Thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng lại một lần nữa xôn xao trước thông tin 2 HLV đào tạo bóng đá trẻ Khánh Hòa "ăn chặn" tiền cầu thủ, làm thất thoát ngân sách của Nhà nước, thậm chí vụ việc có dấu hiệu hình sự.
Còn nhớ hồi đầu năm 2024, câu chuyện VĐV TDDC Phạm Như Phương tố bị "ăn chặn" một phần các khoản tiền thưởng trong quá trình thi đấu đạt thành tích và thu quỹ đội trái quy định từng khiến ngành thể thao một phen lao đao, gây bức xúc trong dư luận.
Cũng từ vụ việc nổi cộm đó mà lãnh đạo ngành thể thao cũng như các HLV làm việc trực tiếp ở các địa phương phải ngay lập tức tiến hành rà soát, chấn chỉnh lại mọi hoạt động liên quan đến công tác thu chi tài chính, kịp thời chấn chỉnh để tránh tái diễn những chuyện tương tự, để lại hệ lụy xấu cho thể thao Việt Nam.
Những tưởng câu chuyện đó chỉ là cá biệt, "bài học xương máu" cho tất cả những người đang công tác trong ngành thể thao, trực tiếp tham gia vào công tác tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo các VĐV. Thế nhưng, khi scandal HLV "ăn chặn" tiền cầu thủ trẻ của bóng đá Khánh Hòa bị công khai, Thanh tra Sở VH&TT tỉnh vào cuộc, đưa ra kết luận và chuyển vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra về các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự đối với HLV U17 và U19 Khánh Hòa thì thật sự hình ảnh của bóng đá Khánh Hòa, bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bóng đá trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đáng buồn thay, hai HLV Nguyễn Tý và Đặng Đạo, những cá nhân trực tiếp phải chịu trách nhiệm với những sai phạm này, đều từng trải qua quãng đời cầu thủ trưởng thành từ các lứa U, được đào tạo rồi sau đó thi đấu chuyên nghiệp, nghỉ thì về làm công tác huấn luyện.
Với những trải nghiệm thực tế đó, bao gồm cả những khó khăn, vất vả, sự chịu đựng và hy sinh, thấu hiểu mọi quy chế, quy định, những tưởng họ phải là tấm gương cho các thế hệ đàn em, con cháu của mình, những người coi họ là thầy.
Vậy mà giờ đây, khi làm HLV trưởng đội U17 và U19 Khánh Hòa, các HLV Nguyễn Tý và Đặng Đạo lại có hành động chiếm giữ tiền ăn và tiền công của VĐV, chi trả những khoản tiền này không đúng quy định, làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Cá biệt như trường hợp của HLV Đặng Đạo theo kết luận của Thanh tra Sở VH&TT Khánh Hòa, sai phạm diễn ra trong một thời gian dài, trong quá trình thanh tra, ông Đạo không nhận thức rõ hành vi vẫn tiếp tục sai phạm. Tất nhiên, việc xử lý, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có sai phạm và những người có liên quan trong vụ việc này đã và đang còn được tiếp tục.
Trước scandal "ăn chặn" tiền cầu thủ trẻ đầy tai tiếng này, trong những năm gần đây, bóng đá Khánh Hòa thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, các tin không vui về thành tích thi đấu, kinh phí hoạt động. Đội 1 của CLB Khánh Hòa bị rớt khỏi V-League phải xuống đá giải hạng Nhất 2024/25 và vào thời hạn chót đăng ký tham dự giải mới được FIFA gỡ án phạt cấm chuyển nhượng và được đảm bảo nguồn tài chính để tham dự mùa giải mới.
Nhìn rộng ra với bóng đá Việt Nam việc 2 đội bóng bỏ cuộc, giải hạng Nhất 2024/25 sẽ chỉ có 10 CLB tham dự chính là một hồi chuông báo động cho BTC cũng như những người trực tiếp làm công tác chuyên môn.
Khi mà thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng vẫn đang vất vả để khẳng định vị trí của mình tại đấu trường châu lục và thế giới thì những sự việc như scandal "ăn chặn" tiền cầu thủ trẻ nói trên thật sự là một nỗi đau, đáng để suy ngầm.
Tags