Ngày 29/3, hãng Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết sau vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị công bố thêm một số kế hoạch nhằm củng cố năng lực giám sát ngân hàng của cơ quan chức năng, dự kiến sớm nhất là trong tuần này.
Tổng thống Biden dự định sẽ thúc đẩy việc tái áp đặt cơ chế giám sát đối với những ngân hàng có tổng tài sản trong khoảng 100-250 tỷ USD, mà Quốc hội và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) từng nới lỏng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các biện pháp này đang được xem xét và nhiều khả năng sẽ không dẫn đến sự thay đổi lớn trong luật hiện hành. Nhà Trắng cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng các biện pháp này được thông qua tại Quốc hội đang chia rẽ.
Thay vào đó, Chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu FED, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) và Văn phòng Tài chính tiền tệ chịu trách nhiệm thực thi. Theo các nhà phân tích, một loạt các bước đi khác có thể bao gồm nâng yêu cầu về vốn ngân hàng, củng cố các biện pháp đánh giá sức chịu đựng và khả năng ứng phó trước các sự kiện bất thường có thể xảy ra, cũng như các kế hoạch giúp các ngân hàng có thể vượt qua an toàn.
Phản ứng trước vụ sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ và khó khăn tại ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), các chuyên gia Hy Lạp mới đây đã kêu gọi hành động thận trọng và và nhanh chóng.
Các chuyên gia nhận định dù chưa có mối đe dọa tức thời đối với Hy Lạp, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế châu Âu, cũng như nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chính năm 2008 khó xảy ra, song các nước vẫn cần cảnh giác trước diễn biến tiêu tiêu cực như vậy trong ngành ngân hàng. Phó Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học Kapodistrian, bà Valia Aranitou đã bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay. Lạm phát tăng lên đặt ra yêu cầu các ngân hàng nâng lãi suất để kiềm chế đà tăng.
Đây cũng chính là nguy cơ đối với hệ thống ngân hàng Mỹ. Dù hệ thống ngân hàng Hy Lạp vẫn đang ổn định, song thật khó lường trước tác động đối với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng nước này, cũng như của châu Âu khi xảy ra khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Mỹ.
Cùng chung quan điểm, Giáo sư danh dự tại Khoa Kinh tế của Đại học Kapodistrian, ông Panagiotis Petrakis nhấn mạnh chừng nào lãi suất còn tăng, các danh mục đầu tư đều sẽ gặp rủi ro, chẳng hạn như đầu tư vào trái phiếu trong dài hạn sẽ bị giảm giá trị, kéo theo sự xuất hiện của các cuộc khủng hoảng nhẹ trong hệ thống ngân hàng. Theo chuyên gia này, ngân hàng có sự liên kết chặt chẽ với nền kinh tế, do đó cần phải theo dõi cẩn thận các diễn biến.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, ông Yannis Stournaras tuyên bố căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sĩ đã không gây ra phản ứng chuỗi, khẳng định hệ thống ngân hàng toàn cầu hiện nay đã có sự cải thiện về khả năng thanh khoán và lượng vốn. Tuy nhiên, ông tin rằng vẫn cần triển khai thêm các bước để tăng cường an ninh của hệ thống ngân hàng châu Âu, như hoàn tất cơ chế đảm bảo tiền gửi của Liên minh châu Âu (EU).
Tags