyễn Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1957) 8 tháng tù giam; Nguyễn Thị Minh Thịnh (sinh năm 1983) 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 16 tháng; Nguyễn Bá Cường (sinh năm 1981) 12 tháng cải tạo không giam giữ về cùng tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 257, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hành vi của các bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật
Bản án sơ thẩm xác định: Khoảng 15h ngày 19/8/2017, tại khu vực sân chung ngõ số 15 Hàn Thuyên, đơn vị thi công Dự án cải tạo mạng lưới cấp nước và chống thất thoát, thất thu khu vực ô 26 - Hai Bà Trưng của Công ty Nước sạch Hà Nội tiến hành thi công di chuyển đồng hồ nước gia đình bị cáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt đang sử dụng về vị trí được duyệt theo thiết kế.
Theo sự chỉ đạo, phân công của chính quyền địa phương, các đồng chí Đỗ Văn Xuân, Nguyễn Đăng Thuấn, Lưu Minh Hoàng và Mai Quốc Hiếu - cán bộ Công an phường Phạm Đình Hổ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong quá trình thi công dự án. Các bị cáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Bá Cường, Nguyễn Thị Minh Thịnh đã có hành vi chửi bới, giằng co, xô đẩy, đập phá, cản trở việc thi hành nhiệm vụ của Công an phường Phạm Đình Hổ. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 257, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Côn Đảo
- Cà Mau: Khởi tố 4 đối tượng dùng xăng và lửa chống người thi hành công vụ
Hội đồng xét xử nhấn mạnh, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến sự hoạt động bình thường đúng đắn của các đồng chí cảnh sát Công an phường Phạm Đình Hổ. Việc truy tố, xét xử các bị cáo là cần thiết để có tính giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Các bị cáo đều là những người có trình độ, có vị trí việc làm trong xã hội, nhưng cố tình thực hiện không đúng kế hoạch đã được chính quyền địa phương thông báo và các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đi ngược lại với lợi ích chung của khu dân cư, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn, khi bị cưỡng chế đã cố tình cản trở, chống đối việc thực thi công vụ của các đồng chí công an, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, thể hiện sự coi thường pháp luật của các bị cáo.
Trong vụ án này, xuất phát từ việc bị cáo Nguyệt có yêu cầu đội thi công lắp đồng hồ vào vị trí sai với thiết kế, những người này đã bị thi hành kỷ luật về sai phạm trên. Cơ quan chủ quản đã thành lập đội thi công khác để thi công lại đường nước theo đúng thiết kế. Đội thi công đề nghị phối hợp để lắp đặt lại thì bị cáo Nguyệt không hợp tác, cố tình cản trở. Vào ngày 19/8/2017, bị cáo Nguyệt có hành vi cản trở, chống đối quyết liệt nhất, từ đầu đến cuối. Do vậy, Hội đồng xét xử xác định mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo Nguyệt cần cao nhất trong số 3 bị cáo.
Đối với hành vi của 2 bị cáo Nguyễn Bá Cường, Nguyễn Thị Minh Thịnh (là con của bị cáo Nguyệt) tại thời điểm xảy ra sự việc, Hội đồng xét xử đánh giá là bị lôi kéo, kích động, do thấy mẹ mình là bị cáo Nguyệt có thái độ cản trở quyết liệt. Hội đồng xét xử cũng xét 2 bị cáo Cường, Thịnh hiện đang công tác ổn định và có nơi cư trú rõ ràng, không cần thiết phải buộc 2 bị cáo này phải chấp hành hình phạt tù. Các bị cáo cũng có khả năng tự cải tạo ngoài xã hội nhưng phải chịu sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương nơi cư trú trong thời gian thử thách.
Các cơ quan tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật
Tòa cấp sơ thẩm nêu rõ, về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, kiểm sát viên trong quá trình điều tra có một số thiếu sót. Sau phiên tòa ngày 28/11/2018, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ những vấn đề chưa được sáng tỏ. Quá trình điều tra, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội nhưng sau đó thay đổi lời khai, cho rằng các bị cáo bị điều tra viên mớm cung, nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh việc các bị cáo bị điều tra viên mớm cung. Sau khi Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Hội đồng xét xử xét thấy với những chứng cứ điều tra bổ sung thì điều tra viên, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo và ông Đỗ Đình Phương (chồng của bị cáo Nguyễn Thị Minh Thịnh, được triệu tập đến Tòa với tư cách là người làm chứng) cho rằng, các bị cáo Nguyệt, Thịnh, Cường có hành động chưa đến mức chống người thi hành công vụ mà là bảo vệ chính tài sản đoạn đường ống nước từ sau đồng hồ vào nhà mình, đây là tài sản riêng cá nhân.
Về vấn đề này, Hội đồng xét xử nêu quan điểm: Việc lắp đặt đồng hồ nước không đúng thiết kế là sai sót của những cá nhân thi công. Việc khắc phục hậu quả là phải do cơ quan chủ quản tiến hành. Do đó, việc lắp đặt lại các đồng hồ nước là đúng chủ trương đường lối chính sách của Nhà nước. Nếu gia đình bị cáo Nguyệt có thiệt hại gì trong việc lắp đặt đường ống nước sai thiết kế sẽ khởi kiện với những công nhân làm sai.
Căn cứ vào các tài liệu hồ sơ vụ án được thẩm tra toàn diện tại phiên tòa, lời khai của những người làm chứng, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện cụm dân cư và kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa… Hội đồng xét xử thấy rằng các lời trình bày của các bị cáo và người làm chứng ông Đỗ Đình Phương thiếu tính logic và chính xác, phản ánh không đúng diễn biến khách quan về tình tiết của vụ án. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu trên của luật sư và người làm chứng là ông Đỗ Đình Phương.
Hội đồng xét xử xét thấy, tại phiên tòa, những người làm chứng đều có lời khai thống nhất từ lời khai ban đầu cho đến những lời khai sau này đều xác nhận các bị cáo Nguyệt, Thịnh có hành vi ném gạch và ngồi vào chỗ thi công, cản trở các công nhân di chuyển đồng hồ nước. Bị cáo Cường còn có hành vi cầm hộp đồ đựng máy khoan của đội thi công ném mạnh xuống đất. Thấy vậy, hai đồng chí cảnh sát Đỗ Văn Xuân, Nguyễn Đăng Thuấn yêu cầu bị cáo Cường về Công an phường, nhưng bị cáo Cường không chấp hành. Do đó, đã khống chế bị cáo Cường về trụ sở Công an phường, không cho bị cáo tiếp tục hủy hoại tài sản và cản trở những người đang thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình khống chế giằng co, bị cáo Cường và đồng chí Xuân ngã xuống đất. Bị cáo Nguyệt, Thịnh đã túm, ôm chặt đồng chí Xuân để Cường thoát ra. Sau đó, Thịnh tiếp tục ngồi vào chỗ đồng hồ nước, giằng máy khoan không cho các công nhân làm. Lực lượng cảnh sát đã phải khống chế bị cáo Thịnh về Công an phường giải quyết. Lời khai ban đầu của các bị cáo và những người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều xác nhận diễn biến sự việc như trên; không nhìn thấy cảnh sát đánh, bóp cổ các bị cáo và có lời nói đe dọa, thách thức đối với các bị cáo.
Trong quá trình giằng co, xô đẩy và bị áp giải từ sân chung ngõ 15 Hàn Thuyên về Công an phường, bị cáo Thịnh, Cường, và 2 đồng chí cảnh sát Xuân, Hoàng có bị thương tích. Theo biên bản xem xét dấu vết trên thân thể lập các ngày 19 và ngày 20/8/2017, các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã không đi giám định, chỉ là xây xát nhẹ, ở mức độ nhất định trong giới hạn cho phép. Vì vậy, Tòa không giải quyết vấn đề này./.
Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)
Tags