Vùng biển, nơi các anh hy sinh, đã 'hóa tâm hồn'…

Thứ Bảy, 25/06/2016 06:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dù lý trí vẫn biết đó là sự thật sẽ phải đối mặt, nhưng ai cũng cảm thấy tức thở trong giây phút thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam xác nhận là 9 thành viên tổ bay đã hy sinh.

1. Trước đó, phép màu đã xảy ra khi chúng ta cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường, nhưng trong ngày hôm nay, có thể không còn phép màu nào xảy ra với những người còn lại và với tất cả chúng ta.

"Sau 10 ngày tìm kiếm…, phi công Trần Quang Khải hy sinh. 9 thành viên phi hành đoàn CASA 212 cũng đã hy sinh"-  thượng tướng Võ Văn Tuấn nói.

Khi nghe ông nói, tôi nhìn lại các bản đồ họa thể hiện các khu vực máy bay rơi và tìm thấy thi thể các anh. Một là vùng biển cách đông bắc đảo Mắt (vùng biển Nghệ An) khoảng 40 km, nơi rơi máy bay Su 30MK2 số hiệu 8585; còn một là khu vực cách khoảng 30km phía Nam Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), nơi rơi máy bay CASA 212.


Tàu BP 061901 cập cảng đưa thi thể phi công Trần Quang Khải về đất liền. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Những vùng biển đó có thể nhiều người trong chúng ta chưa có cơ hội đặt chân đến. Nhưng giờ đây, vùng biển ấy mãi khắc sâu vào tâm trí mọi người. Nơi các anh đã hy sinh đã “hóa tâm hồn” người Việt Nam…

Rồi đây, không chỉ thân phụ, vợ con, bạn bè, anh em, con cháu… các anh sẽ rưng rưng đẫm lệ mỗi khi rờ tay lên tấm bản đồ tìm vùng biển, vùng trời nơi đó, mà tất cả chúng ta cũng đều lắng lòng lại mỗi khi nghe nhắc đến hoặc có dịp đi qua…

2. Tôi tin rằng, sẽ không có ai quên những nơi ấy. Còn nhớ trong chuyến đi công tác Trường Sa trở về vùng biển DK1, thuộc thềm lục địa phía Nam của tổ quốc; giữa trùng dương mênh mông, với một người lần đầu đi xa như tôi, thì chẳng biết đâu là bến bờ. Nhưng với những người lính thì mỗi vùng biển, vùng trời đều là một “vùng ký ức”, nơi in “dấu chân người lính” trong sóng nước.

Cứ mỗi lần tàu đi qua đó là các đoàn đều tổ chức Lễ viếng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam, trong đó có cả chục cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã hy sinh giữa thời bình trong 27 năm kể từ khi nước ta thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (ngày 5/7/1989).

Sức tàn phá khủng khiếp của các cơn bão năm 1990, 1996, 1998 và 2000 đã làm đổ một số nhà giàn - nơi các chiến sĩ đang có mặt làm nhiệm vụ và một số người đã hy sinh anh dũng….

Tôi nhớ suốt cả buổi chiều và buổi tối hôm đó, đoàn cán bộ cùng các chiến sĩ và chính trị viên trên tàu đã lặng lẽ xếp hoa tươi thành vòng hoa, rồi sáng sớm hôm sau, bình minh lên, khi lễ viếng bắt đầu, là tôi thấy những gương mặt đó đẫm lệ, nức nở...

3. Sự hy sinh nào cũng đau đớn, nhưng sự hy sinh giữa thời bình càng đớn  đau hơn. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng, các thế hệ sẽ không bao giờ quên được các anh, những người lính đã hy sinh ở vùng biển gần đảo Mắt (Nghệ An) hay đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)…

Cả nước đang rộng vòng tay đón các anh trở về. Chăm lo cho thân nhân các anh chỉ là một phần của sự tri ân – mà phần đó chúng ta có thể làm được.

Quan trọng là các thế hệ cần phải sống cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh, phải tiếp nối cho được nhiệm vụ mà các anh đã làm cho đến hơi thở cuối cùng. Đó mới là điều mà chúng ta cần phải phấn đấu.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›