Vụ học sinh Trường Tiểu học Gateway tử vong: Phía sau sự hào nhoáng

Thứ Tư, 07/08/2019 19:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trên xe bus, người ta có thể sơ ý bỏ quên mũ, ví, điện thoại hay cả chiếc túi xách mang theo. Nhưng, khi một đứa trẻ 6 tuổi bị bỏ lại, không thể dùng từ “sơ ý” nữa.

Vụ học sinh Trường Tiểu học Gateway tử vong: Trách nhiệm thuộc về người lớn!

Vụ học sinh Trường Tiểu học Gateway tử vong: Trách nhiệm thuộc về người lớn!

Trong quyết định thành lập trường, không hề ghi là trường Quốc tế. Chữ “quốc tế” trong tên trường (Trường Tiểu học quốc tế Gateway) có thể do trường ngoài công lập quảng cáo để thu hút học sinh”, ông Phạm Ngọc Anh khẳng định. 

Chúng ta đang nói về cái chết tức tưởi của một bé trai 6 tuổi – học sinh trường Quốc tế Gateway tại Hà Nội - vào hôm qua 6/8.

Long, tên bé trai, được xe bus của trường đón đi học từ sáng sớm. Để rồi, em bị “bỏ quên” trên xe và chỉ được tìm thấy vào 9 tiếng sau, khi chiếc xe bắt đầu mở cửa để đón học sinh trở về nhà từ trường.

Long tử vong trên xe hay trên đường tới bệnh viện sau đó – câu hỏi ấy không còn quá quan trọng vào lúc này.

Bởi, đã có quá nhiều thứ khiến cộng đồng – và đặc biệt là các bậc phụ huynh – đau đớn khi nghe chuyện.

Chú thích ảnh

Trong tất cả những gì chúng ta có thể hình dung, việc bất ngờ mất đi một đứa con luôn là nỗi đau lớn nhất với một đời người. Đó là điều không ai được chuẩn bị trước để đón nhận – khi song hành cùng mỗi đứa trẻ luôn là hi vọng, niềm vui và động lực sống của những người làm cha mẹ.

Và ở nỗi đau ấy, cách mà Long thiệt mạng càng khiến nhiều người quặn lòng hơn – nếu đủ can đảm hình dung về những gì em trải qua.

Hết sức vô lý, khi giữa một thành phố gần 8 triệu dân, một đứa trẻ tội nghiệp lại phải bất lực, ngồi một mình đón cái chết trong chiếc xe đóng kín suốt 9 tiếng đồng hồ.

Như những gì được giải thích, sự vô lý ấy đến từ một loạt những sai sót cùng xảy ra theo một kịch bản khó tin.

Cô giáo monitor (quản lý trên xe) không phát hiện sự vắng mặt của học sinh (được cho là ngủ quên trên ghế) sau khi xuống xe. Đến lượt mình, lái xe cũng không giúp cô phát hiện điều này khi rời đi và cho xe vào bãi.

Rồi, oái ăm, cô chủ nhiệm biết Long không đến lớp, nhưng người phụ trách việc liên lạc với gia đình lại nghỉ phép – để câu chuyện cứ thế trôi đi cho đến cuối ngày.

Chỉ cần một trong những sai sót ấy không xuất hiện, có lẽ bi kịch đã không xảy đến.

***

Thẳng thắn, khi một dây chuyền có quá nhiều mắt xích cùng trục trặc, người ta thường nghĩ tới khái niệm “lỗi hệ thống” – thay vì giải thích bằng sự trùng hợp tình cờ.

Và trong bi kịch của Long, không khó để chỉ ra “lỗi hệ thống”: một học sinh không được quan tâm và bảo vệ chu đáo - theo đúng nghĩa của những từ này.

“Quan tâm”, “bảo vệ”, “yêu thương” ... là những khái niệm có phần cảm tính và khó định lượng. Nhưng  với trẻ em chắc chắn, chúng chỉ có tính thực tế nếu được tiếp cận từ một tư duy chung nhất: lấy suy nghĩ, cảm xúc và đặc tính của đứa trẻ làm trung tâm để điều chỉnh mọi hoạt động hướng về các em.

Gửi con đến trường, mọi phụ huynh đều cần điều ấy – trước khi nghĩ tới những câu chuyện xa hơn về phát triển sáng tạo,tư duy độc lập, kĩ năng mềm... vốn luôn xuất hiện trong các quảng cáo chiêu sinh.

Nói cách khác, vẫn có một khoảng cách giữa việc lấy học sinh làm trung tâm và việc làm hài lòng phụ huynh – những người trực tiếp trả học phí cho nhà trường. Đó là khoảng cách giữa thực chất bên trong và bề ngoài hào nhoáng.

Không phải ngẫu nhiên mà sau tai nạn của Long, nhiều phụ huynh đã uất ức và nghẹn ngào chỉ ra: nếu học sinh ngồi trên xe đã được điểm danh kỹ, xuống xe lại điểm danh một lần nữa, vào trong lớp đánh dấu từng cháu một với cô chủ nhiệm… thì không thể xảy ra chuyện “bỏ quên” các em trên xe bus.Việc thiết lập một hệ thống như vậy không khó – nếu người ta muốn làm một cách thực chất và nghiêm túc.

Cũng như, nếu chuyên làm dịch vụ đưa đón học sinh, một người lái xe có kinh nghiệm sẽ nắm được đặc điểm tâm lý, sinh hoạt của các em để biết cách hỗ trợ các giáo viên khi tổ chức đưa đón – dù điều ấy có hay không có trong hợp đồng.

Rõ ràng, với một đối tượng đặc thù là trẻ em, chất lượng của dịch vụ giáo dục không thể chỉ gắn với những mỹ từ khi chiêu sinh. Đẳng cấp của một ngôi trường cũng không thể chỉ đánh giá bằng thước đo từ mức học phí cao ngất khi cung cấp dịch vụ.

Rất đau lòng, chúng ta phải nói về bài học ấy, khi một đứa trẻ bị bỏ quên và chết thảm thương ở trường học – nơi lẽ ra chúng phải được bảo vệ một cách an toàn nhất theo lý thuyết.

Cúc Đường

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›