(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, hình ảnh 12 con giáp người, đầu thú khỏa thân tại khu du lịch Quốc tế Hòn Dáu (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) được lan truyền trên mạng xã hội và gây nhiều tranh cãi.
Hôm qua (27/3), Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng đã làm việc với đơn vị đặt những bức tượng và yêu cầu phải khắc phục, sửa chữa bằng 1 trong 3 phương án: Cất hết những tượng đá, mặc quần áo nghiêm chỉnh cho tượng hoặc gọi thợ đến đục đẽo, chỉnh sửa những chỗ nhạy cảm.
Thực hiện chỉ đạo, Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu (Hòn Dáu) sau đó đã quyết định mặc quần cho 12 con giáp để che phần "nhạy cảm" trên tượng.
Dẫu vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng 12 con giáp khỏa thân ở Hòn Dáu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, cần phải đập bỏ...
Chưa đạt về nghệ thuật
Trao đổi với Thể thao và Văn hóa, họa sĩ Đặng Tiến, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng cho biết ông chưa tận mắt thấy 12 con giáp khỏa thân ở Hòn Dáu nhưng xem ảnh, có thể nói về mặt nghệ thuật điêu khắc thì 12 con giáp không đẹp về mặt tạo hình.
"Dáng 12 con giáp rất xấu và giống nhau" - ông Tiến nói. "Có thể những bức tượng này chỉ do những nghệ nhân làng nghề chế tác chứ không qua bàn tay thực sự của người nghệ sĩ. Còn nếu nói về phản cảm thì tôi thấy nhiều người đang quá nặng nề khi đánh giá về nó. Đơn giản đó chỉ là những bức tượng cách điệu, vui vui một tí được người ta bày trong một khu du lịch của người ta thì tôi cho là... cũng được. Ở nước ngoài đề tài này người ta làm rồi...".
Ông Tiến cho rằng, vụ việc này là một kinh nghiệm quý cho các doanh nghiệp khi muốn xây dựng công trình, chế tác, trưng bày các tác phẩm mỹ thuật ở những nơi công cộng cũng không nên theo kiểu thích làm gì thì làm mà nên tổ chức trại sáng tác với sự tham gia của Hội Mỹ thuật, sự góp mặt của các chuyên gia giỏi thì chắc chắn sẽ có được những tác phẩm đẹp hơn.
Dưới góc nhìn của một người nghệ sĩ, họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng nơi trưng bày bộ tượng 12 con giáp khỏa thân là ở một không gian nghỉ ngơi, giải trí nên về tương quan cũng có thể chấp nhận được những cái hồn nhiên, tự nhiên và đơn giản kiểu như thế.
"Còn xét về truyền thống tạo hình thì 12 con giáp kiểu như ở Hòn Dáu thì Việt Nam mình không làm" - ông Thế nói. "Kiểu này xuất phát và nhiều nhất là ở Trung Quốc, từ thời Đường trong nghi thức tùy táng nhưng có mặc trang phục. Vì loại hình con giáp này nó có tính chất tín ngưỡng nên họ làm khá nghiêm trang, không theo cách thức dân gian như hiện nay".
Mang tác phẩm ra cộng đồng cần phải... chuẩn
Đề cập đến vụ việc này với Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) - ông Vi Kiến Thành dứt khoát: "Nó không đẹp và chả ra làm sao cả!".
Theo ông Thành, chính vì tạo hình và thẩm mỹ của 12 con giáp ở Hòn Dáu không tốt nên khiến nhiều người nghĩ đến sự trần truồng, thô tục của nó mà phê phán.
"Nhiều nước trên thế giới làm tượng đầu người mình thú với quan niệm mang tính triết học con người là sản phẩm tinh túy nhất của xã hội. Còn ở Hòn Dáu thì ngược lại, họ làm đầu thú mình người, lại lấy hình tượng 12 con giáp khỏa thân thì quả là tùy tiện cả trong tư duy lẫn thẩm mỹ" - ông Vi Kiến Thành nói.
"Việc đưa các tác phẩm ra những không gian công cộng là rất quan trọng vì nó tác động đến môi trường thẩm mỹ của cộng đồng. Vì thế, khi đem cái gì đó ra công cộng cũng cần có những chuẩn mực nhất định, phải tìm được mẫu số chung, dung hòa, phù hợp với trình độ và quan điểm của đại chúng.
Các Sở địa phương cũng cần phải giám sát, xem xét về nội dung cũng như hình thức để làm sao các tác phẩm có thể đi vào cuộc sống cộng đồng" - ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
Phạm Huy
Tags