Sau khi Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án vụ án hành chính Công ty Vietart kiện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội bác toàn bộ đơn khởi kiện của Vietart thì phía công ty này cho biết sẽ kháng cáo.
Công ty VietArt khởi kiện Sở Văn hoá và Thể thao (VHTT) Hà Nội vì cho rằng, Sở VHTT Hà Nội đã kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho Công ty khi thực hiện thủ tục hành chính trong việc giải quyết thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình "Ngôi sao Phương Nam số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh" vào ngày 15 và 16/10/2022.
Sau khi nghị án, HĐXX TAND Hà Nội đã bác bỏ toàn bộ khởi kiện của Công ty VietArt với lý do: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý đúng quy định pháp luật, đúng thời gian. Và trong suốt quá trình xin cấp phép, VietArt không có bất kỳ khiếu nại nào đối với các thủ tục, quy trình cấp phép của Sở.
Khi chưa được cấp phép, phía Công ty VietArt cũng đã tự quảng cáo bán vé trên mạng xã hội.
"Ngay từ đầu, VietArt đã không chủ động thực hiện đúng quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan. Thực tế là Vietart đã nhiều lần bị phản ánh đến Sở Văn hóa và Thể thao về việc không tuân thủ quy định quyền tác giả. Vì vậy, khi xin cấp phép vở cải lương, Sở yêu cầu Vietart bổ sung thêm thông tin là cần thiết", HĐXX nhận định.
Đối với nội dung khởi kiện liên quan chỉnh sửa kịch bản, HĐXX cho rằng Tiếng trống Mê Linh là vở cải lương kinh điển tại Việt Nam, được công diễn lần đầu năm 1977, nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong lịch sử. Vở diễn để khơi dậy tinh thần yêu nước nhưng Vietart tập hợp nhiều diễn viên, nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ tự do, để tổ chức biểu diễn.
Do đó, Sở yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa kịch bản là đúng, việc làm của Sở cũng nhằm mục đích để tổ chức buổi biểu diễn đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Đối với việc Sở chấp thuận chuyển lịch tổng duyệt vào 14h ngày 15-10-2022, HĐXX nhận định quyết định của Sở theo đúng yêu cầu của công ty Vietart là đảm bảo quyền lợi cho công ty và thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, không gây phiền hà tổn thất cho doanh nghiệp. Theo HĐXX, Công ty Vietart cho rằng sự thay đổi thời gian địa điểm tổ chức chương trình gây khó khăn cho công ty là không có cơ sở. Trong quá trình xin chấp thuận công ty này cũng không có văn bản nào khiếu nại về thái độ làm việc cũng như thủ tục hành chính của Sở VH&TT TP Hà Nội, do đó công ty Vietart khởi kiện yêu cầu xác định Sở có hành vi kéo dài thời gian giải quyết vụ việc là không có cơ sở.
Sau phiên toà, TGĐ VietArt - bà Đoàn Thuý Phương - cho biết: "Ngay sau phiên xét xử sáng 1/8, tôi biết trước HĐXX sẽ bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vietart và phần thắng sẽ thuộc về Sở VHTT Hà Nội. Tôi thất vọng với phán quyết này vì một thực tế không thể chối cãi rằng một thủ tục mà pháp luật quy định giải quyết chỉ trong 05 ngày thì Vietart phải chịu tới hơn 02 tháng mới có trong tay giấy phép. Trên tinh thần tôn trọng cơ quan công quyền, Vietart đã luôn tích cực phối hợp với tất cả các yêu cầu của Sở VHTT Hà Nội...
Ngoài ra, phán quyết của Hội đồng xét xử cũng không tôn trọng sự thật khách quan khi trong suốt diễn biến phiên Toà, Công ty VietArt đã giải thích về các quan điểm khác nhau giữa Công ty VietArt và tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả khi sử dụng các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật. Tôi khẳng định rằng, với 18 năm trong hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, Công ty VietArt luôn luôn tôn trọng quyền tác giả và cũng rất nỗ lực cùng với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả đi đến quan điểm thống nhất".
"Tôi buồn và thất vọng khi suốt hơn một thập kỷ qua, tôi nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương truyền thống đến lớp trẻ hôm nay và mai sau nhưng tôi chưa bao giờ nhận được sự động viên, quan tâm của cơ quan quản lý văn hoá, mà ngược lại quá trình xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận tổ chức biểu diễn chương trình cải lương còn bị kéo dài" - bà Phương bày tỏ thêm.
Chia sẻ với báo chí sau khi hay tin kết quả phiên xét xử chiều 2/8, NSƯT Kim Tử Long bày tỏ: "Với vở diễn Tiếng trống Mê Linh tôn vinh công lao đời đời của Bà Trưng, Bà Triệu đã được chúng tôi chủ động diễn vào dịp 20/10 để tri ân và ca ngợi vẻ đẹp của người Phụ nữ Việt Nam. Vậy mà chỉ vì sự phiền hà của vấn đề giấy tờ cấp phép khiến vở diễn không được quảng bá đến khán giả, không tiếp cận được người xem khiến chỉ bán được chừng 200 vé. Tôi và các nghệ sĩ tham gia vở diễn đã rất cảm ơn VietArt đã đi tặng vé nhằm lấp kín khán phòng giúp đêm diễn không bị tẻ nhạt, nhờ đó đêm diễn vẫn để lại những dư âm. Chúng tôi là những người làm nghệ thuật truyền thống, loại hình nghệ thuật kén khán giả, rất cần sự quan tâm khuyến khích của nhà nước, ủng hộ các vở diễn về đề tài lịch sử, nếu không chúng tôi chỉ làm các chương trình theo thị hiếu khán giả để kiếm tiền...".
Sáng nay (3/8), trao đổi với báo chí, bà Đoàn Thuý Phương cho biết sẽ kháng cáo lên Toà cấp cao vụ kiện này. "Tôi quyết định kháng cáo phán quyết của Tòa án Hà Nội lên Toà án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật" - bà Phương cho biết.
Trước đó, ngày 1/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử hành chính sơ thẩm giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần truyền thông VietArt và bị đơn là Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội.
Tại phiên toà, đại diện Cty VietArt thay đổi yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo đó, người khởi kiện yêu cầu Sở VH&TT Hà Nội bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính không hợp pháp gây ra hơn 672 triệu đồng (trước đó yêu cầu là 1 tỉ đồng). Đồng thời, doanh nghiệp này yêu cầu Sở bồi thường thiệt hại về danh dự trị giá… 1.000 đồng.
Tags