Ngày 11/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dòng phụ XBB.1.5 của biến thể Omicron có thể gây ra nhiều ca lây nhiễm hơn.
Sau cuộc họp kỹ thuật ngày 5/1, WHO nêu rõ: “Dựa trên các đặc điểm di truyền và ước tính tốc độ tăng trưởng ban đầu, XBB.1.5 có thể góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh”.
Tuy nhiên, WHO nói rằng đánh giá này chỉ có "độ tin cậy thấp" vì dữ liệu thu thập được chủ yếu đến từ Mỹ.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ hôm 10/1 cảnh báo biến thể phụ XBB.1.5 đang lây lan nhanh chóng ở nước này. Dữ liệu của CDC Mỹ cho thấy XBB.1.5 là nguyên nhân gây ra 27,6% tổng số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong tuần kết thúc vào ngày 7/1 vừa qua, tăng từ mức 18,3% của một tuần trước đó và mức 11,5% cách đó 2 tuần.
Cùng ngày, WHO nhắc lại việc Trung Quốc cần chia sẻ thêm dữ liệu về đợt bùng phát dịch COVID-19 tại nước này.
Trong khi đó, theo nhận định của các nhà nghiên cứu, XBB.1.5 là họ hàng của biến thể Omicron XBB và là biến thể tái tổ hợp của các biến thể phụ Omicron BA.2.10.1 và BA.2.75. XBB là nguyên nhân gây ra làn sóng các ca mắc mới tại Singapore vào mùa Thu năm 2022. XBB cũng "cạnh tranh" với một loạt các biến thể đang lưu hành khác và bắt đầu phổ biến tại Mỹ. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn theo dõi chặt chẽ XBB và các dòng phụ.
Các nhà khoa học cũng cho rằng giống như XBB.1, XBB.1.5 có thể né tránh miễn dịch tạo ra sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 hay sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều cơ bản. Mặc dù XBB.1.5 có khả năng gây ra số ca mắc nhiều hơn nhưng hiện chưa rõ mức độ nghiêm trọng của biến thể phụ này ra sao.
Tags