(Thethaovanhoa.vn) - Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan chức năng đã chủ động rà soát số liệu mặt hàng khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam thời gian vừa qua.
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Khaisilk làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu Việt'
- Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang Công an Hà Nội
- Tại sao không kiểm tra đồng loạt tất cả các điểm bán hàng Khaisilk?
Đây là thông tin vừa được ông Trần Đức Hùng, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan trả lời báo chí sáng 31/10.
Cụ thể, trả lời thắc mắc của phóng viên liên quan đến thông tin Khaisilk thừa nhận nhập khẩu khăn Trung Quốc nhưng dán mác “Made in Vietnam,” ông Hùng cho hay, phía Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát số liệu đối với mặt hàng khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc. Chưa công bố nhưng theo ông Hùng, con số cụ thể sẽ được cung cấp cho phía cơ quan điều tra
Nói thêm về vấn đề này, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng, không phải khi sự việc trên, ngành hải quan mới tổng hợp số liệu. Ông khẳng định, số liệu về mặt hàng khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp đều có tại hệ thống hải quan.
Trước đó, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về vụ việc một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “Khaisilk Made in Vietnam” nhưng lại có cả mác “Made in China”.
Ngay sau đó, ngày 26/10, Văn phòng Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên.
Sau đó, theo báo cáo của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cơ quan chức năng đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh hàng dệt may tại 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh.
Bước đầu bà Nguyễn Thị Thu Nga thừa nhận, mặc dù chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất song do sơ xuất trong khâu quản lý dịp 20/10 vừa qua và do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China" sau đó khâu đính nhãn "KhaiSilk Made in Vietnam" để bán cho khách hàng.
Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn chỉ dẫn giả mạo xuất xứ là 60 chiếc, cơ sở đã bán 4 chiếc hiện còn tồn 56 chiếc. Hiện giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc nên tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng
Ngày 30/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng cảnh sát kinh tế (Công an Hà Nội) đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may trên.
Về phía ngành thuế, trong phát biểu mới nhất ngày 27/10, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện đánh giá việc chấp hành nghĩa vụ thuế của Tập đoàn Khaisilk.
Theo Xuân Dũng - Vietnam+
Tags