(Thethaovanhoa.vn) - Cách thành phố Hà Giang hơn trăm cây về phía Bắc, khu dinh thự Vương Chí Sình nằm ở thung lũng Sà Phìn vẫn được quen gọi với cái tên Nhà Vương. Cho đến nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại quanh địa danh này, có cả câu chuyện về "vua bài" trong nhà Vương mà tôi đã gặp, ông tên Phạm Văn Dục.
Một thời ông làm mưa làm gió ở các sòng bạc trên cao nguyên đá Đồng Văn rồi các xới mạt chược khắp Vân Nam, Quảng Đông, Côn Minh (Trung Quốc). Nhưng nghiệp cờ bạc không ai có hậu cả.
Khi tôi gặp ông, vào tuổi đã bát tuần, vua bài sống lặng lẽ trong cảnh nghèo túng nơi phố núi miền biên ải, dưới chân Bạch Sơn. Ông là Phạm Văn Dục, người được mệnh danh là vua bài của nhà họ Vương.
Vang bóng... một thời
Quê gốc ở Nam Định, cuộc sống khốn khó nên khi mới bập bẹ nói cậu bé Dục đã phải theo cha mẹ li hương tìm kế sinh nhai ở vùng đất mới. Nơi họ đến là cao nguyên đá Đồng Văn xa xôi, nơi "vua Mèo" Vương Chí Sình cai trị. Cha ông, Phạm Văn Quý là người tháo vát, có chút học hành. Lên đất mới, ông Quý kết giao được với vua Mèo, tổ chức một con đường buôn muối, vải, dầu đèn và thuốc phiện. Việc buôn bán độc quyền phất như diều gặp gió đã nhanh chóng đem lại sự giàu có cho gia đình ông. Là con trai độc nhất Phạm Văn Dục trở thành "công tử Bạc Liêu" trên miền quê đá.
Là con nhà giàu, ông được cha mẹ cho học đủ thứ tiếng quý tộc thời ấy, ngoài tiếng Mông thì tiếng Pháp, tiếng Quảng Đông ông thuộc làu làu. Những lúc cao hứng, người cha còn dạy ông đánh xóc đĩa, tổ tôm và nhất là món mạt chược, trò tiêu khiển của giới quyền quý người Mông lúc ấy. Ông mê mẩn nó lúc nào không hay. Năm 10 tuổi ông đã kết giao với con các nhà thế lực trong vùng và cả gia đình Vua Mèo Vương Chí Sình. Năm 14 tuổi, ông đã dám ngồi sòng, tay xoa quân mạt chược dẻo như thiếu nữ múa xoè, miệng sướng vị bài như một tay "cầm cái" có nghề.
Hình như ông sinh ra để xoa mạt chược, không biết thì thôi, biết thì rất nhanh rất thạo và mê mẩn ngày đêm. Cái thời Vương Chí Sình thịnh, dinh thự họ Vương ở Sà Phìn luôn có hai tiểu đội lính Mông canh giữ nghiêm ngặt, ông đã là bạn thân của Vương Quỳnh Sơn, con trai vua Mèo ra vào đánh mạt chược tự do thậm chí còn được mang súng kíp mà không ai khám xét.
Mải mê theo các ván mạt chược đỏ đen đến năm 18 tuổi ông phải đi lính. Ông vào ngay tiểu đội nơi Vương Quỳnh Sơn làm tiểu đoàn trưởng. Nhưng nghiệp mạt chược vẫn bám riết lấy ông như một định mệnh. Lúc này ở Sà Phìn, Vương Chí Sình đã lấy bà ba tên là Trương Thị Thuận (thường gọi là bà Ba Thuận). Bà Ba là người mê mạt chược có tiếng, bà có thể quên ăn quên ngủ, ngồi thâu đêm suốt sáng bên những ván bài. Một đêm khi Dục đang đóng quân trong Phó Bảng, bà Ba Thuận mở sới nhưng lại "khuyết chân", chợt nhớ ra, nửa đêm bà Thuận cho người vào báo với Vương Quỳnh Sơn cho Dục đi. Sau vài tháng vào lính, Sơn không muốn bạn tiếp tục lao vào bài bạc, hơn nữa lúc này Dục đã có một thời gian không nghĩ về mạt chược và bắt đầu "cắt cơn nghiện" về nó. Tuy nhiên, do sợ vía bà Ba, Sơn phải lệnh cho Dục lên ngựa về Sà Phìn.
Đó là một đêm đầu Xuân, nếu đêm ấy Dục chơi kém thì nghiệp cờ bạc đã không vận vào ông nữa. Nhưng ông xoa ván nào thắng ván ấy, bà ba tinh tường đã nhận ra ngay đấy là tay cờ bạc có hạng. Từ đó ông trở thành người thân cận của bà ba mỗi khi bà mở sới hay tham gia các sới khác. Nghiệp lính với ông lúc ấy chỉ là cái cớ, công việc duy nhất của ông lúc này là cùng bà ba đi xoa mạt chược. Khắp các tỉnh biên giới phía Bắc, bà Ba Thuận đi đâu ông đi đó, đôi khi đi cùng còn có ông Hầu Vạn Quả là em rể Vương Chí Sình, Sùng Mí Chiu là con rể bà Ba Thuận.
Đánh đâu thắng đó, giới cờ bạc đồn thổi ông Dục là một phù thuỷ, là kẻ có mắt ở tay. Đã theo nghiệp cờ bạc, thắng cũng khát mà thua lại càng khát. Đôi bàn tay xoa mạt chược của ông đã làm khuynh gia bại sản, khánh kiệt gia tài của không biết bao nhiêu kẻ mê muội. Nhiều kẻ ôm hận thề sẽ "chặt hai bàn tay phù thuỷ để trả hận".
Ngoài các tỉnh biên giới, ông còn tháp tùng bà Ba sang tận Côn Minh, Vân Nam, Quảng Châu... để xoa mạt chược. Đời ông có lẽ vang danh nhất trong thời gian này. Từ Đồng Văn sang Trung Quốc có xe đưa đón, các bàn mạt chược có cả các đại gia Tàu và thương gia người Âu, bên cạnh luôn có 3, 4 em gái người Hoa e lệ đứng hầu. Những hôm thắng lớn, bạc được chất lên xe và thuê người ngựa tháp tùng về. Ngày ấy ông là người sướng nhất, sống không thiếu thứ gì. Khi những người được coi là quyền quý khác chỉ hút thuốc phiện, thì ông hút cotap, ba số 555. Thậm chí khi ông cần một cốc cà phê để tỉnh táo mà xoa mạt chược cũng được người nhà Vương đáp ứng ngay. Ở xứ sở người Mèo này, kiếm cà phê còn khó hơn kiếm vàng ròng.
Giá đời
Gia đình thế lực giàu có, tiền thắng bạc xênh xang, ông cưới liền hai người vợ là hai cô gái xinh đẹp nhất nhì cao nguyên Đồng Văn. Họ sinh cho ông 5 người con, ba gái, hai trai. Có gia đình rồi, ông vẫn không lo buôn bán làm ăn mà tiếp tục lấn sâu vào các cuộc đỏ đen thâu đêm suốt sáng.
Sự đời công bằng, có vay có trả, dù giỏi ông cũng không thể cứ mãi mang cơ nghiệp của thiên hạ giấu gậm giường nhà mình. Theo thời gian nghiệp mạt chược của ông ngày càng đi vào lúc mạt... vận. Từ vị trí một vua bài đánh đâu thắng đó, từ sau ngày Vương Chí Sình mất (năm 1962), nhất là cuối những năm 70 chính quyền quản lí mạnh, ông không còn tung hoành ở các sới nữa. Tuổi cao, sự tinh nhạy của ánh mắt và đôi tay không còn nguyên phong độ, trí tuệ cũng bắt đầu kém minh mẫn. Ông chơi mạt chược "năm ăn năm thua", rồi đến khi ông thua triền miên. Nhưng vì đã nghiện nên không bỏ được.
Càng thua càng "khát nước", nhiều lần nửa đêm ông phi ngựa từ Đồng Văn về Sà Phìn đòi cha mẹ mang tiền đi đánh bạc hay mang tài sản trong nhà đi gán nợ. Cha mẹ không cho ông rút súng dọa tự tử. Tài sản cứ thế đội nón ra đi theo những cú xoa tay định mệnh. Khi cha mẹ mất, gia sản nhà ông cũng nhanh chóng tiêu tan như con thuyền rơi xuống vực sâu không thể dừng, hãm lại được. Từ một người giàu có, ông trở thành kẻ bần hàn.
Khi tôi gặp ông tròn thập kỷ trước, nguồn sống của gia đình ông chủ yếu dựa vào tiền cho thuê cửa hàng ở thị trấn Đồng Văn, mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. Với số tiền ấy ông chi tiêu tằn tiện và lo phụ giúp cho các con.
Khi ấy, "vua bài" lặng lẽ sống những ngày tuổi già trong khốn khó. Đôi khi ám ảnh ông là sự day dứt về thời trai trẻ ngông cuồng, mê muội. Các con gái của ông đều đi lấy chồng. Con trai không nghiện cờ bạc như ông nhưng lại lâm vào... nghiện hút. Một đứa đi cai nghiện còn một đứa vật vờ làm thuê kiếm sống. Với ông, nghiệp cờ bạc đã phải trả một cái giá quá đắt, từ tiền bạc, gia sản của cha mẹ đến sự nghiệp của ông và cả hai đứa con của ông nữa.
Xử lý kiến nghị của ông Vương Duy Bảo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý kiến nghị của ông Vương Duy Bảo. Ông Vương Duy Bảo có thư đề ngày 21/7/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tòa Dinh thự họ Vương người H'Mông tại xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có báo cáo tổng quan và quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến Tòa Dinh thự họ Vương người H'Mông tại xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn; trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tòa Dinh thự và đề xuất giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ gửi trước ngày 31/8/2018. Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ |
Ghi chép của Mạnh Cường
Tags