(Thethaovanhoa.vn) - Con tàu Trường Sa 19 của Lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân) nhiều ngầy liền đè sóng cấp 7, cấp 8 để mang đến cho các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK 1 nhiều món quà Tết từ các vùng quê như tương Bần (Hưng Yên), bánh dừa nướng, bánh cốm Bình Định, trà xanh Hà Giang, Thái Nguyên, kẹo lạc Phố Hiến, cà phê Tây Nguyên, hạt điều Bình Phước, nước mắm Nam Ngư…
Nhiều năm gần đây, trong số các món quà được các nhà giàn mong đợi nhất từ Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân vào mỗi dịp cận Tết là những cây quất cảnh Văn Giang (Hưng Yên).
Của một đồng công một nén
Khi các phóng viên TTXVN có mặt tại Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân (Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) thì các dãy quất cảnh với những quả chín vàng mọng nước đã được xếp gọn gàng trước trụ sở của Tiểu đoàn DK 1.
Còn hơn 10 ngày nữa mới tới thời điểm Đoàn công tác rời quân cảng của Lữ đoàn 171 để ra khơi chúc Tết các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, gió mùa Đông Bắc đang tràn về phía Nam, nghĩa là Biển Đông sẽ có sóng to, gió lớn. Tuy vậy, ở xã Long Sơn (ngoại ô thành phố Vũng Tàu), trời vẫn trong vắt, nắng vẫn gay gắt, trái ngược với thời tiết mưa, lạnh ở nơi xuất xứ của những cây quất Bắc Bộ. Sáng sáng, chiều chiều, các chiến sỹ DK 1 tưới tắm cho cây để chờ ngày “xuất quân”.
Đại tá Hoàng Minh Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết: Như thông lệ, năm nay, Huyện ủy, UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cùng các tổ chức, đoàn thể ở địa phương gửi những cây quất đẹp đã qua tuyển lựa đến Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Đây là một trong nhiều cách mà nhân dân Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung thể hiện tình cảm của mình với những người con đang canh giữ biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Các cây quất đã vượt hàng nghìn cây số qua đường sắt, đường bộ mới tới được nơi tập kết và cần được chăm sóc đặc biệt cho tới khi ra đến các nhà giàn bằng đường thủy.
Tàu Trường Sa 19 tiếp nhận hàng tấn hàng Tết cùng 7 cây quất để chở tới các Nhà giàn DK 1/15, 14, 12, 11, 10 và Trạm Radar 590, Phân trạm TB 10 thuộc Lữ đoàn 681 đóng tại huyện Côn Đảo. Suốt những ngày lênh đênh trên biển, cán bộ Tiểu đoàn DK 1 và Ban chỉ huy tàu vận tải chịu trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc quất.
Các cây quất được xếp vào nơi an toàn nhất trên tàu để gió cấp 8 và nước biển không làm rụng lá, quả hoặc làm thối rễ.
Chỉ huy trưởng tàu Trường Sa 19 Nguyễn Nam Khánh cho biết: Chức năng chủ yếu của tàu là chở vật liệu xây dựng. Nhưng vào dịp cuối năm này chúng tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt là mang hàng Tết, cũng là chuyển tải tình cảm của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2 cũng như của nhân dân cả nước, tới các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK 1. Những gói quà, nhất là những cây quất, giò lan mong manh, dễ gãy nên chúng tôi rất trân trọng, nâng niu trên suốt hải trình thường xuyên có gió cấp 6, thậm chí cấp 7 giật cấp 8.
Mỗi khi tiếp cận một nhà giàn, tàu Trường Sa 19 thả neo cách 300 – 400 m phía dưới hướng gió để tránh nguy cơ sóng lớn đẩy rê tàu va vào chân công trình. Chiếc xuồng máy chân vịt được hạ xuống để chở hàng Tết tới nhà giàn.
Theo Phó Thuyền trưởng tàu Trường Sa 19, đồng thời là Trưởng xuồng Nguyễn Đăng Cường, đây là thời điểm nguy hiểm nhất đối với các thành viên tổ vận chuyển. Chiếc xuồng bị sóng đẩy cao ngang boong tàu rồi lại bị kéo xuống 3 – 4 m, nghiêng ngả, có lúc tưởng như người và hàng hóa bị hất tung xuống biển. Mỗi ngày Thượng úy Cường vầ ê kíp của mình thực hiện hơn mười chuyến vận chuyển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.
Đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, đồng thời là Trưởng đoàn Đoàn công tác trên tàu Trường Sa 19 chỉ đạo: Phải đảm bảo vận chuyển an toàn quà Tết đến các nhà giàn. Hàng hóa ra nhà giàn đợt này không đơn thuần là món quà vật chất mà chứa đựng trong đó là tình sâu nghĩa nặng, không đo đếm được.
Trước đây, quất được “băng bó” bằng keo dính khi vận chuyển từ tàu vào nhà giàn. Nhưng cách này vẫn không loại trừ triệt để việc nước biển bắn vào lá. Cái khó ló cái khôn, tổ vận chuyển nghĩ ra cách cho cây vào thùng phi nhựa và bịt kín nắp, dùng cần cẩu hạ xuống xuồng. Đến chân nhà giàn, thùng phi được kéo lên, nhẹ nhàng bê lên phòng giao ban ở độ cao 30 – 35 m.
Cứ như thế, cây quất Văn Giang trải qua rất nhiều công đoạn để đến với các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn mà lá vẫn xanh, quả vẫn vàng ươm và nụ hoa vẫn trắng tinh khôi.
- Đưa quà Xuân, quất cảnh, hoa mai, hoa đào ra Nhà giàn DK 1
- Chuyển quà Tết đến nhà giàn DK1
- Xúc động hình ảnh chuyển quà Tết lên Nhà giàn DK, Vùng 2 Hải quân
Biểu tượng mùa Xuân đất mẹ
Trung tá Vũ Văn Hậu, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15, người từng đón 4 cái Tết tại các nhà giàn tâm sự: Dẫu biết đưa quất cảnh Tết ra nhà giàn đòi hỏi biết bao công sức của rất nhiều người trong và ngoài Quân đội, song chúng tôi vẫn mong mỏi, chờ đợi. Bởi lẽ, đây là biểu tượng thân thương của mùa Xuân đất mẹ. Không có những quả quất chín vàng lúc lỉu trên cành, nhìn ra ngoài chỉ thấy trời và nước xanh ngắt, những người lính biển không cảm nhận được dấu hiệu của mùa Xuân cận kề.
Đại úy Vũ Văn Định, quân nhân chuyên nghiệp, người đã đón Giao thừa ở đảo Đá Tây A và đảo Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) cũng như tại nhà giàn DK 1/11 chia sẻ: Trên đảo, nhất là đảo tương đối lớn và có người dân sinh sống, có nhiều cách để “mục sở thị” không khí Tết như trẻ em khoe áo mới, người lớn rộn ràng mua sắm, trang trí nhà cửa… Còn ở nhà giàn, nơi mỗi năm chỉ có hai mùa – biển động và biển lặng. Cánh én báo hiệu mùa Xuân về cũng chỉ có trong thơ văn. Bởi vậy, sự xuất hiện của cây quất quả vàng lá xanh trong phòng sinh hoạt tập thể tại nhà giàn làm chúng tôi thấy mình gần hơn với đất liền.
Theo Trung úy Đồng Xuân Phong, chính trị viên ở Nhà giàn DK 1/10, cây quất Văn Giang là “nhân vật chính” trong các buổi liên hoan tiễn năm cũ và nghinh đón năm mới tại các nhà giàn. Nó được đặt ở vị trí trang trọng, gắn các thiệp chúc mừng năm mới, dây đèn nhấp nháy xanh đỏ, treo các lá thăm trong trò chơi “hái hoa dân chủ”…
Khi hoàn thành sứ mệnh là biểu tượng mùa Xuân, cây quất được các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn bứng ra trồng tại khu vườn tăng gia. Năm sau và năm sau nữa, ở độ cao 25 – 30 m, đối chọi với sóng to, gió lớn, hít thở bầu không khí mặn mòi của đại dương, cây vẫn ra hoa, kết trái – dẫu quả chỉ to bằng đầu ngón tay, đem lại niềm vui bình dị cho những người lính biển.
Trần Quang Vinh - TTXVN
Tags