Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thông tin vào chiều tối 25/4, lực lượng QLTT TP.Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Sản xuất Tràng Tiền số 10 (địa chỉ tại thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội) do bà Phạm Thị Ngạn làm giám đốc.
Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ gần 9.400 hộp kem sữa đặc (tương đương gần 10 tấn) do nước ngoài sản xuất quá hạn sử dụng cùng 30.000 cây kem thành phẩm trên bao bì ghi "Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Sản xuất Tràng Tiền số 10".
Làm việc với đoàn kiểm tra, bà Phạm Thị Ngạn trình bày số hàng trên được bà mua về để làm nguyên liệu sản xuất. Đối với thành phẩm, số kem này vừa được sản xuất trong ngày và dùng nguyên liệu từ lô kem sữa hết hạn sử dụng đang có tại cơ sở. Mỗi que kem thành phẩm được cơ sở của bà Ngạn bán ra với giá 1.800 đồng.
Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết sữa đặc có đường là loại sữa tương đối an toàn. Nhưng trong trường hợp sữa quá hạn, dùng trực tiếp pha uống thì sẽ có khả năng gặp rủi ro.
Theo PGS Thịnh, rất nhiều trường hợp đã dùng sữa đặc quá hạn để sản xuất bánh kẹo và sản xuất những sản phẩm khác. Trong trường hợp này, điều đáng ngại nhất là sữa đã bị nhiễm khuẩn. Sử dụng trực tiếp một lượng vừa hoặc lượng lớn sữa đặc quá hạn có thể gây ngộ độc thực phẩm và dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau dạ dày và tiêu chảy.
"Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, hoặc nếu cơ thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu mất nước, thì người dùng nên cân nhắc tìm đến các bác sĩ và chuyên gia y tế", PGS Thịnh nói.
Tags