Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, những ngày này, người dân địa phương và du khách khi đến Nice không chỉ được tận hưởng trời xanh, biển biếc, nắng vàng, mà còn được chiêm ngưỡng tranh, tượng và một số kỷ vật của Vua Hàm Nghi, bị thực dân Pháp bắt đưa đi lưu đày ở Algeria.
Với chủ đề “Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, ông hoàng An Nam (1871-1944)”, cuộc triển lãm, với khoảng 150 tranh, ảnh, hiện vật của Vua Hàm Nghi, diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật châu Á ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp, nhằm giới thiệu tới công chúng những trang lịch sử nói chung và lịch sử nghệ thuật nói riêng của một vị vua nước Việt ít được biết đến.
Đến triển lãm, du khách được chiêm ngưỡng những bản vẽ, tranh sơn dầu hay màu nước mà Vua Hàm Nghi sáng tác theo trường phái Ấn tượng, những bức tượng điêu khắc bằng chất liệu đồng, gỗ, thạch cao, những kỷ vật, hình ảnh gắn bó với cuộc đời lưu đày của ông, chiếc áo ông từng mặc và cả tấm hộ chiếu, giấy chứng nhận kết hôn, cũng như các bức thư do các cựu hoàng Khải Định và Bảo Đại gửi in, cùng nhiều tài liệu khác mà Vua Hàm Nghi luôn lưu giữ bên mình lúc sinh thời...
Triển lãm là thành quả gần 10 năm sưu tầm, nghiên cứu và tìm kiếm của cô Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi. Nhận thấy các tư liệu, tác phẩm và di sản mang tính lịch sử của cụ cố 5 đời để lại không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn mang ý nghĩa nghệ thuật, cô đã làm luận văn tiến sĩ chuyên ngành lịch sử nghệ thuật về Vua Hàm Nghi. Cô cũng chính là tác giả của cuốn sách “Ham Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” (Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Algeria), xuất bản năm 2019 tại Pháp.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp về ý nghĩa của cuộc triển lãm, cô Amandine Dabat cho biết, đây là triển lãm đầu tiên về vua Hàm Nghi kể từ khi ông mất, được tổ chức với sự phối hợp của Bảo tàng nghệ thuật châu Á ở Nice. Triển lãm cuối cùng do chính ông tổ chức lúc còn sống diễn ra vào năm 1926, tức là cách đây gần một thế kỷ. Để có được sự kiện này, cô đã phải liên hệ để mượn các bộ sưu tập và di vật được lưu giữ ở các bảo tàng Guimet, Cernuschi và Rodin tại Paris, cũng như trong gia đình các hậu duệ của Vua Hàm Nghi và bạn bè của ông.
Cô Dabat chia sẻ: "Chúng tôi muốn giới thiệu tới công chúng, kể cả người Pháp và Việt Nam, một cái nhìn khá trọn vẹn về cuộc đời Vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước bị lưu đày, nhưng mang tâm hồn của một nghệ sĩ, một nhà điêu khắc, học trò của những nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp như Auguste Rodin".
Ấn tượng với đề tài Tiến sĩ của cô Amandine Dabat về vua Hàm Nghi, và cũng thấy thích hợp để tổ chức triển lãm, ông Adrien Bossard, phụ trách Bảo tàng nghệ thuật châu Á tại Nice, đã đề nghị phối hợp để tổ chức sự kiện. Ông khẳng định: "Triển lãm là sự kiện độc đáo bởi Vua Hàm Nghi tuy là người châu Á, nhưng lại theo trường phái nghệ thuật ấn tượng châu Âu và phát triển sự nghiệp của mình ở châu Phi".
Theo ông, triển lãm không chỉ mang đến cho công chúng một cái nhìn mới mẻ và thú vị về châu Á, mà còn mang ý nghĩa lịch sử vì các tư liệu trưng bày nói về một nhân vật dòng dõi vương triều ở Việt Nam, có liên quan đến cuộc chiến tranh Đông Dương và thời kỳ thuộc địa của thực dân Pháp, vốn vẫn tồn tại trong ký ức của nhiều người dân.
Ông Bossard khẳng định: “Có thể nói đây là một triển lãm khá thành công. Từ khi mở cửa đến nay, trong vòng một tháng rưỡi, chúng tôi đã đón 8.000 khách tham quan và đến khi kết thúc triển lãm vào cuối tháng 6/2022, chúng tôi dự kiến sẽ đón khoảng 25.000 khách”, Bà Francoise Cole, một khách tham quan, lần đầu tiên đến bảo tàng này, đã bày tỏ “ấn tượng về triển lãm và những hiện vật có giá trị của một vua Việt Nam cũng như những tác phẩm hội họa và điêu khắc rất độc đáo của Vua Hàm Nghi”.
Còn bà Véronique chia sẻ : “Triển lãm cho tôi một cái nhìn đa chiều về nhận vật, không chỉ là các kỷ vật của ông, mà cả những bức tranh cũng cho thấy ông là người yêu thiên nhiên, một người thân thiện, chứ không phải là một người xa lạ, lạnh nhạt. Đó là cảm nhận của tôi khi xem triển lãm này”.
Vua Hàm Nghi (1871 - 1944) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn nhưng chỉ trị vì được 1 năm (1884 – 1885). Sau khi phất cờ khởi nghĩa Cần Vương chống lại việc thành lập chính quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương, ông đã bị bắt và bị thực dân Pháp đày sang thủ đô Algiers của Algeria năm 1888. Khi đó, ông mới 18 tuổi.
- Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi về Di tích Quốc gia Thành Tân Sở (Quảng Trị)
- Xây dựng Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi tại Di tích Quốc gia Tân Sở
- Lần đầu tiên đấu giá tranh của vua Hàm Nghi
Trong thời gian sống lưu đày, Vua Hàm Nghi đã tìm sự khuây khỏa và tự do cho riêng mình trong văn chương, nhiếp ảnh và đặc biệt là trong hội họa, điêu khắc với những họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc bậc thầy của Pháp như Marius Reynaud và Auguste Rodin. Chịu ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng và hậu Ấn tượng của châu Âu, các bức tranh của ông chủ yếu vẽ bằng màu nước và sơn dầu, mô tả thiên nhiên, cảnh vật, còn các tác phẩm điêu khắc thường là chân dung các nhân vật, được làm bằng các chất liệu đồng, gỗ và thạch cao.
Năm 1904, Vua Hàm Nghi kết hôn với bà Marcelle Laloe (1884 - 1974), con gái của Chánh án tòa Thượng phẩm tại Algiers. Hai người có với nhau 3 người con gồm: công chúa Như Mai (1905 - 1999), công chúa Như Lý (1908 -2005) và hoàng tử Minh Đức (1910 - 1990). Cô Amandine Dabat, chắt gái của công chúa Như Lý và là hậu duệ đời thứ năm của Vua Hàm Nghi, là Tiến sĩ Lịch sử Nghệ thuật (Đại học Sorbonne), Thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris-Diderot). Cô cũng là thành viên của Trung tâm Đông Nam Á tại EHESS.
Năm 2015, cô Amandine Dabat bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia (Paris) cũng với đề tài liên quan đến Vua Hàm Nghi có tên: “Ham Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” (Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Algeria". Mới đây, quyển sách cô viết về Vua Hàm Nghi đã nhận được Giải thưởng Hỗ trợ sáng tác văn học của Quỹ Del Duca.
Nguyễn Thu Hà/TTXVN
Tags