Trong thơ, tác giả Vũ Thị Huyền Trang từng viết: “Người lớn kể cổ tích cho trẻ con nghe/ Nhưng người lớn không tin vào cổ tích/ Trẻ con là phép thử/ Sự thiện lương trong gốc rễ con người”.
Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY
Một bà già sống trong “phố nhà âm”, nền nhà thấp hơn mặt đường; một người vợ trẻ sáng ấy phải đi nhận xác chồng sau cái đêm anh ta say rượu lạc vào giường người yêu cũ; một người chị lưỡng tính đi tìm hạnh phúc trong cầu thang tối nhà mình với cô sinh viên tới trọ học… Những thân phận ấy, nỗi éo le, thua thiệt, đành đoạn, lỡ dở ấy… cùng bước vào các trang văn một cách sắc sảo, có nghề. Nó trở thành các kiểu nhân vật dễ gặp nhất trong hơn 300 truyện ngắn của nhà văn Vũ Thị Huyền Trang.
Nỗi buồn có khuôn mặt đàn bà
Ở trong Phố nhà âm, một cụ bà cùng ông chồng đi lại khó khăn sau đột quỵ, sống trong căn nhà đang bị sự phát triển đô thị bỏ rơi, chìm dần. “Muốn ngoi lên mặt đường khó lắm… chỉ có nước ngửa cổ ngóng lên mới thấy ánh đèn cao áp và những chuyến xe ngược xuôi trên đỉnh đầu mình”, “ngửa cổ tìm mải miết cũng không thấy nắng”. Bà rao bán nhà nhưng không bán được, người mua sợ tới lúc phố này bị xóa xổ. Rồi chính con cháu trong nhà cũng sợ, ít lui tới khiến bà: “… cứ treo biển Bán nhà… Ừ thì, chờ đợi những người dưng cũng dễ chịu hơn chờ đợi những người ruột thịt...”. Chờ đợi trong nỗi buồn không theo kịp nhịp sống chung.
Buồn như nhân vật người chị đẹp hút hồn, bỏ chạy khỏi căn nhà của chính mình vào đúng ngày sinh nhật và không bao giờ trở lại chỉ vì nơi Cầu thang tối ấy ghi dấu cuộc tình đồng giới đơn phương. Chị muốn trốn chạy khỏi một cộng đồng chưa đủ cấp tiến để công nhận giới tính thứ ba.
Nỗi buồn mà nhân vật Thuần trong Chợ tóc phải đối mặt thì khác, đối mặt không vì chưa cấp tiến mà vì còn cổ hủ! “Đêm đợi chồng đi uống rượu về…Nhưng chồng không về nữa. Bởi không phải cơn say nào cũng tìm thấy đường về. Chồng đã gõ nhầm cửa nhà người yêu cũ” và chết vì cảm lạnh trong nhà cô ta. Từ hôm ấy, sau khi tới nhận xác chết, người vợ góa 26 tuổi bắt đầu thủ tiết thờ chồng, nuôi con, bằng nghề ra “chợ tóc”, đưa kéo thu mua tóc đẹp của các thôn nữ. “Những người đàn bà đến đây đa phần vì túng bấn. Họ bán đi mái tóc mình để thêm thắt vào cái Tết nghèo nàn bộ quần áo mới cho con hoặc cũng có khi vì chồng đòi mua vài thang thuốc về ngâm rượu”.
Về truyện Chợ tóc, ban giám khảo cuộc thi viết truyện ngắn và ký về đề tài nông nghiệp - nông thôn Việt Nam lần thứ 3 năm 2018-2020, nhận xét: “… hay đến day dứt và dư âm cứ còn xao xuyến mãi.Không chỉ đất đai nguồn sống bị thu hẹp dành cho mở mang phát triển, ngay đến cả những mái tóc đẹp, dài óng ả của phụ nữ quê cũng trở thành món hàng…”. Truyện này được trao giải Tư.
Buồn thật! Buồn như Phan Khôi từng viết: “Mối sầu như tóc bạc/ Cứ cắt lại dài ra”.
“Trẻ con là phép thử/ Sự thiện lương trong gốc rễ con người”
Một người lao động đặc biệt, cô bé Diệu bận giúp mẹ kiếm sống suốt cả mùa Hè, chỉ tới trước ngày khai giảng một đêm mới ngồi giặt sạch bộ đồng phục học sinh ẩm mốc, chờ gió đêm hong khô. Nhân vật này được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, với tựa bài là Tạm biệt mùa Hè.
Bài được lấy từ tập truyện ngắn Hái trăng trên đỉnh núi (NXB Kim Đồng, 2021).
Bài tập đọc này kết thúc chủ đề Những trải nghiệm thú vị, kéo dài trong 4 tuần, gồm 8 bài. Nét riêng mà nhân vật Diệu mang tới trong chùm bài này chính là niềm vui trong lao động, là vẻ đẹp của người lao động. Suốt một vụ Hè, cô bé mồ côi cha, theo mẹ vào vườn mua trái chín cây đem ra chợ bán lấy lời. Chính lao động tìm cho cô nữ sinh tiểu học một người bạn mới, đó là Đô.
“Nhà bạn có vườn nhãn lâu năm, vươn tít ra bờ ao…một mình bạn lo quán xuyến mảnh vườn và mấy trăm vịt đẻ. Vườn bạn rộng, Diệu và mẹ hái cả tuần không hết nhãn. Những cành vươn ra tít bờ ao hai mẹ con không dám leo ra, Đô bảo “cứ để mình hái cho, lỡ có ngã xuống ao ngụp một hơi là nổi lên ấy mà”.
Bạn mới của Diệu, người “đàn ông” mồ côi cả cha lẫn mẹ, hào phóng, dũng cảm, nhưng dịu dàng. “…bạn ngồi khâu áo. Bạn bảo mắt ông mờ, nhiều năm nay đã không còn xâu chỉ luồn kim được, những đường may cũng không còn thẳng nữa. Đô thay ông vá víu mọi thứ trong nhà”. “Đô khom lưng thổi lửa nấu cháo cho ông. Nắng lên là thấy bạn dìu ông ra ngoài hiên ngắm đàn chim sẻ sà xuống vườn chanh trước sân nhà. Bạn bón từng thìa cháo cho ông… Diệu thích nhìn thấy cảnh tượng ấy, nhất là khi thấy bạn đứng tắm gội cho ông ngoài giếng, vừa kì lưng nhẹ nhàng vừa thủ thỉ chuyện trò”.
Những chi tiết sinh động và chân thật gắn với nhân vật Đô không được đưa vào bài tập đọc vì từ một truyện ngắn gần 2.000 chữ, người soạn sách giáo khoa chỉ giữ lại được gần 200 chữ cho học sinh lớp 3 tập đọc. Thật tiếc. Nhưng thấy cần nhắc ở đây sự cắt gọt bắt buộc này, để thầy cô giáo chúng ta đừng quên tạo cơ hội giúp học sinh được đọc thêm những trang hay của cả truyện.
Trở lại với việc tìm kiếm vẻ đẹp và niềm vui sống của những người lao động trong truyện của Vũ Thị Huyền Trang, xin được kể thêm một nhân vật thiếu nhi khác, còn ở tuổi phải bồng ẵm, ở truyện ngắn Xe ôm.
Bà mẹ trẻ bế bé từ xe khách bước xuống, lọt ngay vào vòng vây mời chào của đám xe ôm, cái thứ hạng theo bà, “họ chụp giật, mất lịch sự, hay nói tục chửi bậy và có người còn “hành nghề” móc túi”. “Nhưng lạ thay, con tôi lại thân thiện cười đùa với họ, giơ tay đòi được bế. Con bé nép vào ngực người đàn ông lạ y như mỗi lúc bình yên nép vào ngực cha”.
“Con tôi được chuyền tay từ người này sang người khác. Nhìn những khuôn mặt bặm trợn, hai cánh tay xăm trổ chắc hẳn nhiều người lớn đã cảnh giác dè chừng họ, hệt như tôi vậy. Nhưng ánh mắt đen láy thơ ngây của con trẻ khiến tôi nghĩ, phải chăng người lớn sống trong lòng phố lâu năm đã thiếu thốn lòng thành và dư thừa quá nhiều hoài nghi”.
Truyện kết khi “Con tôi nhoài người khỏi vai mẹ nhìn theo họ - những người xe ôm thân thiện…”.
Trong thơ, tác giả Vũ Thị Huyền Trang cũng từng viết: “Người lớn kể cổ tích cho trẻ con nghe/ Nhưng người lớn không tin vào cổ tích/ Trẻ con là phép thử/ Sự thiện lương trong gốc rễ con người”. Trong phép thử này, những nhân vật trẻ con như Diệu, Đô và cô bé cả gan đánh bạn với các bác xe ôm đã làm mẫu cho cách thế sống của người lớn chúng ta.
Một cây bút lành nghề
Vũ Thị Huyền Trang cho biết: “Tôi thường bắt đầu viết một truyện ngắn bằng ý tưởng nào đó xuất hiện trong đầu đủ để khiến mình thấy rung động. Cũng có khi bắt đầu chỉ từmột hình ảnh: Tấm lưng của đàn bà; một chiếc bình gốm cả năm chỉ đợi một mùa hoa; hình ảnh đứa nhỏ ôm tro cốt người thân trong mùa dịch; một em bé theo người mẹ lao công đi làm đêm giao thừa; một cầu thang tối dẫn tới những bất ngờ trong khu nhà kia…”.
Từ hình ảnh cái cầu thang tối, Vũ Thị Huyền Trang phát triển thành một truyện ngắn 2.256 chữ. Cầu thang ấy có nút thắt truyện “… Khôi có người thương. Mỗi lần kể với chị… chị không nói gì, bỏ ra phố uống rượu một mình rồi về ngồi gục trên những bậc cầu thang tối”. Cầu thang ấy là nơi hé mở vừa phải quan hệ xác thịt giữa hai người đồng giới “một buổi tối mùa Thu nào đó hai chị em nổi hứng chơi trò trốn tìm ở cầu thang tối”. Rồi rất tự nhiên, những nấc thang dẫn truyện, đưa cuộc tình đồng giới đơn phương tới cao trào, “tối ngủ, chị rất thích ôm Khôi ngủ. Chị bảo: Chị quen hơi Khôi mất rồi”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nhà văn Vũ Hùng - Chủ nghĩa nhân đạo thấm nhuần mỗi trang viết
Với hình ảnh hun hút giếng sâu ở vùng đất bán sơn địa, Vũ Thị Huyền Trang “đào” được tới 2 truyện hay. Truyện Vét giếng trong vắt tình yêu của một anh khờ! Đêm trăng đó Thuận trèo xuống lòng giếng cạn, vét nước tính mang về cho vợ gội đầu. Nhưng Thuận đã trúng khí độc không thể trở về. Người ta tìm thấy Thuận ngồi cứng đơ dưới đáy giếng với thùng nước vét được đã lắng cặn trong veo.
Còn người tình si trong truyện Mùa hạn thì “Hôm Thìn cưới, Du bảo mẹ phải nạo giếng cho nước trong. Ngồi trong lòng đất còn vẳng tới tiếng ai đó hát mừng đám cưới. Nhạc đập xập xình, tiếng cười nói rôm rả, mùi xào nấu thức ăn bốc lên giữa trời oi bức. Tàn cuộc vui người ta kéo nhau đi, Du trèo lên khỏi lòng giếng sâu thấy pháo kim tuyến bắn sang tận hàng rào. Lấp lánh”.
Đó cũng là những “lấp lánh” và “trong veo”của một cây bút lành nghề, luôn tìm được cho nhân vật những không gian nghệ thuật đặc biệt để thể hiện sắc nét tính cách của mình.
Vũ Thị Huyền Trang sinh năm 1987 ở Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp khóa 9, Khoa Sáng tác vàlý luận - phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Là tác giả của 14 đầu sách văn học đã xuất bản. Hiện sống tại thị xã Phú Thọ. Hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Thọ. |
Trần Quốc Toàn
Tags