(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tỏ ra thận trọng trước những cảnh báo nghiêm trọng liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phát hiện tại Anh, cho rằng đây là một phần trong diễn biến thông thường của đại dịch.
Các quan chức WHO thậm chí còn tỏ ra lạc quan trước việc phát hiện các biến thể mới, bởi điều này đồng nghĩa rằng các công cụ theo dõi virus đang hoạt động hiệu quả. Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Giám đốc Tình trạng Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh minh bạch thông tin là quan trọng, nhưng thế giới cũng cần vượt qua được đợt dịch này vì biến thể mới chỉ là sự phát triển bình thường của virus. Theo ông Ryan, việc dõi virus một cách sát sao, khoa học và kịp thời thực sự là bước tiến tích cực và các nước đang thực hiện quy trình giám sát này nên được hoan nghênh.
Với dữ liệu tại Anh, các quan chức WHO cho biết không có bằng chứng nào cho thấy biến thể mới khiến người bệnh nặng hơn hoặc làm tăng nguy cơ tử vong so với các chủng hiện nay của virus SARS-CoV-2, dù chúng dường như lây lan nhanh hơn. WHO nhận định biến thể mới phát hiện tại Anh còn lây lan chậm hơn so với các căn bệnh khác như quai bị. Các quan chức WHO đều tin rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể ứng phó tốt với biến thể mới, dù điều này vẫn đang được kiểm chứng.
Trong khi đó, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan khẳng định cho đến thời điểm này, dù virus SARS-CoV-2 đã có một số sự đột biến, nhưng những thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khả năng kháng thuốc, các liệu pháp điều trị hay tránh được các vaccine hiện nay của virus.
Dự kiến trong vài ngày hoặc vài tuần tới, WHO sẽ nhận được thông tin chi tiết về tác động tiềm tàng của biến thể mới. Theo bà, virus SARS-CoV-2 còn biến thể chậm hơn so với virus cúm. Mỗi năm, vaccine ngừa virus cúm đều cần được đánh giá và xem xét lại dựa trên mức độ lây lan của chủng cúm vào năm đó. Chuyên gia Swaminathan nhấn mạnh rằng điều quan trọng là cần phải tiếp tục theo dõi sự phát triển của virus, trong đó tập trung vào nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm. Theo bà, virus càng lây lan thì nguy cơ chúng biến đổi và tạo ra biến thể càng tăng. Do đó, điều quan trọng là phải giảm thiểu mức độ lây lan trong cộng đồng, từ đó giảm tỷ lệ đột biến của virus.
- Dịch COVID-19: Tổng thống đắc cử Mỹ J.Biden công khai tiêm vaccine trên truyền hình
- Dịch COVID-19: Nhiều nước Mỹ Latinh dừng các chuyến bay tới Anh
Theo Tiến sĩ Maria Van Kerkhoven, trưởng nhóm kỹ thuật của Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh thậm chí còn không ảnh hưởng đến phần lớn các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19. Trước tình hình này, các chuyên gia của WHO hối thúc người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa y tế hiện nay, bao gồm đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, đảm bảo giãn cách xã hội. Những biện pháp này đều đã chứng minh hiệu quả trong việc kiềm chế virus lây lan, bao gồm biến thể mới nhất này.
Trong bối cảnh nhiều nước đã đóng cửa biên giới với Anh, cố vấn khoa học Chiến dịch Thần tốc của Mỹ, Tiến sĩ Moncef Slaoui nhận định có khả năng biến thể này đã xuất hiện tại Anh từ lâu, nhưng các nhà khoa học chưa để ý đến, dẫn đến cảm giác số ca nhiễm tăng vọt khi biến thể này được phát hiện. Nhà khoa học này nhấn mạnh chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy biến thể của virus SARS-CoV-2 này có khả năng lây nhiễm cao hơn, mà chỉ có dữ liệu cho thấy nó xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã bắt đầu nghiên cứu về biến thể mới, để xác định xem liệu các kháng thể lấy từ bệnh nhân đã phục hồi hay được tổng hợp trong phòng nghiên cứu có hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới này không. Quá trình nghiên cứu này sẽ mất khoảng vài tuần. Mặc dù tin tưởng rằng kháng thể do vaccine tạo ra sẽ vẫn hiệu quả, do chúng sẽ nhắm vào protein gai mà virus SARS-CoV-2 dùng để xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh, Tiến sĩ Slaoui cũng không loại trừ khả năng virus đột biến và vaccine không hiệu quả vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Vì vậy, ông kêu gọi thế giới cần tiếp tục thận trọng.
Đặng Ánh - TTXVN
Tags