(Thethaovanhoa.vn) - “Mong mọi người hãy nhìn trọng tài với ánh mắt thiện cảm”, đó là những lời chia sẻ từ đáy lòng của trợ lý Phan Việt Thái cũng như trọng tài Hoàng Anh Tuấn sau sự cố trên sân Pleiku.
- Quảng Nam được U20 Việt Nam ‘tiếp viện’ sau sự cố ở Pleiku
- Trọng tài mắc lỗi trận HAGL – Quảng Nam suýt giải nghệ
- Những bức ảnh lý giải Làng bích họa ở Quảng Nam 'hút khách'
Trợ lý Phan Việt Thái vẫn chưa thôi ám ảnh, áy náy về tình huống mà giới trọng tài thường dùng đến là “ma làm” đó. “Đến bây giờ tôi vẫn còn thấy cảm giác khó chịu. Tại mình làm sai, mình rất áy náy. Thực tế tôi không muốn làm oan cho đội nào cả bởi tôi xác định mình đang làm nghề trọng tài, nghề cầm cân nảy mực mà. Hai ngày sau sự cố ở sân Pleiku, tôi không dám đọc báo bởi rất sợ ám ảnh với tình huống đó”, trợ lý Thái vẫn không thôi trăn trở và ắt hẳn, tình huống đó sẽ theo suốt nghiệp cầm cờ của vị trợ lý này.
Trợ lý Thái đã nghĩ đến viễn cảnh dứt hẳn với nghiệp cầm cờ nhưng đến với nghề này bằng đam mê, nên khi trót mang sai lầm, ông Thái trăn trở: “Trận đấu trên sân Pleiku sẽ là bài học lớn cho tôi để tôi rèn luyện, có kỹ năng tốt hơn và tôi sẽ cố gắng làm lại. Qua đây, tôi mong muốn dư luận, những ai đam mê bóng đá nhìn nhận lại nghề trọng tài với con mắt thiện cảm hơn. Nghề này áp lực cao, rèn luyện rất nhiều thứ. Đam mê mà chơi chứ không vì gì cả.
Bên cạnh đó, đến với nghề này, tôi mong muốn để cầu thủ Việt Nam chơi đúng luật, chơi fair-play, muốn góp phần vào sự phát triển cho bóng đá Việt Nam chứ tôi nói thẳng, các cầu thủ, HLV và kể cả lãnh đội vẫn chưa hiểu thấu về luật. Thực tế, bóng đá chỉ là trò chơi thôi và phải chơi theo luật”.
Riêng cá nhân một trọng tài cấp FIFA như ông Hoàng Anh Tuấn, chua xót: “Khi ra làm quốc tế, từ BTC, các nước bạn rồi khán giả họ xác định trọng tài là một quan chức. Lúc đó bản thân anh em làm sao cố gắng thành một ông trọng tài để mọi người tôn trọng. Còn ở Việt Nam mình, nói hơi buồn chứ khán giả coi trọng tài là thằng trọng tài chứ không phải ông trọng tài”.Ông Tuấn cũng tâm tư về câu chuyện tài chính khi đến với nghề làm dâu trăm họ này. “Thu nhập của trọng tài đã được nâng lên nhưng anh em chúng tôi phải tự thuốc thang, bù lại quá trình hồi phục, mua thuốc để bổ sung các vi chất để đảm bảo đủ thể lực. Cũng giống như cầu thủ, anh em trọng tài một ngày cũng phải tập luyện từ 2 đến 3 tiếng. Đặc biệt, anh em ngoài 40 tuổi cần bổ sung nhiều dưỡng chất và thuốc thang như vi sủi cá mập, các thuốc có hàm lượng canxi,… hay kể cả băng trợ lực để không bị nhũ các loại cơ thì chúng tôi phải tự trang bị, hỗ trợ cho hoạt động cơ bắp. Thu nhập tưởng là nhiều nhưng thuốc thang mua sắm, hỗ trợ thì cũng không còn nhiều đâu”, ông Tuấn trải lòng.
Ông Tuấn cũng như bao trọng tài khác, luôn đau đáu rằng: “Anh em trọng tài đa phần là cán bộ Nhà nước và giáo viên. Khi làm nghề trọng tài thì đã được đào tạo, hướng dẫn căn bản. Chuyên môn của tôi cũng được 17 năm còn Thái cũng hơn 10 năm rồi nên có rất nhiều kinh nghiệm nhưng sai sót thì xảy ra bất ngờ lắm. Những sai sót thì không thể tránh khỏi và không biết trước được điều gì cả.
Đội bóng, khán giả cần chia sẻ với đội ngũ trọng tài để thấu hiểu được sai sót là một phần của nghề trọng tài. Anh em bây giờ mong muốn BTC, các đội bóng, khán giả có góc nhìn thoải mái về trọng tài hơn để anh em không bị nhiều áp lực bởi khi bị áp lực lớn quá thì khiến anh em trọng tài khó làm”.
Trần Khánh
Thể thao & Văn hóa
Tags