(Thethaovanhoa.vn) - Như biết bao các comment trên mạng, tôi cũng đã nguyền rủa hai nghi phạm vụ thảm sát ở Bình Phước. Tôi muốn hung thủ phải đền tội ở mức cao nhất, tất nhiên không phải là kiểu... hành hình như thời trung cổ như những ý kiến quá khích (có người thậm chí còn đòi... tru di tam tộc).
Căm phẫn của công chúng là điều dễ hiểu. Tôi cũng căm phẫn. Thế nhưng, khi nghe hoang tin bố của một nghi phạm quẫn trí tự tử (nhưng bất thành), tôi bỗng giật mình. Cùng lúc đó lại có tin, mẹ của nghi phạm nhiều lần lao đầu vào tường để quyên sinh.
Tôi giật mình vì nhớ đến những nỗi đau bên ngoài các vụ án chấn động dư luận gần đây. Bố sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ sát hại người tình, bị tai nạn giao thông chết trên đường, còn mẹ thì bị thương ngay trước phiên tòa phúc thẩm năm 2010.
Còn gia cảnh của sát thủ Lê Văn Luyện (giết gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang) còn thê lương hơn: Bố và 5 người thân đi tù vì liên đới, mẹ phát bệnh tâm thần, em trai bỏ học. Ông nội già yếu luôn đau đớn, dằn vặt, khổ tâm, không dám xuất hiện trước đám đông và luôn cảm thấy nhục nhã. Ngôi nhà của gia đình Luyện trước kia giờ đã trở thành hoang phế.
Nghi phạm Nguyến Hải Dương và Vũ Văn Tiến
Thông tin mới nhất về vụ thảm sát ở Bình Dương cho thấy, bố nghi can Vũ Văn Tiến chưa chắc đã phải tự tử mà do có thể do mất tập trung, nên tông xe vào cầu. Ông bị bất tỉnh một lúc lâu, may mắn được người dân phát hiện và đưa về nhà. Sau vụ việc, nạn nhân bị trầy xước, mắt trái đỏ bầm, vùng da quanh mắt trầy xước nhiều, chiếc xe bị hư hỏng nặng.
Chưa rõ nguyên nhân của tai nạn, nhưng có thể thấy ngay cú sốc lớn mà gia đình hai nghi can đang phải chịu đựng. Ai làm, nấy chịu. Ai sinh ra nghiệp thì người đó phải gánh chịu. Nhân – quả có thể ở ngay kiếp này, nào phải đợi đến kiếp sau đâu. Thế nhưng, người Việt Nam cũng có câu “Con dại, cái mang”. Cảm giác tội lỗi (vì con cái mình gây ra tội ác), và áp lực của dư luận chắc chắn sẽ không buông tha hai gia đình này, nhất là trong quá trình điều tra xét xử vụ thảm sát tới đây.
Kẻ có tội phải bị trừng trị thích đáng. Nhưng các thân nhân của họ - những người không dính dáng tới vụ án - thì đương nhiên không có lỗi gì trước pháp luật. Xét ở một khía cạnh nào đó, họ còn là nạn nhân của những đứa con nghịch tử, bất hiếu. Vậy có nên chồng lên họ những áp lực không đáng có? Bài học của gia đình Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện vẫn còn đó.
Ở một số nước, nghi phạm đến khi ra tòa vẫn được bảo vệ hình ảnh. Ở ta có thể không cần thiết phải như vậy, nhưng các thân nhân rất cần bảo vệ hình ảnh, uy tín, danh dự trong cộng đồng. Tòa án lương tâm trong họ tự kết tội họ là đủ rồi. Họ vẫn cần phải sống, và sống tốt hơn gấp nhiều lần để trả nợ thay cho những đứa con bất hiếu của mình, để bù đắp cho xã hội, cộng đồng...
Muốn thế thì trước tiên hãy rộng lòng để họ được sống yên ổn.
Đăng tải hình ảnh, tiếp cận, truy vấn thân nhân các nghi phạm nên chăng chỉ dừng ở một mức độ nào đó, phục vụ quá trình điều tra, làm rõ vụ án. Với sự lan tỏa của thời đại internet, thì thân nhân của họ không những phải tủi hổ trước cộng đồng nhỏ xung quanh mình, mà có bỏ đi biệt xứ cũng không thể thoát được. Vì thế hãy ứng xử đúng đắn để khỏi khiến họ nghĩ quẩn, làm liều...
Đối với các nạn nhân của vụ án cũng vậy. Người chết thì đã chết rồi. Có đáng không khi đặt ra nghi vấn em bé 18 tháng tuổi là con riêng của nghi phạm với nạn nhân Ái Linh? Hay cả chuyện scandal tiền bạc của con gái ông Mỹ với người yêu cũ – nó có thực sự liên quan đến vụ thảm sát này không? Có đáng phải khơi lại quá khứ của một người đã chết?
Vụ án đã xảy ra rồi. Kẻ có tội sẽ phải đền tội. Chẳng ai muốn có thêm nghiệp chướng đổ xuống những mái đầu bạc, những người vô tội.
Ngô Khởi
Tags