Tối ngày 22/3, cư dân mạng chuyền tay nhau video ghi lại hình ảnh một cô giáo ở Trường THPT Đội Cấn, H.Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cắt tóc một em nữ sinh ngay trên bục giảng.
Nữ giáo viên vừa cắt vừa nói: "Tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước". Nữ sinh quay lại trả lời: "tóc em có vàng đâu" nhưng cô giáo tiếp tục nói: "Hôm nay tôi cắt thật xấu chứ không phải là cắt tóc vàng. Đấy là quy định rồi. Từ sau Tết Nguyên đán, nhà trường nhắc rồi mà vẫn để cụm light đấy".
Sau khi đoạn video được lan truyền, đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều về hành động này của cô giáo trên. Phần đông cư dân mạng đều cho rằng đây là cách xử lý phản giáo dục, cô giáo đã đi quá giới hạn của quyền và nghĩa vụ giáo viên.
Lứa tuổi cấp 3, các em phát triển và nâng cao nhận thức cá nhân, tính độc lập, tự chủ và ý thức việc học tập. Các bạn nhuộm tóc, cá tính đấy thì vẫn học giỏi, vào đại học tốt, và hoạt động đoàn đội rất năng nổ. Cá tính thì cũng được tôn trọng, chỉ là không quá nổi bật là được.
Tuy nhiên, nhiều người đứng về phía giáo viên thì nhận định: phải nghiêm khắc học sinh mới đi vào quy củ, nề nếp và có thể là vì cô đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không hiệu quả nên cô mới nóng giận rồi hành động như vậy. Nếu nhà trường cấm và có quy định rồi mà vẫn cố nhuộm thì việc cô chỉ cắt một ít để cảnh báo và làm gương cho các bạn khác không sai. Chỉ 1 lọn tóc, cắt có thể mọc lại được nhưng hành động và thái độ sống không uốn nắn thì hỏng cả 1 đời người.
"Tôi cứ suy nghĩ mãi, nếu học sinh đứng trên bục giảng là con gái mình thì sao?"
Có con gái năm nay học lớp 5, cũng đang ở trong độ tuổi bắt đầu chú ý đến việc làm đẹp, anh Ngọc Ân (TP.HCM) cho rằng, bản thân anh không đồng tình với hành động này của cô giáo.
Theo ông bố này, bất cứ tổ chức nào cũng phải có kỉ luật, có chuẩn mực phải thực hiện, đó là bài học cho cả đời người sau này. Anh không cổ xúy việc con nhuộm tóc vàng hoe, kẻ mắt, xăm mình... Phụ huynh nên có trách nhiệm trong việc này bởi không theo sát con cái, cô giáo cũng cần nghiêm khắc để các con đi vào nền nếp. Tuy nhiên, giáo viên làm vậy là thiếu phương pháp sư phạm.
"Suốt chiều hôm qua tôi cứ suy nghĩ mãi, nếu học sinh đứng trên bục giảng là con gái mình thì sao? Hình ảnh bị cắt tóc "lôm nhôm", cắt xấu đi như thế trước mặt bạn bè chắc hẳn sẽ để lại trong lòng con một sự ám ảnh về mặt tâm lý. Tuổi 15, 16 "nổi loạn", trẻ bướng bỉnh và thích thể hiện cái tôi, vì vậy cách thức của giáo viên có thể nên mềm dẻo, có tình hơn", anh nói.
Ở cương vị là phụ huynh và là giáo viên chủ nhiệm cấp trung học cơ sở, chị Mỹ Dung (Hà Nội) cho biết, bản thân chị đã cho 2 con làm tóc xoăn nhẹ từ nhỏ vì tóc các con khá mỏng nhưng chị chủ động trao đổi với các cô chủ nhiệm lớp, hai bên đều vui vẻ cho các con được phép làm như vậy.
Trong trường hợp nói trên, có thể nữ sinh bất ngờ phá vỡ tinh thần chung của lớp nên cô mới có hành động như vậy để giữ được sự nghiêm túc trong môi trường lớp học. Cô nghiêm khắc là đúng, chỉ có điều hành xử như vậy có phần thiếu tinh tế, nhất là khi các con đang lớn lên trong xã hội tự do, cái tôi, cá nhân cao.
Theo chị Dung, hiện môi trường lớp học thường gây ra việc áp đặt chủ yếu từ người lớn nên các con luôn cảm thấy mình không được hiểu, không được cảm thông, từ đó tạo nên các xung đột. Các con đang lớn, việc khám phá bản thân, thử và trải nghiệm diễn ra phong phú. Người lớn cần cho con biết, trẻ được phép làm mới mình nhưng cố gắng trong khuôn khổ tôn trọng lớp học, môi trường chung. Nên định hướng cho các con hiểu thế nào là vừa đủ để đẹp, phù hợp lứa tuổi và lịch sự chứ không bị quá lố.
"Nhập gia tùy tục", khi theo học một trường nào đó có những quy định chung, cha mẹ cần hướng dẫn con biết cần tuân thủ. Việc cho phép các con thử khám phá bản thân không nên tạo sự bất ngờ, gây tình huống khó xử cho nhà trường. Nếu muốn thay đổi, phía gia đình nên có bước "dàn hòa", thông báo cho thầy cô để bày tỏ sự tôn trọng, cũng thể hiện cha mẹ có theo dõi, giám sát con. Còn trường hợp cha mẹ nhất định giữ sự lựa chọn và quyền riêng tư của con thì phải thay đổi môi trường học tập nào cho phép những điều đó.
Nói về cách ứng xử trong trường hợp này, chị Dung chia sẻ: "Thông thường, mình có bước thông báo riêng với gia đình trước. Trao đổi riêng, cho con 1 tuần để gia đình phân tích cho con hiểu. Nếu được là tốt. Chưa được, mình thông báo trong nhóm lớp với phần đính kèm "quy định chung" từ đầu năm học do cô và trò lập nên vào nhóm lớp PHHS.
Cuối cùng, mình sẽ gọi con ra, trao đổi riêng riêng trên tinh thần cởi mở, chân thành, xen lần vui vẻ và có thể đưa con ra tiệm nhuộm tóc con về màu cơ bản (tất nhiên, sau khi đã trao đổi với phụ huynh). Mình sẽ trả chi phí cho việc đó. Tốn một ít chi phí để cô giáo và học sinh hàn gắn, theo mình có thể chấp nhận được, và chỉ cần 1 lần làm gương là quá đủ".
"Nếu học sinh không nghe lời, giáo viên hoàn toàn có thể liên hệ với phụ huynh để đưa ra giải pháp phù hợp nhất"
Đánh giá về vụ việc giáo viên cắt tóc của nữ sinh, Thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu, tác giả sách "Từ ngại học đến ham học môn Ngữ Văn" cho rằng, đây là một hành động nhạy cảm và có thể gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần học sinh. Việc cắt tóc mà không có sự đồng ý của học sinh hoặc phụ huynh có thể khiến các em cảm thấy không tôn trọng và bị xúc phạm, mặc cảm, xấu hổ.
Bên cạnh đó, theo cô Thu, việc nữ sinh nhuộm tóc không phải là vấn đề lớn đến mức phải cần đến giáo viên cắt tóc. Cô giáo có thể nói chuyện và nhắc nhở em học sinh về quy định Nhà trường cũng như lớp học. Nếu em không nghe lời, giáo viên hoàn toàn có thể liên hệ với phụ huynh để đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
"Mình thấy, giáo viên đã không kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Đã là giáo viên thì trong bất kỳ trường hợp nào cũng nên phải giữ được tính chuyên nghiệp, tìm cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý và nhân văn.
Nếu mình là giáo viên đó, trong trường hợp này mình sẽ thử tìm hiểu nguyên nhân xem lý do tại sao học sinh không chịu hợp tác nhuộm lại tóc dù đã được nhắc nhở trước đó. Có thể là do vấn đề cá nhân nào đó, hoặc có nỗi khổ riêng khó nói,… Tìm hiểu được nguyên nhân giúp mình giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Sau khi biết nguyên nhân thực sự là gì, mình sẽ thảo luận trực tiếp với học sinh, có thể gọi riêng em đó ra để tâm sự, nói chuyện, cố gắng tìm hiểu quan điểm, lập luận của em rồi tìm cách giải quyết vấn đề một cách phù hợp. Mình cũng không yêu cầu học sinh nhuộm lại tóc ngay mà có thể đưa ra thời gian, hạn định để học sinh cùng thực hiện theo.
Nhưng sau những điều đó, học sinh vẫn không chịu hợp tác, mình sẽ liên hệ với phụ huynh để trao đổi về tình trạng của em. Cùng phụ huynh tìm ra giải pháp, nếu học sinh không chịu nhuộm lại tóc thì có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật theo quy định. Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, mình sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía nhà trường để giúp giải quyết vấn đề", cô Thu nói.
Tags