Vụ lộ đề thi năm 2021: Lỗ hổng trong xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi

Thứ Hai, 19/06/2023 15:53 GMT+7

Google News

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa quyết định ngày 29/6 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án làm lộ đề thi môn Sinh học tại Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021. 

Hai bị cáo trong vụ án này tại thời điểm phạm tội đều là chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm: Phạm Thị My (sinh năm 1963) và Bùi Văn Sâm (sinh năm 1949), bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 1 - Bộ luật Hình sự.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt, đợt 1 từ ngày 6 đến ngày 9/7/2021, đợt 2 từ ngày 5 đến ngày 7/8/2021. Sau khi kết thúc kỳ thi đợt 1, dư luận, báo chí phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn Sinh học. Theo đó, đề thi môn Sinh học “giống 80%” so với đề ôn tập trên mạng Intenet của ông Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Tĩnh). Cơ quan điều tra đã vào cuộc tiến hành xác minh, điều tra vụ án này.

Định hướng mã đề làm nguồn xây dựng đề thi

Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác ra đề thi theo 2 giai đoạn: Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và tổ chức ra đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Hai bị cáo: Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021; trong đó Bùi Văn Sâm làm Tổ trưởng và Phạm Thị My làm Tổ phó, cùng với một số giáo viên khác làm thành viên.

Về tổ chức ra đề thi, ngày 8/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định thành lập Hội đồng ra đề thi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 phân công Phạm Thị My là Tổ trưởng tổ ra đề thi môn Sinh học, Bùi Văn Sâm tham gia với tư cách thẩm định.

Do Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm đã tham gia tổ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi các năm trước (2019, 2020) và biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên, nên năm 2021, My, Sâm đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sau đó sắp xếp vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn xây dựng thành đề thi chính thức.

Vụ lộ đề thi năm 2021: Lỗ hổng trong xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Hồng Giang - TTXVN

Cụ thể, trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, My mang tài liệu ra khỏi khu vực quy định, các tài liệu gồm: Bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn, là những ý tưởng mới của My, Sâm. Phạm Thị My đánh máy đưa vào hộp đựng kính của mình mang về nhà. My đã chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính cá nhân ở nhà rồi in ra 2 bản (là bộ 40 ô câu hỏi môn Sinh học do Sâm, My cùng thiết kế). My giữ 1 bản và chuyển cho Sâm 1 bản. Sau khi nhận các tài liệu trên, Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, rồi trao đổi với My để My ghi chép lại đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính; sau đó đưa các nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.

Do năm 2019 và năm 2020, Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm đã tham gia Tổ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa và Hội đồng ra đề thi, nên biết được quy luật rút câu hỏi do phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo thứ tự xếp hạng câu hỏi. Vì vậy, năm 2021, Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm thống nhất sắp xếp các câu hỏi do Sâm và My đã biên soạn, biên tập vào các vị trí trong 40 ô câu hỏi của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, với mục đích để khi máy tính rút các câu hỏi làm nguồn xây dựng đề thi, các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp. Sau đó, khi tham gia Hội đồng ra đề thi sẽ chọn các tổ hợp câu hỏi này để Tổ Sinh học xây dựng đề thi chính thức.

Với vai trò là Tổ phó, Phạm Thị My được giao phụ trách máy tính chủ của tổ, có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát kết quả xếp hạng câu hỏi của các thành viên trong tổ trên bản giấy và phần mềm máy tính. Sau khi sắp xếp các câu hỏi trên bản giấy, các thành viên trong tổ, chuyển lại cho Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm để thẩm định (chỉnh sửa nội dung, chính tả, đáp án và thống nhất điều chỉnh vị trí sắp xếp theo thứ tự ưu tiên). Lúc này, My kiểm tra và điều chỉnh vị trí các câu hỏi thi theo chủ ý của My.

Lộ đề thi cho những người thân quen

Quá trình tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi phục vụ ra đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My đã sử dụng các câu hỏi thi do Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My soạn thảo, đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi cho một số học sinh lớp 12 là các mối quan hệ họ hàng, quen biết có nguyện vọng xét tuyển Đại học khối B.

Khi giảng dạy, ôn tập cho các học sinh, Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My không nhận tiền của phụ huynh, học sinh mà vì nể nang, tình cảm cá nhân do họ hàng và người thân, quen giới thiệu.

Quá trình điều tra, Bùi Văn Sâm đã tự nguyện giao nộp 3 tập tài liệu do Phạm Thị My in và chuyển cho Bùi Văn Sâm. Kết luận giám định của Hội đồng giám định Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định: Tập “tài liệu bị can Bùi Văn Sâm cung cấp” với “4 tổ hợp đề thô 210, 211, 212, 213” có nội dung các câu hỏi giống nhau từ 75% đến 95%. Tập “tài liệu bị can Bùi Văn Sâm cung cấp” với “4 tổ hợp để chính thức 210, 211, 212, 213” có các câu hỏi giống nhau trên 70%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định các tài liệu trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa không thuộc danh mục bí mật nhà nước, tuy nhiên do các tài liệu này sẽ có thể được sử dụng để làm đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông nên Bộ Giáo dục và Đào tạo có các quy định bảo mật đối với các tài liệu này. Theo quy định, các chuyên gia tham gia biên soạn câu hỏi thô; thẩm định, biên tập, phân tích câu hỏi thi và các cán bộ điều phối của trung tâm không được phép đem theo bất cứ tài liệu, vật dụng nào vào khu vực xây dựng câu hỏi ngân hàng thi chuẩn hóa và cũng không được phép mang các tài liệu, vật dụng liên quan đến câu hỏi thi ra khỏi khu vực xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa; các chuyên gia và cán bộ điều phối của Trung tâm trực tiếp tiếp xúc câu hỏi không được phép cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, Trung tâm Khảo thí quốc gia yêu cầu các chuyên gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi ký Bản cam kết bảo mật theo quy định.

Vụ lộ đề thi năm 2021: Lỗ hổng trong xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình so sánh đề thi môn Sinh của thầy Phan Khắc Nghệ và đề chính thức của Bộ GD-ĐT. Ảnh: Đ.H/Dân trí

Về phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban đầu hoạt động theo cơ chế chọn ngẫu nhiên và áp dụng trong Hội đồng ra đề thi năm 2018. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thì năm 2019, theo yêu cầu, chỉ đạo của ông Sái Công Hồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Trung học Phổ thông), Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi và chủ tịch Hội đồng ra đề thi năm 2018, 2019, 2020 về việc cần đảm bảo yêu cầu cân bằng độ khó giữa các câu hỏi trong tổ hợp câu hỏi thi mang đi thử nghiệm và giữa các tổ hợp câu hỏi được chọn cần phải có sự liên kết, đã yêu cầu ông Đỗ Thế Chuẩn (cán bộ Trung tâm Khảo thí quốc gia) được giao phụ trách quản lý phần mềm đã chỉnh sửa phần mềm bằng cách viết mã nguồn (code) mới để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi và thay đổi tính năng sinh đề của phần mềm. Do đó, phần mềm không còn được rút ngẫu nhiên nữa mà sẽ rút được các tổ hợp câu hỏi, trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.

Kết quả điều tra, thu thập tài liệu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định: Việc sử dụng phần mềm rút các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi tại Hội đồng ra đề thi các năm 2019, 2020 và 2021 không theo nguyên tắc ngẫu nhiên mà đã được thực hiện theo quy luật các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng đều được rút vào cùng một tổ hợp.

Vai trò của các cá nhân có liên quan

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, đối với ông Sái Công Hồng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Trung học Phổ thông) và ông Đỗ Thế Chuẩn (Cán bộ Trung tâm Khảo thí quốc gia), đã chỉnh sửa, thay đổi cơ chế xuất đề của phần mềm dẫn đến phần mềm sử dụng tại Hội đồng ra đề thi không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên, vi phạm quy định của quy chế thi Trung học Phổ thông và một số cá nhân có trách nhiệm liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an kết luận chưa có cơ sở xác định những người trên có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác và không biết các bị can thực hiện hành vi phạm tội, nên không có căn cứ xử lý hình sự. Cơ quan điều tra đã ban hành văn bản kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm nêu trên và kiểm tra, rà soát quy trình, quy chế để khắc phục sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra sai phạm tương tự.

Đối với ông Phan Khắc Nghệ, giảng dạy trên mạng Internet có nhiều nội dung giống với tài liệu do Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm biên soạn và đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông môn Sinh học năm 2021. Tuy nhiên, kết quả điều tra đến nay không có căn cứ xác định ông Phan Khắc Nghệ có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác hoặc cố ý làm lộ bí mật công tác, nên không có căn cứ xử lý. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh về việc kiểm điểm, chấn chỉnh đối với ông Phan Khắc Nghệ. Ngày 14/2/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp kiểm điểm ông Phan Khắc Nghệ đã gây dư luận không tốt, phần nào ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giáo dục và Đào tạo và Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Tĩnh.

Đối với các giáo viên tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học, căn cứ kết quả điều tra chưa phát hiện có vi phạm, nên không có căn cứ xem xét, xử lý.

Đối với các học sinh, phụ huynh và những người giới thiệu để hai bị cáo Bùi Văn Sâm, Phạm Thị My giảng dạy, ôn thi; Cơ quan điều tra xác định những người này không biết Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My đã sử dụng tài liệu liên quan đến quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi, vì vậy không có căn cứ xem xét, xử lý.

Kim Anh/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›