Ngày 21/7, đại diện Viện Kiểm sát thực hiện quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã đưa ra nhiều quan điểm, nhận định đối đáp lại luận điểm của các bị cáo và các luật sư bào chữa.
Trong đó, đại diện Viện Kiểm sát đã bày tỏ sự phẫn nộ trước một số quan điểm bào chữa “vô cảm” của luật sư.
Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), một số luật sư có ý kiến phân tích xoay quanh việc Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo Kiên nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng là số tiền lớn.
Theo quan điểm của luật sư bào chữa thì 42 tỷ đồng là con số tổng hợp, chiếm tỷ lệ % không lớn của 18 doanh nghiệp. Nếu so sánh 42 tỷ đồng với trên 30.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài thì các luật sư bão chữa biện minh rằng mỗi một cá nhân chỉ phải bỏ ra thêm từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, qua đó xác định số tiền đó có thể dùng làm quà cảm ơn hay không?
Trước quan điểm bào chữa của vị luật sư, đại diện Viện Kiểm sát đã bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng quan điểm bào chữa của luật sư thể hiện sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau khổ, sự mất mát to lớn của đồng bào ta, cũng như những người dân nghèo trên toàn thế giới ở trong đại dịch COVID-19.
Hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới, với những diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân, thực tế là WHO tính toán toàn thế giới đã mất đi khoảng 15 triệu người, Việt Nam đã mất đi 43.206 người tính đến ngày 19/7/2023.
Cả thế giới bị “chao đảo” trong cơn “cuồng phong” của dịch bệnh, sự chết chóc bao trùm trên khắp các vùng lãnh thổ, số lượng người mắc bệnh, người chết tăng lên từng phút, từng giây, cảm giác ngày tận cùng của thế giới đã đến. Trong bối cảnh đó tại Việt Nam, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung sức, đồng lòng căng mình chống dịch với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Hơn bao giờ hết “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” lại cảm thấy ý nghĩa và thiêng liêng....
Dịch bệnh hoành hành kéo dài khiến cho những công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài bị mất việc làm, cuộc sống của người dân khó khăn cùng cực, hàng ngày, hàng giờ mong muốn sớm được trở về quê hương với gia đình, người thân, để không bị chết nơi “đất khách, quê người”. Để giải cứu đồng bào đang bị mắc kẹt ở nước ngoài, Chính phủ đã có những chủ trương đúng đắn, kịp thời, tổ chức các chuyến bay “giải cứu”, chuyến bay “com bo” đưa công dân về nước.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh: Hành vi của các bị cáo, trong đó có bị cáo Phạm Trung Kiên trong thời điểm đó làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các chuyến bay “giải cứu”, “combo”, gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước, phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị.
Công tố viên đánh giá, quan điểm bào chữa của luật sư là sự xúc phạm với những người dân Việt Nam đã trải qua một đại dịch COVID-19 đầy khốc liệt, đau thương.
Cũng trong phần đối đáp ngày 21/7, đại diện Viện Kiểm sát đã cân nhắc phân hóa vai trò, mức độ hành vi, điều chỉnh mức án đề nghị đối với một số bị cáo do có thêm các tình tiết giảm nhẹ, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật. Trong đó, đối với nhóm “nhận hối lộ”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị giảm 1 năm tù so với đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát đối với các bị cáo: cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an Trần Văn Dự (còn từ 8-9 năm tù), cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân (còn từ 7-8 năm tù), cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng (còn từ 3-4 năm tù), cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam (còn từ 3-4 năm tù).
Đối với một số bị cáo đưa hối lộ, môi giới hối lộ được đại diện Viện Kiểm sát đề nghị thay đổi thành án treo. Cụ thể, các bị cáo được hưởng án treo gồm: Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Lữ hành Việt) và Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam) từ 2-3 năm tù, Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty Cổ phần Xây dựng Thái Hòa) và Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch và dịch vụ Công đoàn Đường sắt) từ 18-20 tháng tù.
Đối với bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) bị xét xử về tội “Môi giới hối lộ”, sau phần luận tội của Viện Kiểm sát, bị cáo Tuấn đã tác động để gia đình khắc phục toàn bộ số tiền thuộc trách nhiệm của bị cáo. Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xem xét mức hình phạt từ 5-6 năm tù đối với bị cáo Tuấn (giảm 1 năm so với mức đề nghị ban đầu).
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát đối đáp, các bị cáo và luật sư bào chữa đã tiếp tục tham gia tranh luận, phân tích các luận điểm nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi cho các bị cáo.
Tags