(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi chiếc máy bay Airbus A321 của Nga bị rơi ở Ai Cập làm hơn 200 người thiệt mạng, một lực lượng có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đứng ra nhận trách nhiệm. Dù thiếu chứng cứ cho tuyên bố của mình, IS vẫn khiến dư luận không khỏi lo lắng.
- Vụ rơi máy bay Nga: Kiểm tra pháp y các nạn nhân tìm dấu hiệu của thuốc nổ
- Bùng nổ thuyết âm mưu quanh máy bay Nga
- Xuất hiện bằng chứng cho thấy máy bay Nga rơi ở Ai Cập không trúng tên lửa của IS
- Rơi máy bay Nga ở Ai Cập: 4 kịch bản đáng chú ý nhất về thảm kịch chết chóc
- IS tung video khẳng định bắn rơi máy bay Nga
Một nước cờ truyền thông đầy tính toán
Các chuyên gia và cả giới chức Ai Cập lẫn Nga đều bác bỏ thông tin do nhóm này đưa ra. Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC trong ngày 3/11, Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi nói rằng tuyên bố của nhóm chỉ nhằm mục đích “tuyên truyền” và vẫn còn quá sớm để xác định nguyên nhân gây ra thảm kịch.
"Thông tin tuyên truyền cho rằng máy bay rơi là do hoạt động của IS thực tế chỉ nhằm gây tổn hại tới sự ổn định và an ninh, cũng như hình ảnh của Ai Cập. Tin tôi đi, tình hình ở Sinai đã được kiểm soát hoàn toàn” – ông nói. Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng có quan điểm tương tự. Ông khẳng định chưa có chứng cứ trực tiếp nào cho thấy khủng bố liên quan tới vụ rơi máy bay Nga.
Các chuyên gia chỉ thống nhất rằng việc xác máy bay trải dài trên một khu vực rộng lớn cho thấy nó đã vỡ tung trên trời. Máy bay gặp nạn khi đang di chuyển ở độ cao hành trình, khoảng 9km so với mặt đất. Ở độ cao lớn như vậy, nhóm “Tỉnh Sinai” và các lực lượng liên quan tới IS sẽ cần phải có trang thiết bị và vũ khí phòng không phức tạp, bên cạnh nhân lực được đào tạo kỹ, mới có thể bắn hạ chiếc máy bay.
Nhưng dù không có chứng cứ ủng hộ tuyên bố của mình, IS vẫn khiến dư luận phải chú ý. “Chi nhánh IS ở Ai Cập đã thành công trong việc định hình câu chuyện về vụ rơi máy bay” - Giáo sư Fawaz Gerges từ Trường Kinh tế và khoa học chính trị London nhận xét – “Đó là điều IS quan tâm.
Chúng muốn chứng tỏ khả năng (gây họa), sự bất khả chiến bại... nhằm thuyết phục những kẻ ủng hộ, rằng mình đủ sự mạnh mẽ để trả đũa các kẻ thù, đặc biệt là nước Nga”.
Càng lâu xác định nguyên nhân, IS càng có lợi
Theo các chuyên gia, cơ quan điều tra càng mất nhiều thời gian để xác định nguyên nhân vụ rơi máy bay thì hoạt động tuyên truyền của IS càng được lợi.
"Trên phương diện nhận thức của dư luận, IS đã tạm thời chiến thắng. Chúng đã giành được quyền gây ảnh hưởng tới các cuộc bàn tán của dư luận trong một thời gian” - HA Hellyer, một chuyên gia về các vấn đề Arab ở Học viện Royal United Services tại London, đánh giá.
Cũng theo ông, IS không thể bắn hạ chiếc máy bay Nga. Nhưng không loại trừ khả năng chúng đã ra tay cài bom. "Về lý thuyết, hoàn toàn có khả năng IS đã hạ chiếc máy bay bằng cách gài thuốc nổ lên thân nó. Hướng giả thuyết này cũng sẽ nêu lên các câu hỏi khác về tình hình an ninh ở sân bay Sharm el-Sheikh của Ai Cập” - Hellyer đánh giá – “Nhưng để hạ một chiếc máy bay ở độ cao lớn như thế, IS sẽ cần một cơ sở ủng hộ lớn ở địa phương, điều chúng chưa thực hiện được trong giai đoạn hiện nay”.
Tuyên bố của IS “có sức nặng”
Bán đảo Sinai, nơi nằm gần Israel và Dải Gaza của người Palestine, từ lâu nay đã diễn ra nhiều hoạt động phiến loạn. Các hoạt động này bùng nổ dưới sự dẫn dắt của IS, đặc biệt sau khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi vào năm 2013.
Và không phải ai cũng xem nhẹ tuyên bố của lực lượng “Tỉnh Sinai”. Mathieu Guidere, một chuyên gia về khủng bố ở Đại học Toulouse, Pháp, nói rằng tuyên bố của chúng “có sức nặng”.
“Tài khoản Twitter và các trang web khác đăng tải tuyên bố (của lực lượng Tỉnh Sinai) chưa từng xuất bản thông tin gì sai. Tuyên bố cũng được đưa ra theo cùng một phong cách giống với những lần trước đây” – ông nhận xét.
Nhưng cho dù nguyên nhân khiến máy bay rơi là gì, rõ ràng sẽ chỉ có nền kinh tế Ai Cập là chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hàng triệu du khách, gồm rất nhiều người Nga, đã đổ tới Sharm el-Sheikh để nghỉ dưỡng. "Câu chuyện của IS có tác động trực tiếp tới ngành du lịch, hiện đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ 4 năm bất ổn định ở Ai Cập” - Gerges nói.
Nhưng các công ty du lịch Nga không đồng tình với nhận định này. Họ cho rằng bất chấp thảm kịch, về lâu dài, du khách Nga vẫn sẽ đổ tới Ai Cập.
“Nếu khả năng khủng bố được xác nhận, du khách hẳn sẽ quan ngại” - ông Yury Barzykin, Phó Chủ tịch Liên minh ngành du lịch Nga cho biết - “Nhưng một khi các biện pháp an ninh được triển khai và thông báo rộng rãi, sự sụt giảm (của lượng khách du lịch) sẽ không quá mạnh”.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Tags