Vụ tai nạn máy bay Germanwings ở Pháp: Nỗi lo an toàn quanh cửa vào khoang lái

Thứ Sáu, 27/03/2015 06:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tin tức cơ phó chiếc máy bay Airbus A320 thuộc hãng Germanwings đã cố tình khóa trái cửa khoang lái rồi đâm máy bay vào núi đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Sự kiện đồng thời cũng đặt ra nhiều dấu hỏi quanh công tác đảm bảo an toàn khoang lái.

Trước tiên là vì sao trong thời đại an toàn hàng không được tăng cao lại có chuyện một viên phi công được quyền điều khiển máy bay một mình, như trong vụ Germanwings.

Khi khoang lái giúp bảo vệ kẻ xấu

Chuyên gia phân tích hàng không David Soucie của hãng tin CNN nói rằng các hãng hàng không Mỹ luôn yêu cầu một tiếp viên vào khoang lái thế chỗ khi có phi công rời khoang lái, để đảm bảo luôn có 2 người hiện diện. Tuy nhiên không phải hãng hàng không quốc tế nào cũng áp dụng quy định này.

Vào thời điểm bài báo này lên khuôn, Germanwings và công ty mẹ Lufthansa vẫn chưa trả lời câu hỏi của báo chí quốc tế gửi tới, hỏi rằng các phi công lái chiếc Airbus A320 đâm vào núi có phải tuân theo nguyên tắc trên không. Nhưng trên vào thông tin do cơ quan công tố Pháp cung cấp cho báo chí thì việc đưa tiếp viên vào thay cho phi công đã không diễn ra.


Một khi khóa phụ của cửa ra vào khoang lái máy bay A320 đã được kích hoạt, không ai có thể xâm nhập vào trong

Cụ thể, thông tin trích xuất từ thiết bị ghi giọng nói trong buồng lái chỉ cho thấy cơ trưởng đẩy ghế lái về phía sau và bước ra ngoài. Hoàn toàn không có tiếng ông hay cơ phó yêu cầu một tiếp viên vào thế chỗ mình trong buồng lái. Sau đó là tiếng cơ trưởng gõ cửa nhẹ nhàng vào cửa buồng lái, nhưng không có tiếng trả lời từ phía cơ phó.

Peter Goelz, cựu giám đốc điều hành Ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ, nói rằng sau các vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ, nhiều nhóm nghiên cứu an ninh hàng không đã tập trung chú ý vào việc thay đổi quy trình hoạt động để ngăn chặn việc đánh cướp máy bay.  

"Họ đã bàn rất nhiều về việc liệu chúng ta có nên trao cho các thành viên ngẫu nhiên trong phi hành đoàn phương thức để vào khoang lái" - ông nói với hãng tin CNN - "Nhưng họ quyết định rằng từ quan điểm an ninh, anh chẳng thể đảm bảo việc những kẻ bên ngoài phi hành đoàn sẽ không biết được bí mật này".

Chuyên gia hàng không Scott Hamilton lại có quan điểm khác. Ông nói rằng việc bố trí một phương thức để vào được trong khoang lái khi cần thiết có thể đã giúp ngăn chặn thảm kịch của Germanwings. "Tôi không biết chính sách của tập đoàn Lufthansa là gì nhưng nếu một tiếp viên có mặt trong khoang lái, cô ấy có thể đã giúp phi công (cơ trưởng) vào trong" - ông nói.

Pháo đài "bất khả xâm phạm"

Goelz cho biết thay vì nghiên cứu sâu hơn về quy trình ra vào khoang lái, các biện pháp tăng cường an ninh thời hậu 11/9 chỉ tập trung vào việc bọc thép khoang lái, cánh cửa để ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài. Các phi công cũng phải thực hiện nhiều quy trình an toàn nhằm đảm bảo họ sẽ lái máy bay theo cách thức rất khác trong tình huống có một vụ đánh cướp xảy ra.

"Những cánh cửa vào khoang lái đó được chế tạo để chống lại đạn bắn và một vụ nổ do lựu đạn gây ra. Bạn không thể chỉ dùng sức mình mà hạ được chúng" - phi công Desmond Ross nói với hãng tin CNN.


Hình ảnh của cơ phó Andreas Lubitz, 28 tuổi, người đã cố tình lao máy bay của hãng Germanwings vào núi

Các chuyên gia hàng không khác cũng cho biết cửa vào khoang lái sẽ tự động khóa ngay khi người ta đóng nó lại. Phi công ở ngoài khoang lái có thể vào trong bằng cách nhập mã an toàn lên cánh cửa.

"Phương thức này thường sẽ hiệu quả" - Hamilton nói - "Nhưng nếu người trong khoang lái sử dụng hệ thống khóa phụ thì phi công sẽ không thể vào trong". Ross cho biết hệ thống khóa phụ này thực ra chỉ là một "công tắc đơn giản" trên bảng điều khiển máy bay. Công tắc này có 3 vị trí để phi công lựa chọn, tương ứng với 3 trạng thái của khóa phụ gồm: "Khóa, bình thường và mở khóa".

"Có một chiếc camera giám sát gắn ngoài cửa để người trong khoang lái biết rằng đồng nghiệp của mình đang trở lại, hay đó chỉ là một kẻ tìm cách đột nhập vào trong" - Ross nói, cho biết thêm rằng nếu một viên phi công rời khoang lái không thể trở lại sau khi nhập đúng mã an toàn thì có nghĩa "kẻ bên trong đang cố tình ngăn không cho anh ta vào".

Geoffrey Thomas, Tổng biên tập trang web airlineratings.com tuy tín, cho biết nếu khóa phụ này đã được kích hoạt, sẽ không ai có thể vào trong khoang lái máy bay A320.

Tăng cường khả năng giám sát máy bay

Vụ cơ phó đâm máy bay vào núi cũng làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc người ta có nên lắp camera giám sát trong khoang lái. Tuy nhiên đây là ý tưởng đã bị các phi công phản đối kịch liệt.

Phi công kiêm chuyên gia hàng không Jim Tilmon nói rằng trong khi nhiều hành khách thích thú với ý tưởng này, từ quan điểm của các phi công thì các camera sẽ khiến họ không thoải mái khi làm việc. Nó giống như một sự xâm phạm riêng tư không cần thiết.

Phi công kiêm nhà văn nổi tiếng Karlene Petitt cũng phản đối. "Nếu có kẻ nào đó trong khoang lái muốn làm chuyện xấu, anh ta chỉ việc đứng lên, dùng áo hoặc mũ chụp vào máy ghi hình" - cô nói - "Tiền dùng để lắp camera có thể tiêu vào những thứ khác tốt hơn".

Soucie cho rằng cải tiến thông minh và cần thiết nhất hiện nay là lắp thiết bị truyền tải trực tiếp dữ liệu hoạt động của máy bay xuống cơ quan kiểm soát mặt đất. "Mỗi khi tai nạn hàng không xảy ra, chúng ta lại giống như những nhà khảo cổ, khi phải tìm kiếm những chiếc hộp đen của máy bay" - ông nói.

Cơ phó đã lao máy bay Germanwings vào núi là ai?

Andreas Lubitz, viên phi công 28 tuổi người Đức và là cơ phó chuyến bay mang số hiệu 4U9525 của hãng Germanwings, đã cố tình lao máy bay vào vách núi sau khi khóa trái cửa vào khoang lái.

Thông tin kinh hoàng về 10 phút cuối cùng của chiếc máy bay đã được công tố viên Bryce Robin của Marseilles (Pháp) xác nhận tại một cuộc họp báo diễn ra ngày 26/3. Ông nói với các phóng viên: "Chúng tôi đã có được đoạn ghi âm của 30 phút cuối. Trong 20 phút đầu, các phi công đã nói chuyện với nhau rất bình thường. Rồi chúng tôi nghe thấy cơ trưởng đề nghị cơ phó lái máy bay. Tiếp đó là tiếng một chiếc ghế bị đẩy về phía sau và cánh cửa đóng lại. Vì thế chúng tôi cho rằng ông ấy đã đi vệ sinh hoặc làm gì đó.

Từ thời điểm này, cơ phó nắm quyền kiểm soát máy bay và trong khi ở lại một mình, anh ta đã... sử dụng hệ thống giám sát chuyến bay và bắt đầu hạ độ cao máy bay. Hành động lựa chọn độ cao này chỉ có thể thực hiện một cách tự nguyện".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›